Doanh nghiệp gỗ tận dụng EVFTA tiến sâu vào thị trường EU
Gỗ và sản phẩm từ gỗ là một trong các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang EU, sau 3 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, về những kết quả đạt được và cả những thách thức trong bối cảnh mới, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có những trao đổi với Báo Công Thương.
Xin ông chia sẻ về kết quả tận dụng EVFTA của doanh nghiệp gỗ trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường EU?
Cùng với một số thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU là một trong 5 thị trường top đầu của sản phẩm gỗ Việt Nam. Tôi đặc biệt nhấn mạnh hiệu ứng lan toả của thị trường EU, bởi EU là thị trường của các khối quốc gia có rất nhiều yêu cầu khó tính, kĩ tính đối với sản phẩm gỗ, sản phẩm gỗ có liên quan tới bộ phận rất quan trọng của môi trường sống là rừng.
Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam |
Trong 3 năm qua, kể từ khi hai bên ký hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tận dụng được những ưu đãi từ hiệp định này mang đến để có thể duy trì, tăng trưởng sản phẩm gỗ sang thị trường EU. Cụ thể, năm 2022, mặc dù điều kiện rất khó khăn, chúng ta đã xuất khẩu sang EU gần 700 triệu USD sản phẩm gỗ. Điều quan trọng, sản phẩm gỗ chúng ta xuất sang thị trường EU hầu hết thuộc nhóm có giá trị gia tăng cao, đó là đồ mộc nội, ngoại thất. Mặc dù những năm gần đây, EU liên tục có những quy định, chế tài với sản phẩm gỗ nhưng các doanh nghiệp của chúng ta đã vượt qua và duy trì được thị trường này.
Hiện nay, đầu tư qua lại hai chiều, do có hiệp định EVFTA nên có rất nhiều doanh nghiệp châu Âu đã mang công nghệ, thiết bị sang để đầu tư ở Việt Nam và các doanh nghiệp của chúng ta cũng tận dụng tương tác qua lại giữa hai bên.
Bên cạnh đòi hỏi chất lượng sản phẩm, hiện một số quy định, chính sách của thị trường EU như về chống phá rừng, bảo vệ môi trường đang là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp gỗ. Vậy quá trình đáp ứng các đòi hỏi này ngành gỗ đã gặp khó khăn ra sao, sự hỗ trợ từ các bộ, ngành đã như kỳ vọng?
EU là tập hợp của các quốc gia có yêu cầu cao, khắt khe, khó tính với những sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này. Đối với sản phẩm gỗ, sản phẩm có nguyên liệu liên quan đến rừng nên được nội soi rất kỹ.
Ngoài ra, Việt Nam và EU ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) để tăng cường thực hành pháp luật trong lâm nghiệp, quản trị rừng, thương mại gỗ một các bền vững. Việt Nam bắt đầu triển khai hiệp định này từ năm 2018. Đối với xuất khẩu, chúng ta cũng đang tích cực chuẩn bị để có thể cấp phép về tăng cường thực hành pháp luật quản trị rừng và thương mại gỗ bền vững vào thị trường EU, dự kiến chúng ta có thể bắt đầu từ năm 2025.
Gần đây, EU đã thông qua quy định về không gây mất và suy thoái rừng với mong muốn các nước chế biến và thương mại sản phẩm gỗ một các có trách nhiệm, không thiệt hại đến rừng. Nếu chuẩn bị tốt và có thể sẵn sàng thực thi quy định này, tôi nghĩ ngoài thách thức phải vượt qua, chúng ta lại tận dụng được cơ hội. Nếu chúng ta kiên quyết thực hiện, chắc chắn sẽ làm được, các doanh nghiệp Việt Nam khi bị dồn đến tình thế không lùi được thì tỏ ra rất có năng lực thích ứng.
Khó khăn có rất nhiều, nguyên liệu gỗ của chúng ta đang được hơn 1 triệu hộ nông dân gây trồng ở rất nhiều vùng miền khác nhau. Ngoài ra, nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp gỗ là gỗ cao su chủ yếu do bà con nông dân phát triển theo hình thức tiểu điền, quy mô nhỏ. Chuỗi cung ứng của nguyên liệu, sản phẩm gỗ khá phức tạp nhưng với sự quan tâm của các chủ thể các nhau như: Cơ quan chính phủ, hiệp hội, doanh nghiệp, bà con nông dân thì chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được...
