Đồng Nai đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ cho nông sản
Một trong những sự kiện nổi bật đó là Lễ hộitrái cây Long Khánh 2023 diễn ra vào tháng 6/2023, sự kiện diễn ra thường niên vào mỗi mùa trái cây chín rộ, nhằm giới thiệu, quảng bá và kết nối sản phẩm nông sản, trái cây, dịch vụ du lịch của thành phố Long Khánh nói riêng và Đồng Nai nói chung.
Khu trưng bày trái cây tại Lễ hội Trái cây Long Khánh năm 2023 |
Theo Ban tổ chức, Lễ hội trái cây Long Khánh năm 2023 đã góp phần quảng bá, nâng tầm nông sản, thương hiệu trái cây địa phương. Đặc biệt, tại lễ hội còn có lễ xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng sang Trung Quốc (dự kiến năm 2023 sẽ xuất sang Trung Quốc 20 nghìn tấn sầu riêng). Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển thương mại quốc tế các mặt hàng trái cây của Long Khánh nói riêng và Đồng Nai nói chung. Lễ hội không chỉ là dịp quảng bá du lịch địa phương mà còn là cầu nối để các nhà vườn chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến du khách, các nhà phân phối, bán lẻ…
Trong khuôn khổ của lễ hội đã diễn ra nhiều nội dung như: Kết nối nhà vườn với các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, hệ thống siêu thị; hướng dẫn các vấn đề liên quan đến mã số vùng trồng cho các loại nông sản, trái cây; giới thiệu các mô hình, quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại; chia sẻ các thông tin về nhu cầu tiêu thụ nông sản ở địa phương…
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai còn tổ chức Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” diễn ra cuối tháng 8 vừa qua. Hội nghị đã đạt được mục đích kết nối giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất với tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận GAP với 3 nhóm chính gồm: Trồng trọt, chăn nuôi và cung cấp thực phẩm cho bếp ăn tập thể. Từ đó hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao thu nhập của người sản xuất, chứng minh được ngành nông nghiệp của Đồng Nai có khả năng tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt, gia tăng niềm tin của người tiêu dùng.
Lễ ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, tỉnh đã triển khai chương trình GAP hiệu quả, thể hiện rõ tính tiên phong của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong điều kiện tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay. Qua đó, giúp sản phẩm đạt chất lượng an toàn đi vào thị trường, phục vụ cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Ngoài ra, Đồng Nai còn tăng lượng nông sản tiêu thụ qua kênh liên kết, hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 200 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được xác lập, với sự tham gia của 103 doanh nghiệp, 65 hợp tác xã, 35 cơ sở giết mổ và 13.809 hộ sản xuất tham gia, gồm: 9 dự án cánh đồng lớn, 14 dự án liên kết được phê duyệt theo Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và 177 chuỗi liên kết do các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chủ động thực hiện.
Thêm vào đó, để thực hiện hóa Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/2/2021, tỉnh Đồng Nai đã cho ra mắt sàn thương mại điện tử ecdn.vn nhằm kết nối, hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã… quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đây là sàn sàn thương mại điện tử đầu tiên ở các địa phương trên cả nước ứng dụng, tích hợp thanh toán trực tuyến, kết hợp với dịch vụ logistics…
Sở Công thương Đồng Nai cho biết, cùng với vận hành, sở sẽ xem xét nâng cấp chức năng mua sắm hàng hóa trên thiết bị điện thoại di động (Android, iOS) đối với các giao dịch trên Sàn thương mại điện tử Đồng Nai cũng như xây dựng phương án vận hành, nguồn nhân lực phù hợp, hiệu quả, đúng quy định để phát triển ecdn.vn. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Sàn thương mại điện tử Đồng Nai; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là các chủ thể OCOP trên địa bàn đưa hàng hóa lên sàn; thường xuyên tổ chức các chương trình, lớp tập huấn nhằm xây dựng thương hiệu và cách thức quảng bá sản phẩm hiệu quả trên môi trường trực tuyến; nâng cao kỹ năng quản trị gian hàng trên Sàn thương mại điện tử Đồng Nai; nâng cao việc kinh doanh online hiệu quả trên các kênh thương mại điện tử phổ biến hiện nay như: Sendo.vn, Voso.vn, Alibaba.com, Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn và Postmart.vn…