Đề xuất cấp voucher mua sắm cho người dân để kích cầu tiêu dùng
Phát biểu tại cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ và các đại diện doanh nghiệp sáng 4/10, bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) đánh giá cao sự lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng các cấp chính quyền, với các chính sách kịp thời và hiệu quả đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng mặc dù trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động bất thường.
"Buổi gặp gỡ ngày hôm nay giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng to lớn, khi vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng được khẳng định trong việc cùng chung tay xây dựng nền kinh tế", đại diện Tập đoàn TTC nhấn mạnh.
Bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC - Ảnh: VGP/ Nhật Bắc |
Để góp sức hướng đến các mục tiêu lớn hơn cho các giai đoạn phát triển tiếp theo, đại diện cho Tập đoàn TTC, bà Huỳnh Bích Ngọc kiến nghị một số vấn đề cụ thể với Chính phủ:
Thứ nhất, từ đầu năm 2024, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời và đúng đắn khi giảm thuế giá trị gia tăng, yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh lãi suất cho vay, góp phần tạo điều kiện hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế và tạo thặng dư, đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước, cần có những chính sách kích cầu tiêu dùng.
Theo đại diện doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng này, một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines có chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng, mua sắm. Hoặc, Singapore cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự.
"Với Việt Nam, nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định. Những voucher này sẽ giúp cân đối giữa những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế người dân", bà Ngọc đề xuất và cho rằng, như vậy, hàng hóa, dịch vụ được lưu thông, nhà nước thu được ngân sách, hệ sinh thái logistics và các dịch vụ đi kèm được phát triển… sẽ thêm vào các chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, vì bản thân phiếu voucher chính là cách giảm thuế thu nhập cá nhân.
Ảnh minh họa |
Thứ hai, Luật Các tổ chức tín dụng có những điều khoản cần xem lại như việc xác định chủ thể quản lý tài sản đảm bảo là bất động sản trong phát hành trái phiếu, do ngân hàng thương mại không còn được phép thực hiện vai trò này, trong khi Luật Đất đai cho phép tổ chức kinh tế nhận thế chấp, nhưng lại chưa có hướng dẫn thi hành, dẫn tới việc huy động trái phiếu có tài sản đảm bảo là bất động sản gặp khó trong việc xác định chủ thể nhận thế chấp.
Đại diện Tập đoàn TTC kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện phát triển thị trường vốn, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả.
Thứ ba, thị trường vốn nên được xây dựng thành một kênh huy động vốn quan trọng hơn, đặc biệt cần khuyến khích sự đa dạng của các sản phẩm chứng khoán như viễn thông, công nghệ, năng lượng tái tạo và bán lẻ...
TTC kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế với các chính sách khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân niêm yết các loại hình hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài dài hạn. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu kinh tế xanh, tài chính xanh, cần có chính sách khuyến khích việc phát triển chỉ số ETF chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp đạt được những tiêu chuẩn ESG quốc tế, vừa để nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn cơ hội đầu tư - gia tăng hấp thụ nguồn vốn ngoại cho thị trường vốn Việt Nam, vừa khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo chuẩn ESG quốc tế hướng đến bền vững.
Thứ tư, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là rất cần thiết và đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bởi Việt Nam có tiềm năng lớn về dân số và sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính trong nước, lợi thế về múi giờ đối với 21 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới hiện hữu.
Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế sẽ hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển đa dạng, đóng góp tỷ trọng lớn về nguồn vốn bền vững bên cạnh thị trường tiền tệ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao vị thế Việt Nam. Đây là những lợi thế hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực, thu hút các nhà đầu tư lớn và đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường vốn.
Đại diện TTC cũng đề nghị Chính phủ xem xét các chính sách đột phá tạo môi trường cởi mở cho các nhà đầu tư, kiến nghị xác định khu vực có đủ tiềm năng, thế mạnh, sự độc bản như môi trường trong xanh - phát triển được kinh tế xanh; cơ sở hạ tầng tốt - phát triển được kinh tế số; quỹ đất còn nhiều dư địa - quy hoạch bài bản và hiện đại... để thu hút nhiều nhà đầu tư vốn lớn đến và đầu tư. Dựa trên cơ sở đó, đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế mang đậm bản sắc Việt Nam, kêu gọi sự đồng lòng góp sức từ các doanh nghiệp tư nhân để hợp lực hoàn thiện hệ sinh thái tài chính.
Thị trường trong nước được coi là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế. Do vậy, việc kích cầu tiêu dùng nội địa là chìa khóa quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Thực tế, hậu Covid-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách kích cầu kinh tế như hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế phí, đặc biệt là hạ 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các ngành hàng dịch vụ, tiêu dùng chịu thuế suất 10% tới hết năm 2024. Khác với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm quan trọng là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nên khi giảm, cả hai nhóm này sẽ cùng được hưởng lợi. Tại chỉ thị mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc tới các giải pháp để tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Ông yêu cầu các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. Bộ Công Thương có giải pháp khuyến khích các sàn thương mại điện tử có chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng sản xuất trong nước. |