Doanh nghiệp da giày: Lo nhất là thiếu lao động
Nhiều tín hiệu lạc quan
Theo nhận định của nhiều DN hoạt động trong ngành da giày, năm 2021 dự báo thị trường XK của ngành này sẽ có những chuyển biến tích cực. Dự báo này xuất phát từ việc kinh tế dần hồi phục cũng như tác động tích cực từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Da giày là ngành có nhu cầu lao động lớn |
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày TP. Hồ Chí Minh - cho biết, thời gian tới, nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ngành da giày sẽ có thêm động lực để tăng trưởng trở lại. Các FTA này sẽ tạo ưu đãi về thuế cho các DN XK. Và hiện nay, các DN đang triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh để đáp ứng các đơn hàng đến cuối năm và chuẩn bị cho năm 2021.
Liên quan vấn đề đơn hàng, ông Trần Ngọc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Giày da An Thịnh - kỳ vọng, năm 2021 thị trường sẽ bứt phá nhờ việc khống chế dịch bệnh tốt hơn từ các nước. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia hội nhập sâu hơn vào các khối, nền kinh tế thông qua hàng loạt các FTA sẽ tạo nhiều lợi thế cho hoạt động XK. Hiện tại, An Thịnh đã có đơn hàng cho tới tháng 2/2021. Những tháng cuối năm, công ty cũng có đủ nguồn nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tiến độ các đơn hàng cho đối tác.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Anh cũng lưu ý, với RCEP, ngoài tác động tích cực tới hoạt động XK, thì các DN trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa sẽ gặp nhiều thách thức khi phải cạnh tranh mạnh mẽ với thị trường Trung Quốc, trong khi đó, các sản phẩm nguyên, phụ liệu cho sản xuất phần lớn nhập từ Trung Quốc.
Lo ngại thiếu lao động kéo dài
Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan, song các DN ngành da giày lại đang phải đối mặt với vấn đề khó tuyển dụng được lao động. Ông Nguyễn Lê Hùng - Trợ lý điều hành Công ty CP tập đoàn Gia Định - cho biết, sau giai đoạn sản xuất, kinh doanh bị đình trệ do Covid-19, hiện các DN đã có đơn hàng mới cho năm 2021. Song vấn đề khó khăn của DN là không có nguồn lao động kỹ thuật cao. Hiện nay, lao động của nhà máy chỉ còn khoảng 70%, do đó công suất nhà máy hiện cũng chỉ duy trì được khoảng 50 - 60%.
Đây cũng là vấn đề mà Công ty TNHH ChangShin Việt Nam (DN có khoảng 36.000 công nhân, lao động) đang gặp phải. Bà Đoàn Thị Kim Loan - Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở công ty - cho hay, nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 nên công ty được nhiều khách hàng tín nhiệm. Do đó, đơn hàng đến hết năm 2021 đã vượt gần như gấp đôi công suất. Hiện, DN đang xây dựng thêm nhà xưởng để đáp ứng các đơn hàng. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là lượng lao động cần tuyển đến hết năm là khoảng 5.000 công nhân, nhưng việc tuyển dụng được đủ công nhân cũng rất khó khăn…
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, da giày là một ngành thâm dụng lao động. Hiệp hội và các DN dự báo sẽ thiếu lao động từ trước song trong thời điểm dịch, nhiều đơn hàng bị đứt gãy buộc DN phải cho 30 - 70% lao động nghỉ việc. Vì vậy, hiện nay khi có đơn hàng trở lại, DN không tuyển dụng được lao động.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều DN trong ngành da giày đang tích cực tuyển dụng lao động, tuy nhiên điều này không dễ bởi hiện nay nhiều lao động đã chuyển sang lĩnh vực, ngành nghề khác hoặc về quê. Do đó, nhiều DN chấp nhận tình trạng “có bao nhiêu làm bấy nhiêu”, đồng thời tăng ca sản xuất. Về lâu dài, một số DN đang có xu hướng chuyển dịch từ thành phố về các tỉnh có nguồn lao động tại chỗ.
“Về phía Hiệp hội, chúng tôi đã làm việc với các trường, cố gắng đào tạo nguồn lao động trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu thực hiện đơn hàng của DN” - ông Khánh cho biết.
Theo số liệu thống kê, XK giày dép trong 11 tháng năm 2020 đạt 14,93 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, hết năm 2020, XK da giày sẽ đạt 16,5 tỷ USD. |