Diễn đàn kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc: Hướng tới phát triển xanh
Diễn đàn kinh tế này do Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) cùng tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Hàn Quốc (15/8/1945 - 15/8/2022), đồng thời đánh dấu sự kiện quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc: kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nâng cấp quan hệ hai quốc gia lên "Đối tác chiến lược toàn diện".
Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt Nam và Hàn Quốc với các phiên thảo luận hướng tới các mục tiêu như làm rõ những thành tựu của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển của Hàn Quốc và những bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể vận dụng trong bối cảnh phát triển hiện nay.
Bên cạnh đó, một chủ đề khác cũng được thảo luận là thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế và thương mại gắn với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; kết nối các đối tác thương mại, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam và Hàn Quốc, đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp tháo gỡ các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế.
Các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc tại diễn đàn cũng trình bày và thảo luận những vấn đề về hợp tác phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong bối cảnh hiện nay.
Việt Nam đang cùng một lúc phải thực hiện hành trình kép vừa tiếp tục quá trình công nghiệp hóa đất nước hình thành những ngành công nghiệp cơ bản của một nền kinh tế để bảo đảm tính tự chủ, tự cường, lại vừa đi tắt, đón đầu hướng tới một cơ cấu kinh tế tri thức sáng tạo hơn, bắt kịp những xu thế hàng đầu của nhân loại như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đề cao trách nhiệm xã hội.
Trong bối cảnh đó, những kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc tại Diễn đàn được nhiều chuyên gia đánh giá là những câu chuyện, kinh nghiệm hết sức thiết thực song cũng rất thời sự với không gian phát triển của Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc sau 30 năm đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Hai quốc gia đang là những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau, không chỉ về kinh tế - chính trị, mà còn cả trong lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Về kinh tế, Hàn Quốc đang đi đầu về đầu tư trực tiếp, thứ hai về hợp tác phát triển, lao động và du lịch, thứ ba về hợp tác thương mại. Hai bên sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.
Bên lề Diễn đàn, Trường Đại học Kinh tế cũng đã giới thiệu ấn phẩm tiếng Anh cuốn sách “Sự chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam và Hàn Quốc trong thế kỷ XXI hướng tới nền kinh tế xanh và sáng tạo” do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành. Cuốn sách được biên soạn bởi 4 đồng chủ biên gồm PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Kinh tế, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc; PGS.TS. Nguyễn An Thịnh - Trưởng khoa Kinh tế phát triển, Trường đại học Kinh tế và GS.TS. Lee Keunjae - Trưởng khoa Kinh tế, Trường đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc và các nhà nghiên cứu khoa học, giảng viên hàng đầu của Việt Nam và Hàn Quốc.
Ra mắt bản tiếng Anh cuốn sách “Sự chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam và Hàn Quốc trong thế kỷ XXI hướng tới nền kinh tế xanh và sáng tạo” |
Điểm nổi bật của cuốn sách là cung cấp cho người đọc thông tin tổng hợp về thực trạng, bài học kinh nghiệm và những hàm ý chính sách của Việt Nam và Hàn Quốc trong tất cả các lĩnh vực hợp tác phát triển, đặc biệt là những cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam và Hàn Quốc đi vào chiều sâu, hiệu quả trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA).
Dự kiến năm 2023, Trường đại học Kinh tế sẽ tiếp tục tổ chức các Diễn đàn kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu, với các quốc gia khác để tiếp tục mở rộng “sân chơi” cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cùng nhau đóng góp trí tuệ, đưa ra các khuyến nghị chính sách giá trị cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói riêng và các quốc gia, khu vực nói chung.