Doanh nghiệp sản xuất miền Trung - Tây Nguyên khôi phục sau dịch Covid-19: Bài 1- Nhận diện thách thức
Ngổn ngang khó khăn, thách thức
Doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên đang nỗ lực khôi phục lại hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng nhiều yếu tố khách quan, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nổi bật nhất là chi phí vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.
Doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn để khôi phục lại sản xuất |
Ông Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Khả Tâm (Khu công nghiệp Hoà Khánh, TP. Đà Nẵng) cho biết: “Giá vật tư phục vụ sản xuất hệ thống đường ống dẫn lạnh điều hoà trung tâm các công trình đô thị tăng từng ngày. Điển hình như giá sắt thép đã tăng hơn 20% chỉ trong hơn 1 năm từ giữa 2020 đến đầu năm 2022. Trong thời gian này còn là cao điểm của dịch bệnh. Những yếu tố này tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp”, ông Bình nói.
Bên cạnh đó, theo ông Bình, chi phí vận tải cũng đang “leo thang” do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng mạnh cũng gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp. “Một chuyến hàng của chúng tôi đi đến tỉnh phía Nam trung bình là 7 triệu đồng năm 2021 thì hiện đã lên đến 9,5 triệu đồng”, ông Bình cho hay.
“Sau dịch Covid-19 vật giá tất cả đều lên theo hướng không tính trước được. Các đơn hàng trước đây, đơn vị cung cấp nguyên liệu có thể bảo đảm giá cho doanh nghiệp 1 năm. Còn bây giờ thời giá theo tháng, thậm chí theo ngày, làm doanh nghiệp rất khó ổn định thành phẩm của doanh nghiệp ra thị trường”, bà Triệu Thị Linh - Giám đốc Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao Hoàng Linh (phường Trường Chinh, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuỷ sản và thương mại Thuận Phước (Khu công nghiệp thuỷ sản Thọ Quang, Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), doanh nghiệp xuất khẩu đang “gánh” rất nhiều khó khăn từ việc chi phí logistics liên tục tăng trong 2 năm, cùng với đó giá nguyên liệu đầu vào (tôm) tăng mạnh do giá thức ăn chăn nuôi tăng “phi mã”; trong khi đó, đầu ra tỷ giá giữa đồng Euro với USD bị giảm.
Chi phí logistics là một gánh nặng đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu miền Trung - Tây Nguyên |
“Một container hàng đi châu Âu trước đây chỉ từ 1.900 - 2.000 USD, thì hiện nay đã lên đến 10.000 USD, tăng gấp 5 lần. Dù hiện tại giá không tăng thêm nhưng cũng không giảm”, đại diện một doanh nghiệp tại miền Trung nói và cho biết thêm hiện đang có một nghịch lý doanh thu tăng, đơn hàng nhiều nhưng doanh nghiệp không có lãi. Ngoài ra, hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa khôi phục lại được bình thường như trước dịch, nguồn nhân lực ở tình trạng “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”.
Cơ hội nào cho doanh nghiệp sau dịch Covid-19
Dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân từ tiêu dùng trực tiếp sang trực tuyến. Đây là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các kênh giao dịch điện tử.
Sự bùng nổ của dịch Covid-19 trở thành một chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở các lĩnh vực kinh tế diễn ra nhanh chóng và sâu sắc hơn. Thanh toán không tiền mặt ở các đơn vị kinh doanh thương mại “lên ngôi”, nhiều ứng dụng số giúp việc quản lý, vận hành của doanh nghiệp trở nên thông suốt, nhanh chóng. Chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu của doanh nghiệp để tồn tại và phát triển bền vững. Thích ứng chủ động với chuyển đổi số là cơ hội để doanh nghiệp “rút ngắn” quá trình khôi phục lại đà sản xuất, tăng trưởng như trước dịch Covid-19, đồng thời làm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. “Sự phát triển của các ứng dụng phần mềm quản lý sản xuất, kinh doanh là giải pháp để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý tập trung, giảm bớt chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”, đại diện Công ty Khả Tâm chia sẻ.
Chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ làm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên, rút ngắn quá trình phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19 |
Đối với doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực chính là cơ hội và lợi thế cạnh tranh lớn trong quá trình phục hồi và tăng trưởng sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu Hương Quế (phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) cho biết, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với việc các FTA đã có hiệu lực như CPTPP, EVFTA… là cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu.
“Do chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận của doanh nghiệp rất hạn hẹp, tuy nhiên, nhờ việc các FTA đã đi vào thực tế và có hiệu lực, mang lại thuận lợi rất lớn cho giao thương, thị trường rộng mở, môi trường thông thoáng hơn, đơn hàng nhiều nên doanh nghiệp vẫn hoạt động và tạo việc làm cho người lao động”, ông Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hiện cũng đang kỳ vọng giá container sẽ giảm khi nguồn cung container đang dần ổn định và phong phú hơn. “Mặc dù phí vận chuyển còn đang rất cao. Nhưng hiện việc vận chuyển, nguồn container đã thuận lợi hơn. Trước đây phải đợi vài tháng mới có container, hiện nay cần khi nào có khi đó”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tại tỉnh Gia Lai chia sẻ.