Hiện nay, chúng tôi đang tích cực trao đổi với các tổ chức của EU, đề nghị EU có trợ giúp về kỹ thuật để trang bị công cụ, nền tảng kỹ thuật số để hai bên có thể thực hiện thuận lợi. Bởi vì, quy định sau này của EU là quy định tiền kiểm, trước khi muốn đưa một lô gỗ vào thị trường này, chúng ta phải cung cấp rất nhiều thông tin.
Thứ nhất, thể hiện chúng ta đã thể hiện trách nhiệm giải trình nghiêm chỉnh. Thứ hai, phải cung cấp bằng được thông tin về tọa độ địa lý nơi khai thác nguyên liệu đưa vào chế biến, đảm bảo rằng kể từ 31/12/2020, nguyên liệu này hoàn toàn không có tác động xấu đến rừng và không làm suy thoái rừng.
Tôi muốn nhấn mạnh, trong thương mại quốc tế vừa có thách thức vừa có khó khăn vừa có cơ hội và tôi tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cố gắng để đáp ứng đòi hỏi mặc dù nó rất khắt khe, khó thực hiện nhưng sẽ đạt được để chúng ta có thể tăng cường kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này. Đây là thị trường sẽ có lan tỏa nếu chúng ta tuân thủ được quy định mới của EU, chắc chắn nhiều thị trường khác họ cũng nhìn theo và những yêu cầu về gỗ hợp pháp, không gây mất rừng, suy thoái rừng, tăng trưởng xanh, thương mại xanh, kinh tế xanh chắc chắn là yêu cầu không thể nào ngược mà các thị trường khác cũng sẽ tiếp bước theo thị trường EU để có thể thực hiện những yêu cầu đó.
Về phía Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông có thể cho biết một số định hướng phát triển hệ sinh thái, gia tăng chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU của ngành gỗ cũng như có kiến nghị gì về cơ chế, chính sách từ cơ quan quản lý để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi của EVFTA?
Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam không chỉ riêng với thị trường EU mà với tất cả thị trường khác với tư cách là một tổ chức đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp trong ngành gỗ, cũng đã và đang làm những việc chúng tôi cho là hiệp hội cần làm.
Thông qua những việc làm đó chúng tôi có thể đồng hành với doanh nghiệp hội viên và nâng cao chất lượng tăng trưởng của ngành công nghiệp gỗ cụ thể là tăng cường vận động chính sách, tư vấn chính sách. Khuôn khổ pháp lý, thể chế của chúng ta trong những năm gần đây đã được cải tiến nhiều nhưng vẫn còn những vấn đề có thể cải thiện tốt hơn. Đặc biệt là làm sao để các doanh nghiệp có thể tuân thủ pháp luật với chi phí thấp nhất.
Cùng với đó, chúng tôi tăng cường năng lực thực thi trách nhiệm giải trình, tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp hội viên.
Về phòng vệ thương mại chúng tôi thấy cần phải tập huấn, nâng cao năng lực từng doanh nghiệp. Hoạt động khác đó là tăng cường xúc tiến thương mại vì chúng ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa chú ý nhiều đến việc tiếp thị để đi xa hơn. Do đó, chúng ta cần tăng cường xúc tiến thương mại như mời đối tác đến Việt Nam cũng như tham dự hội chợ, triển làm nước ngoài, tăng cường xây dựng thương hiệu, thiết kế, tăng cường phần Việt Nam được hưởng trong các sản phẩm đó.
Tiếp theo là truyền thông đối ngoại để tăng cường nhận thức để các chủ thể trong chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ nhận thức được yêu cầu pháp luật, cam kết đã làm với các đối tác bên ngoài. Chúng tôi mong rằng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán của chúng ta ở nước ngoài cùng hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam có được thông điệp mạnh mẽ rằng Việt Nam là một quốc gia kiên quyết tuân thủ những quy định pháp luật dù có khó khăn đến mấy của các thị trường lớn.
Hoạt động nữa nhằm nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp gỗ là tăng cường liên kết với các chủ thể khác nhau trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là liên kết giữa doanh nghiệp đầu chuỗi với người nông dân...
Xin cảm ơn ông!