Truyền thuyết về đôi tòa tháp
Theo truyền thuyết, Việt - Lào vốn là hai dân tộc anh em, để minh chứng cho tình đoàn kết gắn bó ấy, hai dân tộc đã cùng nhau quyên góp xây dựng công trình tín ngưỡng chung cho đồng bào sinh sống tại đây.
Những người cao tuổi tại đây kể lại, tương truyền vào năm 1569, triều đình Miến Điện đem quân tấn công nước Lào, một số người dân vùng Thượng Lào đã lánh nạn sang các tỉnh biên giới của Việt Nam, trong đó có Điện Biên. Năm 1594 chiến tranh Miến - Lào kết thúc, nhưng một bộ phận người Lào đã định cư lại Điện Biên, trở thành những công dân người Việt gốc Lào.
![]() |
Tháp Mường Luân soi mình bên thượng nguồn sông Mã |
Thời gian này (1569-1594), bà con người Lào và cư dân bản địa cùng dồn công góp của xây tháp Mường Luân (bản Mường Luân I, xã Mường Luân) - nơi 100% đồng bào Lào sinh sống và tháp Chiềng Sơ (bản Nà Muông, xã Chiềng Sơ) - nơi 100% đồng bào Thái sinh sống. Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo thể hiện mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước Việt - Lào.
Hai dân tộc bên dòng sông Mã
Từ thượng nguồn xuôi dòng sông Mã, qua Mường Luân tới Chiềng Sơ, gặp tháp đực (theo cách gọi của người dân địa phương) - tháp Mường Luân (bản người Lào) rồi đến tháp Chiềng Sơ (bản người Thái) - tháp cái.
Chị Lò Thị Thành, bản Mường Luân I, xã Mường Luân cho biết, tháp Mường Luân được dân nhân trong vùng coi là “vị thần hộ mệnh” bảo vệ cuộc sống cho dân bản, phù trợ con người có sức khỏe và mùa màng bội thu... Mỗi năm, trước tết âm lịch của người Kinh khoảng 5 ngày, thầy cúng sẽ chọn ngày tốt (theo lịch Thái – Lào cổ) để làm lễ cúng thần linh. Chuẩn bị cho lễ cúng thần linh, người dân góp tiền mua 1 con trâu đực to (do thầy cúng chọn) rồi mang ra khu tháp mổ và đợi trời tối thì làm lễ. Riêng xương mặt trâu và đôi sừng thì để lại, treo trên ngọn cây ở khu vực gần tháp, không ai được phép mang về. “Việc cúng tháp được thực hiện trong 3 ngày. Thời gian diễn ra việc cúng tháp, người dân trong bản không được sát sinh, nếu ai không tuân thủ thì sẽ bị dân bản phạt trâu để làm lễ xá tội trước thần linh”, chị Thành cho biết thêm.
![]() |
Học sinh Trường THPT Mường Luân chăm sóc khuân viên tháp Mường Luân |
Cũng như tháp Mường Luân, tháp Chiềng Sơ là công trình kiến trúc nghệ thuật thể hiện rõ sự tài ba và sự sáng tạo nghệ thuật của nhân dân hai nước Việt - Lào. Tháp được xây dựng kiến trúc theo hình nậm rượu (dưới to và phần trên nhỏ dần). Phần giao nhau giữa đế tháp và chân tháp được coi là phần có trang trí kiến trúc đẹp nhất với sự thắt eo theo hình lục giác, xung quanh là các đường tiếp tuyến chạy liên hoàn xen lẫn những cánh hoa sen.
![]() |
Tháp Chiềng Sơ - di tích lịch sử quốc gia |
Anh Lường Văn Phớ, cán bộ văn phòng xã Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) cho biết, tháp Chiềng Sơ ở cuối bản Nà Muông, được dựng bên cạnh một ngôi chùa (hiện nay ngôi chùa đã trở thành phế tích). Trải qua thời gian dài chịu đựng nắng, gió, mưa của núi rừng Tây Bắc và sự tác động của con người, đến nay trên mặt Tháp có những lớp rêu bám vào đã ngả màu xám trắng, làm cho tháp thêm cổ kính hùng vĩ đứng giữa núi rừng Tây Bắc. Do thời gian bào mòn, phá hủy nên tầng chóp của tháp hiện nay đã bị gãy, khuân viên tháp chỉ còn lại bức tượng vũ nữ, một bức tượng chó, voi gắn ở chân tháp, còn tất cả các tượng phật đã bị mất. “Hàng năm, bà con địa phương thường tổ chức cúng tháp vào một trong những ngày tốt theo lịch của người Thái” - anh Phớ cho biết thêm.
Hai tháp Mường Luân - Chiềng Sơ có cùng niên đại (thế kỷ XV-XVI), đều được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Với những họa tiết hoa văn cách điệu như hình cánh sen, lưỡi mác, mặt trời, chim muông… cho thấy đây là một di sản văn hóa cổ được gửi gắm những tư duy sáng tạo, dụng ý nghệ thuật và suy tưởng về cuộc sống của những người trực tiếp xây dựng nên đôi tòa tháp nói riêng và nhân dân hai dân tộc Việt - Lào nơi thượng nguồn sông Mã nói chung. |