Đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế khi quý I/2024 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 6,2 tỷ USD, tăng hơn 13%. Trong đó, các dự án đầu tư theo tiêu chí xanh như dùng năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ máy móc đang xuất hiện ngày càng nhiều.
Thực tế, việc Liên minh châu Âu (EU), một trong 4 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã thực hiện Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn, hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030. Từ tháng 10/2023, thị trường này cũng áp dụng Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) thông qua việc đánh thuế carbon tất cả hàng hóa nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải CO2 tại nước sở tại. Không chỉ EU, các thị trường Mỹ, Nhật Bản cũng ngày càng nâng chuẩn về môi trường trong sản xuất.
Từ yêu cầu của các nhà mua hàng toàn cầu, các nhà đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình phát triển, thu hút đầu tư theo hướng cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Điển hình như Công ty CP Tập đoàn Gia Định, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết giảm khí thải nhà kính, hướng tới giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đơn vị này đang đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh.
Cụm công nghiệp Tam Lập sẽ được đầu tư theo hướng xanh, tuần hoàn |
Chia sẻ tại Hội nghị "Kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp Tam Lập", ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định cho biết, đơn vị đang đầu tư vào 2 cụm công nghiệp trung hòa carbon gồm cụm công nghiệp Hồ Sơn 1 (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) và cụm công nghiệp Tam Lập (huyện Phú Giáo, Bình Dương).
Cũng theo ông Trung, trong nỗ lực từng bước giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, hướng tới môi trường xanh, sạch, tuần hoàn và chống biến đổi khí hậu trên thế giới, sự phát triển của cụm công nghiệp trung hòa carbon không chỉ giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu mà còn mở ra cơ hội hợp tác kinh tế với tất cả các nhà đầu tư, chính phủ Việt Nam.
“Dự án 2 cụm công nghiệp Hồ Sơn 1 và Tam Lập không chỉ là cụm công nghiệp tiêu biểu về xanh, sạch mà còn là bước đệm để tiếp cận, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi đang hướng tới triển khai các biện pháp, giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng đến việc áp dụng các quy trình sản xuất carbon thấp. Doanh nghiệp cam kết sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, với những chính sách ưu đãi cho các dự án vào các khu công nghiệp”, ông Nguyễn Chí Trung nhấn mạnh.
Đánh giá về tầm quan trọng của việc xây dựng cụm công nghiệp trung hòa carbon, ông Kim Jinyoung - Phó Chủ tịch Kocham cho biết, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hiện Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với nhiều hoạt động đầu tư, kết nối kinh doanh. Tuy nhiên, giống như các doanh nghiệp nước ngoài khác hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với những yêu cầu cấp thiết về vấn đề môi trường toàn cầu, giảm phát thải carbon bởi các cơ chế như CBAM của châu Âu, hay của Bắc Mỹ… Do đó, việc cụm công nghiệp Tam Lập được hình thành sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc tận dụng lợi thế, tham gia vào chuỗi cung ứng carbon.
Cũng tại hội nghị, Tập đoàn Gia Định đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Thỏa thuận của Hội đồng Khu liên hợp công nghiệp trung hoà carbon quốc tế Hàn Quốc - Việt Nam - Mông Cổ.
Công ty CP Tập đoàn Gia Định ký kết Biên bản ghi nhớ về thỏa thuận của Hội đồng Khu liên hợp công nghiệp trung hoà carbon quốc tế Hàn Quốc - Việt Nam - Mông Cổ. |
Theo đó, các bên sẽ hợp tác cùng nghiên cứu và phát triển công nghệ để phát triển tổ hợp công nghiệp trung hòa carbon. Điều này bao gồm năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và công nghệ giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, hợp tác về chính sách, quy định, ưu đãi, v.v. để thu hút và phát triển các tổ hợp công nghiệp trung hòa carbon; chia sẻ kiến thức, thông tin, kỹ năng và các nguồn lực khác cần thiết cho sự thành công của dự án.