Thứ năm 05/12/2024 02:31

Doanh nghiệp gạo rục rịch “nối lại” hoạt động xuất khẩu

Từ cuối tháng 9 tới nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại các tỉnh phía Nam đã rục rịch hoạt động trở lại sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội.

Bước đầu nối lại đơn hàng xuất khẩu

Tại Long An, ngay sau khi chính quyền địa phương áp dụng giãn cách theo Chỉ thị số 15, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tỉnh này đã thực hiện đóng hàng xuất khẩu trở lại. Bà Đặng Thị Liên- Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An cho biết, mặc dù trước đó công ty duy trì sản xuất 3 tại chỗ song chỉ đáp ứng được các đơn hàng cung cấp nội địa vì không đủ công nhân vận hành đóng gói, sản xuất. Do đó, từ ngày 21/9 khi tỉnh Long An nới lỏng giãn cách công ty đã cho toàn bộ lao động tiêm đủ 2 mũi vắc xin làm việc trở lại.

“Mặc dù chúng tôi mới khởi động lại nên lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều song đây là tín hiệu tích cực sau thời gian dài ngưng trệ vì dịch bệnh”- bà Liên chia sẻ.

Các doanh nghiệp gạo đang tích cực nối lại đơn hàng sau thời gian tạm ngưng vì giãn cách xã hội

Trong khi đó tại TP. Cần Thơ, ông Phạm Thái Bình- Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho hay, mấy ngày gần đây Trung An đã tập hợp lao động về nhà máy để thực hiện xét nghiệm, bố trí công việc. Theo ông Bình, Trung An dự kiến từ sau ngày 10/10 sẽ bắt đầu nối lại các đơn hàng xuất khẩu cho đối tác. Trước mắt, Trung An sẽ ưu tiên xuất khẩu khoảng 22.000 tấn gạo cho thị trường Hàn Quốc với thời gian giao hàng từ 15/10 đến 15/11/2021.

Tương tự, ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice cũng cho biết, doanh nghiệp đã hoạt động 50% công suất được 1 tuần nhằm thực hiện những đơn hàng đã ký kết trước đó. Tuy nhiên, do các cảng đóng rút hàng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh còn chưa hoạt động bình thường, cộng thêm việc thiếu công nhân bốc xếp nên Vrice phải thuê xe chở container xuống các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đóng hàng. “Khi thực hiện đóng hàng như vậy sẽ đội chi phí gấp đôi nhưng doanh nghiệp buộc phải chấp nhận để đảm bảo tiến độ hợp đồng cho đối tác”- ông Có cho biết thêm.

Những điểm sáng tích cực

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo, theo thống kê từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lũy kế xuất khẩu gạo Việt Nam từ đầu năm đến ngày 15/9/2021 chỉ đạt 4,227 triệu tấn (giảm 12,05% so với cùng kỳ), trị giá 2,259 tỷ USD (giảm 4,49% so với cùng kỳ). Việc xuất khẩu gạo các tháng qua sụt giảm một phần do các địa phương ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, một phần còn do gạo Việt phải cạnh tranh gay gắt với các nhà xuất khẩu Thái Lan và Ấn Độ.

Nhiều ý kiến cho rằng, với sự sụt giảm như trên, có thể sản lượng xuất khẩu gạo dự kiến trên 6 triệu tấn trong năm nay sẽ khó đạt. Bởi lẽ, các tháng tới, doanh nghiệp xuất khẩu gạo ngoài đối mặt với khó khăn do Covid diễn biến phức tạp trong nước còn phải đối mặt với chi phí logistics tăng cao, tình hình giải phóng hàng ở một số nước nhập khẩu chậm làm ảnh hưởng đến kế hoạch nhập hàng của khách, một số nước dịch Covid-19 tăng mạnh nên họ tạm ngưng nhập hàng...

Tuy vậy, VFA cũng đánh giá ngành hàng xuất khẩu gạo đang có một số tín hiệu lạc quan hơn. Cụ thể, chỉ tính từ ngày 1/9 -15/9/2021 Việt Nam xuất khẩu 247.420 tấn gạo, trị giá 121,644 triệu USD so với cùng kỳ tăng 22,18% về số lượng và tăng 20,31% về trị giá. Không chỉ vậy, trong 1 tuần trở lại đây giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên khoảng 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2021. Bên cạnh đó, giá các loại gạo khác cũng giữ ổn định so với hồi tháng 6/2021 như: Jasmine 578-582 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 393-397 USD/tấn và gạo 100% tấm là 328-332 USD/tấn. Nguyên nhân giá gạo xuất khẩu tăng được các doanh nghiệp cho biết do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước khởi sắc hơn, trong khi nguồn cung tại Ấn Độ có nhiều yếu tố bất lợi do tình hình thời tiết đã ảnh hưởng đến vụ thu hoạch hiện nay.

Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu gạo nói riêng, Sở Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho biết sẽ thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động và những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp do dịch Covid-19 gây ra để kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các Sở sẽ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cung cấp thông tin về tình hình thị trường xuất khẩu và kịp thời thông báo tới các doanh nghiệp.
Mai Ca

Tin cùng chuyên mục

Lựa chọn dịch vụ logistics mới cho hàng xuất khẩu đi châu Âu

Logistics Việt Nam vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới

Thấy gì qua Báo cáo Logistics Việt Nam 2024?

Thấy gì từ việc Việt Nam lọt Top 30 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới?

Xuất khẩu cao su sang thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng khả quan

Bà Rịa - Vũng Tàu: Sẵn sàng cho Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024

Đâu là lý do khiến xuất khẩu thủy sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD?

Cá ngừ chế biến là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản

Australia và Brazil là 2 thị trường nhập khẩu quặng và khoáng sản lớn nhất của Việt Nam

‘Bắt bệnh’ sức cạnh tranh của cá tra Việt

Xuất khẩu gạo: Lo ngại gặp khó tại thị trường trọng điểm

Ngày 1-2/12, sẽ diễn ra Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024

Cơ hội và thách thức cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Hợp tác Halal giữa Việt Nam - Malaysia: Dấu mốc mới, tạo đột phá thương mại song phương

Ngành dịch vụ logistics thích hợp với ''dòng chảy'' hàng hóa xuất nhập khẩu

Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam

Khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024

Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD