Đồng Nai: Nhiều điểm sáng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã hình thành 419 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích khoảng 37.000 ha. Loại hình công nghệ cao được ứng dụng nhiều hiện nay, gồm: Giống; công nghệ tưới tự động, bán tự động; thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; sản xuất trong nhà lưới, nhà màng; trồng cây trên giá thể; công nghệ chuồng lạnh kết hợp chăn nuôi bán tự động và công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh; phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng được tỉnh tập trung triển khai.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai đến nay đã hình thành 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với 1.500 ha và 9 mô hình được chứng nhận hữu cơ, diện tích 28,7 ha, có 107 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, với 866 ha cây ăn quả, rau màu, tăng 626 ha so năm 2021
Mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao ở Đồng Nai mang lại nhiều hiệu quả - (Ảnh minh họa). |
Ngoài ra, công tác quy hoạch đã được rà soát xác định không gian, định hướng phát triển các vùng sản xuất trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở bố trí nguồn vốn đầu tư công, kêu gọi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Cùng với đó, địa phương cũng gắn định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững với 321 vùng sản xuất tập trung quy mô 95.000 ha, 10 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 11.800 ha.
Từ những định hướng đó, tỉnh Đồng Nai đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Lĩnh vực trồng trọt có 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao; ứng dụng tưới nước tiết kiệm trên cây trồng 79.000 ha, chiếm 48,77% diện tích sản xuất nông nghiệp chủ lực của tỉnh, tăng 21.307 ha so với năm 2021; 10 cơ sở sản xuất giống chuối cấy mô; 3002,5 ha cây trồng chủ lực của tỉnh đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt, tăng 1.367,5 ha so năm 2021.
Cùng với đó, một số nơi ở Đồng Nai đã sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc đối với diện tích lúa, chuối, sầu riêng được nhiều Hợp tác xã và Tổ hợp tác ứng dụng; 149 ha cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; bước đầu ứng dụng công nghệ Tnternet vạn vật (IoT),…
Thiết bị bay không người lái phun thuốc đối với diện tích lúa, chuối, sầu riêng được nhiều Hợp tác xã và Tổ hợp tác ứng dụng - (Ảnh minh họa) |
Đến nay, toàn tỉnh có 189 mã số vùng trồng xuất khẩu với gần 28.000 ha và 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số phục vụ xuất khẩu sang thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand,…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh có 65% đàn heo, 49% đàn gà được chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Khoảng 27,5% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh; duy trì 5 vùng an toàn dịch bệnh, 657 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh; 125 trang trại, 7 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP, cung cấp ra thị trường 88.100 tấn thịt heo/năm, 32.200 tấn thịt gà/năm, 283,2 triệu quả trứng/năm.
Ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi giúp cải thiện tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi và xử lý môi trường, giảm mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi, xử lý chất thải hữu cơ trong chăn nuôi làm phân bón sử dụng cho cây trồng.
Về nuôi trồng thủy sản, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao (CPF Combine) tại huyện Nhơn Trạch tiếp tục được nhân rộng với quy mô 171 ha, tăng 30 ha so với năm 2021 (lợi nhuận bình quân khoảng 600 - 800 triệu đồng/ha/năm). Duy trì 14 vùng nuôi thủy sản đạt chứng nhận VietGAP với quy mô 401,75 ha. Tổng giá trị sản phẩm thủy sản chủ lực áp dụng công nghệ cao đạt 430 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng giá trị sản phẩm thủy sản chủ lực toàn tỉnh.
Lâm nghiệp có hơn 2.100 ha rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn, hơn 11.342 ha rừng đạt chứng chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC gắn với thực hiện liên kết sản xuất, thu mua, chế biến gỗ, tăng 3.600 ha so với năm 2021.
Những năm qua, việc ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh chú trọng và các ngành, địa phương triển khai thực hiện thông qua các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hằng năm.
Đặc biệt năm 2020, đã được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đưa nhiệm vụ “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025” và đưa vào vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 để thực hiện.