Thứ năm 08/05/2025 21:17

Diễn đàn liên kết 5 nhà: Hướng đến nền nông nghiệp xanh và hiện đại

Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững rất cần có sự đồng hành của 5 nhà: Nhà nước, nhà băng, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông.

Sáng 8/5, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức diễn đàn doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2025 với chủ đề: “Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và hành động của 5 nhà: Nhà nước, nhà băng, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông”.

Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành (ngày 4/5/2025), mở ra nhiều kỳ vọng thúc đẩy nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, xanh và bền vững.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: K.A

Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nông nghiệp là tất yếu

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - nhấn mạnh: Diễn đàn hướng đến chủ đề “Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và hành động của 5 nhà: Nhà nước, nhà băng, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông”. Đây là dịp để các bên đối thoại, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất những chính sách thiết thực, góp phần hoàn thiện cơ chế nhằm thích ứng hiệu quả với bối cảnh mới.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Ảnh: K.A

TS Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho biết, ngành nông nghiệp ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu nhưng nông nghiệp là ngành phát sinh các khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau ngành năng lượng.

Số liệu thống kê cho thấy, sản lượng nông nghiệp toàn cầu sẽ giảm 50% nếu không sử dụng phân bón, trong khi đó, khoảng 2,5% - 10% (tùy theo quốc gia) tổng lượng phát thải khí nhà kinh liên quan đến phân bón. Vì vậy, một số công ty phân bón đã bước đầu thực hiện các phương pháp sản xuất phân bón “xanh hơn”, bao gồm cung cấp năng lượng cho quy trình Haber-Bosch bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu khác tập trung vào việc tìm kiếm các phương pháp tổng hợp amoniac thay thế. Nhiều công ty sản xuất phân đạm ure tại Việt Nam đã triển khai thu hồi CO2 từ khí thải trong quá trính sản xuất để giảm phát thải như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) mỗi năm thu hồi được 40 nghìn tấn CO2.

TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: K.A

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực giảm phát thải trong sản xuất, việc sử dụng phân bón cũng đóng vai trò quan trọng trong giảm phát thải khí nhà kính như triệt để áp dụng “sáng kiến 4 đúng”( đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng lúc và đúng cách) cũng như tăng cường sử dụng các loại phân bón hiệu quả cao (EEF) như phân đạm giải phóng chậm, có kiểm soát, phân nitơ ổn định hoặc phân dúi sâu (UDP) để tránh thất thoát nitơ, giảm phát sinh khí N2O.

“Ngoài ra, song hành với việc sử dụng phân bón hợp lý, việc nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm phân bón thế hệ mới, vừa đáp ứng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp xanh, vừa giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản, cũng như giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải chính là một hướng tiếp cận cần được tăng cường phát triển”- TS Phùng Hà nhấn mạnh.

Đề xuất các giải pháp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong phát triển nông, lâm, nghiệp bền vững, TS Mai Quang Vinh - Viện trưởng Viện Công nghệ Xanh, Giám đốc Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) - nhấn mạnh cần có sự đồng bộ của khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và thể chế, chế tài quản lý, hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức kinh tế.

Bên cạnh đó, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cần thúc đẩy nâng cao nhận thức và thực hành của các hợp tác xã nông nghiệp về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế nông lâm nghiệp phát thải thấp. Cùng đó, các bộ, ngành chức năng cần có giải pháp và chế tài thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ, kỹ thuật thực hành các tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế cân bằng Net Zero - giảm phát thải, xác nhận tín chỉ carbon, tem nhãn sinh thái Việt Nam đáp ứng cam kết Net - Zero của Chính phủ tại COP26 và yêu cầu của hội nhập quốc tế từ năm 2028.

Đặc biệt, việc tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường, chuyển đổi xanh gắn với phát thải thấp và tiêu chuẩn ESG cho hợp tác xã nông nghiệp là rất quan trọng.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận công nghệ và phát triển thị trường; Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khả năng tiếp cận thị trường và năng lực cạnh tranh cho các hợp tác xã nông nghiệp cũng là giải pháp cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp”, TS Mai Quang Vinh đề xuất.

Ngân hàng - “bệ đỡ”cho nông nghiệp bền vững

Tại diễn đàn cũng đề cập đến lĩnh vực ngân hàng đã đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tín dụng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, tạo nền tảng hỗ trợ chuyển đổi xanh, bền vững cho “nhà nông” Việt trong bối cảnh thích ứng mới.

Trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tín dụng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Theo PGS.TS. Luật sư Trần Văn Dũng, chủ sở hữu Hãng luật Vũ MacKenzie Việt Nam (VMK), việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi cho nhà nông cần đi sâu vào đặc thù từng vùng miền. Các gói vay nên được xây dựng dựa trên phương án sản xuất và hợp đồng bao tiêu thay vì đòi hỏi tài sản thế chấp, qua đó giảm thiểu rủi ro và mở rộng cơ hội tiếp cận vốn.

Ngoài ra, ông Dũng cũng đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ nông nghiệp bền vững để tài trợ cho các dự án nông nghiệp xanh, phát triển giống cây, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu và công nghệ canh tác hiện đại. Bên cạnh đó, tín dụng vi mô thông qua hợp tác giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng địa phương và các nền tảng fintech sẽ là giải pháp hiệu quả cho các hợp tác xã và nông hộ nhỏ.

Ở góc độ thực tiễn, ông Đào Duy Nam, Phó Giám đốc Khu vực miền Bắc, Ngân hàng Nam Á chia sẻ 3 định hướng lớn mà ngân hàng theo đuổi: Thứ nhất, phát triển tài chính toàn diện và tín dụng xanh.

Thứ hai, chuyển đổi số cho nông dân qua hệ sinh thái ngân hàng mở.

Thứ ba, kiến tạo chuỗi liên kết giá trị giữa nông dân - doanh nghiệp - ngân hàng - thị trường.

Đồng thời, các sản phẩm tín dụng xanh, đầu tư vào các vùng nguyên liệu sạch, tài trợ chuyển đổi năng lượng trong nông nghiệp như điện mặt trời, tưới tiêu tiết kiệm nước, giảm lượng phát thải carbon… đều đã, đang và sẽ được ngân hàng ưu tiên thực hiện.

Diễn đàn “Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và hành động của 5 nhà: Nhà nước, nhà băng, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông” là minh chứng cho vai trò liên kết giữa các chủ thể trong hệ sinh thái nông nghiệp, khẳng định rằng chỉ khi cả “5 nhà” cùng hành động, nền nông nghiệp Việt Nam mới có thể vững bước trước những thách thức toàn cầu và hướng đến một tương lai xanh, hiện đại và phát triển toàn diện.
Duy Anh
Bài viết cùng chủ đề: sản xuất công nghiệp

Tin cùng chuyên mục

Vụ lòng se điếu: Quán Lòng Chát nói gì về nguồn gốc sản phẩm?

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm: 28 năm chắp cánh ước mơ

Thúc đẩy các mô hình, giải pháp phát triển hạ tầng internet

Đại học Văn Lang bị ‘tấn công’: Không thể bao biện là “bảo vệ lẽ phải”

Học 2 buổi, ăn miễn phí: Chủ trương chạm đến triệu trái tim

Hệ thống bán lẻ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới

Chuyện về những người gác rừng, giữ biển ở Côn Đảo

Bước khởi đầu hồi sinh dòng sông Tô Lịch giữa Thủ đô

Gửi yêu thương từ đất liền đến Trường Sa, nhà giàn DK-1

Cục trưởng An toàn thực phẩm nói gì về nguyên nhân lộn xộn thực phẩm giả?

Điểm mới trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi

Rà soát số lượng cán bộ dự kiến tinh giản trước 30/6

Mức lương tối thiểu vùng sẽ được áp dụng như thế nào?

Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhận tài trợ HVAC

Cảnh báo tai nạn nghiêm trọng từ việc trèo lên cột điện cao thế bắt tổ chim

Danh sách thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025

Thời tiết hôm nay 8/5: Tây Bắc Bộ nắng nóng gay gắt

Thời tiết biển hôm nay 8/5/2025: Vịnh Bắc Bộ chuyển gió

TP. Hồ Chí Minh ngập sắc cờ hoa trong Đại lễ Vesak

Bộ Y tế nói về lỗ hổng chế tài khiến thuốc giả 'nhởn nhơ'