Doanh nghiệp tư nhân: Tăng cả lượng và chất 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam: Chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đóng góp lớn |
Theo TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và Doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia), VPE500 hoạt động vượt trội so với doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung trên khía cạnh quy mô và kết quả kinh doanh bình quân cũng như tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể, trung bình giai đoạn 2016-2019, quy mô lao động và tổng tài sản bình quân của một doanh nghiệp VPE500 cao gấp 83 lần và hơn 132 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung, doanh thu thuần gấp khoảng 123 lần.
Cần thêm chính sách phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển |
Về đóng góp của doanh nghiệp thuộc nhóm VPE500, báo cáo cho rằng, nhờ quy mô và kết quả hoạt động vượt trội, VPE500 chiếm tỷ lệ nhỏ về số lượng nhưng đóng góp lớn vào hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Bình quân giai đoạn 2016-2019, VPE500 chỉ chiếm 0,089% tổng số doanh nghiệp nhưng tạo việc làm cho 10,4% tổng số lao động, chiếm 13,0% tổng tài sản tạo ra và 15,8% doanh thu thuần.
Đánh giá về kết quả này, ông Florian Constantin Feyerabend - Trưởng đại diện Viện Konrad Andenauer Stiftung Việt Nam - cho rằng: Đa số các doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, doanh nghiệp nằm trong Top 500 của khu vực tư nhân vẫn đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường, có ảnh hưởng đến nền kinh tế, giúp định hình kinh doanh và đóng góp quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặc dù đóng vai trò dẫn dắt thị trường và giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, nhưng báo cáo cũng chỉ rõ, năng suất lao động của VPE500 không tăng nhanh như quy mô. Điều đó cho thấy, nhóm doanh nghiệp này đang phát triển dựa vào mở rộng sản xuất hơn là dựa trên chiều sâu. Cụ thể, năng suất lao động của VPE500 chỉ tăng khoảng 5,3%/năm, không quá vượt trội so với mức 4,6% của toàn khu vực tư nhân trong nước và thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước.
Mặc dù khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, nhưng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhóm VPE500 của Việt Nam chưa trở thành lực lượng như kỳ vọng, chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đạt tầm cỡ thế giới. Một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã xuất hiện nhưng số lượng chưa nhiều, các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, thời gian qua, Việt Nam cũng đã xuất hiện một số doanh nghiệp lớn, nhưng không mạnh, chính vì vậy nền kinh tế trong nước đang dựa nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài.
"Đây thực sự là con số đáng suy nghĩ, với nền kinh tế gần 100 triệu dân, liệu nền kinh tế đó có thể tự chủ được không nếu không có doanh nghiệp Việt Nam đủ lớn trong tương lai?" - bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.
Trên cơ sở những phân tích trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần xây dựng chính sách cụ thể hơn nữa để hình thành lực lượng các doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn mạnh, phát triển ổn định, có khả năng chịu được các cú sốc từ bên ngoài. Có như vậy, VPE500 mới có cơ hội vươn xa và đóng góp nhiều hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.