Diễn đàn Thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững
Sáng 22/11, tại Hà Nội, Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững. Đồng thời, công bố một sáng kiến mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm được dẫn dắt bởi khối kinh tế tư nhân.
Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững |
Sáng kiến này hướng đến mục tiêu thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội, được biết đến là tiêu chuẩn: Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Đây là bộ tiêu chuẩn thường được các nhà đầu tư sử dụng để đo lường cách thức mà một doanh nghiệp bảo vệ môi trường, quản lý mối quan hệ với cộng đồng, áp dụng quản trị doanh nghiệp minh bạch và có trách nhiệm.
Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Những năm gần đây, dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn không ngừng phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế khi chiếm 40% GDP và 85% lực lượng lao động của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, khu vực tư nhân trong nước hiện còn yếu và đang phải đối mặt những diễn biến của dịch Covid-19, diễn biến bất thường của tình hình kinh tế thế giới như: Lạm phát, giá xăng dầu tăng cao… đặt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đứng trước những thách thức rất lớn.
Cũng nói về những thách thức của khu vực kinh tế tư nhân, ông Michael Schiffer – Giám đốc Khu vực châu Á của USAID cho rằng: Mặc dù là nguồn tạo việc làm chính nhưng các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam lại đang gặp nhiều thách thức trong phát triển bền vững. Do đó, USAID đang mở rộng quan hệ đối tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này vượt qua các khó khăn và nắm bắt cơ hội để tăng cường năng lực cạnh tranh. Và Sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng bền vững được dẫn dắt bởi khu vực kinh tế tư nhân hướng đến mục tiêu thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội, được biết đến là tiêu chuẩn ESG được công bố ngày hôm nay là một trong những kết quả của mối quan hệ đối tác đó.
Sáng kiến “Thúc đẩy thực hành phương pháp Môi trường – Xã hội - Quản trị có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho khu vực tư nhân Việt Nam |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là một sáng kiến về ESG đầu tiên ở Việt Nam dành cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng (SGBs). Các doanh nghiệp này hiện chiếm đến 97% số lượng doanh nghiệp của khu vực kinh tếtư nhân và đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội và bền vững môi trường của Việt Nam.
Tuy nhiên, cách thức mà các doanh nghiệp này tương tác với xã hội và môi trường tự nhiên có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường và thành công của họ. Dưới góc độ ESG, thực hành kinh doanh bền vững không chỉ giới hạn ở các vấn đề môi trường mà còn liên quan đến yếu tố con người, nguồn lực và hệ thống. Các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng hơn, luôn quan tâm đến tác động của họ đối với cộng đồng và đi đầu trong việc xem xét ý kiến đóng góp của các bên liên quan, có xu hướng đạt được mức tăng trưởng nhất quán và có tính chống chịu cao hơn so với các doanh nghiệp khác.
Sáng kiến mới này tập trung vào việc cải thiện các khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy thực hành ESG trong khu vực tư nhân, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng về thực hành ESG, đồng thời mở rộng mạng lưới các doanh nghiệp quan tâm đến ESG, qua đó thúc đẩy và trao đổi các thực tiễn tốt nhất.
Mục tiêu đến năm 2025, sáng kiến này sẽ cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật ESG cho 300 SGB, trong đó 10 SGB sẽ nhận được hỗ trợ bổ sung để thí điểm, triển khai hoặc mở rộng các mô hình kinh doanh ESG sáng tạo. Nỗ lực này phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững.
Theo đại diện USAID, sáng kiến mới này được triển khai thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC). Với tổng số vốn lên tới 36,3 triệu USD do USAID tài trợ, IPSC hướng tới gỡ bỏ các hạn chế về chính sách, thị trường ở cấp độ doanh nghiệp cản trở sự phát triển của SGBs, bao gồm cả những doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ, và qua đó thúc đẩy khu vực tư nhân đổi mới và năng động, đủ sức cạnh tranh trên toàn cầu và gia tăng cơ hội phát triển kinh tế.
Thời gian thực hiện Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam kéo dài 5 năm, từ 2021-2025. Theo đó, một số kết quả chủ yếu của dự án dự kiến đạt được sau 5 năm triển khai, bao gồm: 5.000 doanh nghiệp đang tăng trưởng được hỗ trợ kỹ thuật từ dự án, trong đó các doanh nghiệp do nữ và nhóm yếu thế làm chủ chiếm ít nhất 10% tổng số doanh nghiệp được hỗ trợ; 240 doanh nghiệp đang tăng trưởng tham gia thành công vào thị trường khu vực và thế giới thông qua hỗ trợ kỹ thuật (toàn bộ hoặc một phần) của dự án; 60 doanh nghiệp tiên phong sẽ được hỗ trợ kỹ thuật theo gói hỗ trợ tổng thể để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm “Made in Viet Nam” thành công trên thị trường khu vực và thế giới.
Chính thức khởi động vào ngày 18/1/2022, đến nay, Dự án IPSC đã đạt được một số kết quả sau: Đã có 1.111 doanh nghiệp và tổ chức đăng ký các gói hỗ trợ của IPSC, trong đó các doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm 61,1% tổng số đăng ký; 734 doanh nghiệp đã nhận được các loại hình hỗ trợ kỹ thuật khác nhau của IPSC thông qua các chương trình đào tạo cơ bản và chuyên sâu từ các gói hỗ trợ và các chương trình đào tạo diện rộng phối hợp với các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, về các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng (SGBs): Tính tới ngày 17/11/2022, Dự án IPSC đã tổ chức 01 khóa đào tạo về “Quản trị nguồn nhân lực linh hoạt” cho 25 nhà quản lý, cán bộ giữ vị trí chủ chốt từ 13 doanh nghiệp, trong đó có 7 doanh nghiệp do nữ làm chủ, 9 khóa đào tạo về “Mở rộng thị trường thông qua Thương mại điện tử” cho 595 người tham dự đến từ 447 doanh nghiệp nhận hỗ trợ…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Sáng kiến “Thúc đẩy thực hành phương pháp Môi trường – Xã hội - Quản trị trong khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững” được công bố sẽ là cơ sở tìm kiếm những ý tưởng xuất sắc, tạo thành những mô hình, câu chuyện điển hình, giúp tạo tác động lan toả, khuyến khích nhiều doanh nghiệp tích cực thực hành theo phương pháp này, hướng tới một nền kinh tế bền vững hơn. |