Bộ Tài chính cho biết, triển khai Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg về chế độ tài chính của NHNN.
Sau 8 năm thi hành Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay một số nội dung quy định về quản lý tài chính đối với NHNN đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, ví dụ như chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng vốn pháp định, nguyên tắc ghi nhận doanh thu – chi phí, thẩm quyền quyết định và trình tự thủ tục sử dụng các Quỹ; cơ chế khoán kinh phí hoạt động đối với NHNN chưa tạo ra được sự khuyến khích đối với NHNN; việc đóng góp vào các tổ chức quốc tế cần được rà soát lại để đảm bảo phù hợp với tính chất của khoản chi...
Do vậy, căn cứ các quy định pháp luật và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về chế độ tài chính của NHNN để đảm bảo tính pháp lý cao hơn của văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho NHNN trên cơ sở khắc phục các tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động thời gian qua, đảm bảo phù hợp, đồng bộ với quy định pháp luật hiện hành.
Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý và sử dụng vốn, tài sản
Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về vốn pháp định của NHNN. Theo quy định tại Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg: Mức vốn pháp định của NHNN là 10.000 tỷ đồng, được hình thành từ các nguồn vốn NSNN đã cấp, vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định, khoản trích từ chi phí bằng 12% trên giá trị tài sản cố định bình quân hàng năm.
Hiện nay, NHNN đã đạt gần đủ mức vốn pháp định, dự kiến trong năm 2021 sẽ đủ mức vốn pháp định 10.000 tỷ đồng, do đó không cần thiết duy trì cơ chế trích bổ sung vốn pháp định từ chi phí bằng 12% trên giá trị tài sản cố định bình quân hàng năm. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về nguồn bổ sung vốn pháp định từ chi phí bằng 12% trên giá trị tài sản cố định bình quân hàng năm.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính bổ sung một Điều quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đặc thù của NHNN với các nội dung cơ bản: (i) NHNN trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc góp vốn thành lập doanh nghiệp đặc thù theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật NHNN; (ii) Việc quản lý phần vốn góp vào các doanh nghiệp đặc thù áp dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trừ quy định về phạm vi góp vốn và việc hạch toán cổ tức, lợi nhuận thu được vào thu nhập của NHNN. Dự thảo Nghị định giao Thống đốc NHNN ban hành quy chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đặc thù.
Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định về các khoản đóng góp cho tổ chức quốc tế. Tại Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg quy định NHNN được sử dụng chênh lệch thu, chi hàng năm sau khi trừ phần kinh phí khoán trên chênh lệch thu, chi để đóng góp vào các tổ chức quốc tế mà NHNN là đại diện cho Chính phủ Việt Nam (nếu trong năm tài chính có phát sinh).
Thực tế hiện nay có 2 loại đóng góp vào tổ chức quốc tế là (i) đóng niên liễm (phí hoạt động thường niên) và (ii) góp vốn vào tổ chức quốc tế. Đối với đóng niên liễm đối với một số tổ chức quốc tế, các Bộ, ngành khác (Bộ Ngoại giao đóng niên liễm vào ASEAN, Thanh tra Chính phủ đóng niên liễm vào Hiệp hội Thanh tra Chính phủ) được ngân sách nhà nước (NSNN) bố trí dự toán để thực hiện; NHNN đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia tại các tổ chức quốc tế thì nên được bố trí dự toán NSNN để thực hiện tương tự như các Bộ ngành; còn chênh lệch thu chi của NHNN sau khi trích lập các quỹ thì nộp vào NSNN.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định NHNN sử dụng chênh lệch thu chi để đóng góp vào các tổ chức quốc tế và sửa đổi theo hướng NSNN bố trí dự toán để NHNN thực hiện đóng góp; cổ tức, lợi nhuận thu được từ việc đóng góp này được nộp về NSNN.