Doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn gì trong hậu đại dịch?
Kinh tế đang hồi phục, phát triển
Trao đổi với Báo Công Thương Điện tử, bà Thái Hương với vai trò Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Việt Nam, Trưởng ban Nữ Doanh nhân VCCI, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, ủy viên Ban chấp hành VCCI cho biết bà rất đồng tình và chia sẻ với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.
Tại cuộc họp của Ban chấp hành VCCI và Hội Doanh nhân nữ gần đây đã nêu ra nhiều đánh giá, nhận định khách quan, sát thực tiễn tình hình doanh nghiệp hiện nay được bà Thái Hương và cộng đồng doanh nghiệp đồng tình. Qua đó, đã tập hợp một số phản ánh, kiến nghị về những khó khăn của doanh nghiệp trong thời kỳ hậu đại dịch:
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ |
Trước bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo giảm tăng trưởng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, ở trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng.
Trong đó có Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8-1-2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Kết quả cho thấy, nền kinh tế nước ta đã tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 14,03 tỷ USD.
Đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm là 76.233 - vượt mốc 70.000 doanh nghiệp và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn này. Điều này phản ánh bức tranh của nền kinh tế đang hồi phục và phát triển.
Các khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp
Song cũng còn nhiều khó khăn đặt ra đối với doanh nghiệp hiện nay:
Tình trạng giảm cầu, khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, đứt gãy chuỗi cung ứng nói chung. Đặc biệt, chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc đã gây thêm nhiều áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với thị trường có nguồn nguyên liệu đầu vào và có hoạt động giao thương biên giới sôi động như Việt Nam.
Doanh thu sụt giảm, thu hẹp quy mô sản xuất trong khi vẫn phải đảm bảo chi trả tiền lương, các chi phí như trả lãi vay ngân hàng, mặt bằng, điện nước, đóng các khoản bảo hiểm… khiến dòng tiền của doanh nghiệp thiếu hụt nghiêm trọng.
Thiếu hụt nguồn cung lao động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sử dụng lao động của hầu hết các địa phương trên cả nước đều giảm, có nơi tốc độ giảm lao động lên đến trên 50%. Nguồn cung lao động không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Đặc biệt thiếu lao động cục bộ một số ngành như logistics, công nghiệp, chế biến chế tạo, du lịch lữ hành, dệt may, da giày & túi xách, thuỷ sản…
Giá dầu leo thang, áp lực lạm phát tăng cao. Giá dầu thô thế giới liên tục leo thang trước xung đột Nga – Ukraine dẫn tới giá dầu trong nước lập đỉnh, gây sức ép rất lớn tới kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát, điều này ảnh hưởng tới quá trình phục hồi doanh nghiệp. Giá xăng dầu tăng dẫn đến giá các dịch vụ, phí, cước giao hàng… đều tăng.
Chưa đồng bộ trong chuyển đổi số các thủ tục hành chính. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy số hoá dịch vụ hành chính công nhưng vẫn có nhiều tồn tại như: một số thủ tục chưa chấp nhận nộp hồ sơ trực tuyến hay sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trong quá trình đăng ký và phê duyệt hay một số thủ tục nộp hồ sơ đăng ký và xin phê duyệt vẫn đòi hỏi phải nộp bản gốc bằng văn bản… Tình trạng số hoá chưa triệt để này gây cho doanh nghiệp không ít phiền hà.
Môi trường kinh doanh còn nhiều điểm hạn chế. Một số quy định về điều kiện gia nhập thị trường còn chưa thống nhất, chưa đảm bảo tính hợp lý, khả thi; thủ tục hành chính và gánh nặng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội… Bên cạnh đó, tính minh bạch của môi trường kinh doanh, gánh nặng từ các chi phí không chính thức cũng còn nhiều bất cập, gây cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Bà Thái Hương: “Mỗi chúng ta ai cũng có ước mơ và hoài bão. Nhưng chúng ta phải hun đúc, phải nuôi dưỡng để ước mơ, hoài bão đó thành khát vọng” |
Để khắc phục những khó khăn hiện nay, theo bà Thái Hương, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, điều quan trọng nhất là mỗi doanh nghiệp phải tự lực vươn lên. Trước khó khăn, doanh nghiệp phải sớm đánh giá được mình, tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan hạn chế sự phát triển, tự tái cấu trúc chính mình, hình thành một Hệ sinh thái phát triển bền vững. Ví dụ như ở Tập đoàn TH, hướng đi thực phẩm sạch và sự kiên trì theo đuổi những giá trị thực, vì sức khỏe và hạnh phúc con người chính là yếu tố gốc của phát triển bền vững. Doanh nghiệp cũng phải không ngừng đổi mới sáng tạo, tiếp thu khoa học công nghệ, cách quản trị mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tạo ra qui trình lao động với năng suất và hiệu quả cao.
Một điều rất quan trọng nữa đối với mỗi doanh nghiệp là người đứng đầu phải có khát vọng và khơi dậy khát vọng để phát triển, để tạo ra sức mạnh cho dân tộc.
"Mỗi chúng ta ai cũng có ước mơ và hoài bão. Nhưng chúng ta phải hun đúc, phải nuôi dưỡng để ước mơ, hoài bão đó thành khát vọng. Thế giới hiện đại có những thành tựu vô cùng to lớn về khoa học công nghệ, khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo… Để tận dụng những thành tựu này, chúng ta cần có một số quyết sách, những cơ chế chính sách phù hợp cho từng thời kỳ, cho từng ngành nghề để khích lệ, để biến khát vọng thành hiện thực, để tạo ra sức mạnh to lớn cho dân tộc, để dân tộc ta sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn, để đất nước chúng ta giàu có, văn minh”- bà Thái Hương khẳng định.