Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng sẽ được hỗ trợ lên tới 5 tỷ đồng trong trường hợp nào?
Chiều 15/8, tại thành phố Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố tổ chức Hội nghị phổ biến và hướng dẫn triển khai chính sách phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết: Nghị quyết 53 của thành phố có những điểm hỗ trợ nổi bật chỉ riêng có tại thành phố Đà Nẵng |
Thông tin tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thúy Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết: công nghiệp hỗ trợ được xác định là một trong 3 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển của thành phố Đà Nẵng nhằm góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào thành phố.
Để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TW ngày 30/10/2020 về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ngày 17/12/2021, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết 53/NQ-HĐND quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Nghị quyết 53). Trên cơ sở đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 – 2023 và Quy chế xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý chương trình.
“Hội nghị nhằm tuyên truyền rộng rãi chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ để các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn đăng ký các đề án tham gia chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng năm, nhằm thực thi tốt Nghị quyết 53 cũng như thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ thành phố phát triển”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng nói.
Theo Nghị quyết 53, những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc diện được thụ hưởng chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố gồm: sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao (các cụm linh kiện hàng không vũ trụ, thiết bị bay; linh kiện; cụm linh kiện khác để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao); sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử (như mô tơ điện thoải di dộng, máy vi tính; cuộn cảm; mạch in; linh kiện kim loại – hợp kim; …); sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (động cơ và các chi tiết của động cơ điện; các chi tiết, linh kiện lắp ráp động cơ điện; linh kiện, cụm linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô;…); sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí (linh kiện, cụm linh kiện để sản xuất, lắp ráp du thuyền, các loại tàu, thuyền bằng kim loại; linh kiện và phụ tùng máy ép nhựa, cao su; linh kiện, cụm linh kiện khác để sản xuất sản phẩm cơ khí chế tạo; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ khác (như keo dán trong ngành công nghiệp ô tô, may mặc, chế biến gỗ; bao bì kim loại cung cấp cho sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống; bao bì cung cấp cho ngành chế biến xuất khẩu thủy sản đông lạnh).
Thành phố Đà Nẵng triển khai chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố |
Những nội dung hỗ trợ chính cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ theo Nghị quyết 53 tập trung vào 8 nhóm gồm: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ về chi phí sử dụng hạ tầng và bảo vệ môi trường; xây dựng và vận hành trang thông tin, cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Đáng chú ý, trong Nghị quyết 53, thành phố Đà Nẵng dành một khoản lớn ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp thụ hưởng phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Nổi bật như hỗ trợ l00% chi phí tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với mức hỗ trợ tối đa lên tới 500 triệu đồng/doanh nghiệp. Hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ tại nước ngoài với mức hỗ trợ tối đa lên tới 150 triệu đồng/đơn vị tham gia. Hỗ trợ 100% chi phí đăng ký Chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do doanh nghiệp trong nước sản xuất tại thành phố Đà Nẵng với mức hỗ trợ tối đa lên tới 500 triệu đồng/sản phẩm….
Đặc biệt, đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tự đầu tư nghiên cứu phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thành phố Đà Nẵng có thể hỗ trợ lên tới 5 tỷ đồng/doanh nghiệp/năm.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước sản xuất tại thành phố Đà Nẵng có thể được thụ hưởng hỗ trợ để đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ lên tới 5 tỷ đồng/doanh nghiệp/năm |
"Với các chính sách tại Nghị quyết 53, Sở Công Thương mong muốn những doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ nộp hồ sơ và được thụ hưởng quyền lợi, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của thành phố phát triển", bà Nguyễn Thị Thúy Mai nói.