Thứ hai 23/12/2024 08:50

Đẩy mạnh thương mại trực tuyến, tăng liên kết, doanh nghiệp Gia Lai thích ứng tốt với dịch Covid – 19

Nhiều doanh nghiệp nhỏ tại tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng chủ động thích ứng với dịch Covid – 19 , tìm cơ hội để phát triển thông qua hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến cũng như tạo các nhóm liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau và cùng vượt qua khó khăn để phát triển tốt.

Xúc tiến thương mại trực tuyến hiệu quả

Là đơn vị sản xuất bò khô có uy tín tại Gia Lai, năm 2021, cơ sở sản xuất bò khô Tùng Phương – Du Ký liên tục bị gián đoạn sản xuất. Bà Nguyễn Thị Kim Phượng – Chủ cơ sở cho biết sản phẩm của đơn vị chủ yếu phục vụ du lịch và làm quà đặc sản, nhưng du lịch “đóng băng” cùng với hoạt động đi lại năm qua hạn chế, nên sức tiêu thụ giảm mạnh. Bên cạnh đó, dịch Covid – 19 gây gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng khiến các phụ liệu phục vụ sơ chế sản phẩm của công ty bị ảnh hưởng. “Trong dịch bệnh, đơn vị hầu như ngừng sản xuất. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát một phần, đơn vị cũng hoạt động lại để thích ứng với thời kỳ mới. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử; bán hàng qua các mạng xã hội như facebook, zalo….” Bà Phượng cho hay.

Tận dụng xúc tiến thương mại trực tuyến có hiệu quả, sản lượng tiêu thụ mật ong của HTX Phương Di Ia Grai (Gia Lai) không bị sụt giảm dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19

Hợp tác xã mật ong Phương Di Ia Grai (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) những ngày này đang gấp rút hoàn thành những đơn hàng cuối cùng để giao cho khách trước khi nghỉ Tết. Bà Trần Thị Hoàng Anh – Giám đốc HTX cho biết, do dịch bệnh, trong năm 2021, đơn vị hầu như không thực hiện được hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp. Thay vào đó, gần như 100% xúc tiến thương mại và giao thương được thực hiện trực tuyến và có hiệu quả. “Tại chương trình kết nối cung cầu tại TP. Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 12/2021 (theo hình thức trực tuyến và trực tiếp), thông qua sự kết nối của Sở Công Thương 2 địa phương, chúng tôi đã tìm kiếm được nhiều đối tác mới và có thêm nhiều đơn hàng”, bà Hoàng Anh chia sẻ và nói thêm “Chúng tôi cũng rất tích cực quảng bá trên các kênh online như các trang web, mạng xã hội như zalo, facebook,… nhờ vậy dù gặp khó khăn do dịch Covid – 19 nhưng sản lượng tiêu thụ của hợp tác xã năm qua vẫn giữ được ổn định”.

Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm

Cùng nhau vượt khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã sáng tạo, linh động cùng liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau.

Là đơn vị sản xuất tinh dầu và các sản phẩm sau tinh dầu các loại, nhưng cửa hàng trưng bày của cơ sở sản xuất tinh dầu thiên nhiên An Thiên (tại 90 Tô Vĩnh Diện, TP. Pleiku, Gia Lai) lại trưng bày thêm rất nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh như mật ong, tiêu hữu cơ,… của các đơn vị khác. Bà Nguyễn Thị Kim Anh – Chủ cơ sở cho biết bà cùng một số đơn vị có sản phẩm OCOP, nông đặc sản của tỉnh đã cùng liên kết để trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm cho nhau. “Hoạt động liên kết giúp chúng tôi tăng cường quảng bá được sản phẩm, đôi bên cùng có lợi. Tôi đã giới thiệu nhiều khách hàng của tôi cho các đơn vị bạn và ngược lại, tôi cũng có thêm nhiều đối tác mới là khách hàng của các sản phẩm liên kết”, bà Kim Anh nói và cho biết, chính sự liên kết đã làm tăng khả năng cạnh tranh, tăng sức “chống chịu” cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ trước tác động tiêu cực như dịch bệnh.

Cửa hàng trưng bày sản phẩm của cơ sở sản xuất tinh dầu thiên nhiên An Thiên (Gia Lai) không chỉ trưng bày sản phẩm của riêng An Thiên mà còn trưng bày, bán nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai

“Hoạt động liên kết giữa các đơn vị OCOP, các đơn vị nông đặc sản là cần thiết. Chúng tôi liên kết với các nhà sản xuất khác để thực hiện những combo sản phẩm và giới thiệu sản phẩm cho nhau”, bà Nguyễn Thị Kim Phượng – Chủ cơ sở sản xuất Bò khô Tùng Phương – Du Ký nói.

Theo bà Hoàng Anh, tận dụng hiệu quả mạng xã hội, HTX của bà và nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã lập và tham gia nhiều hội, nhóm tương tác bán hàng trên zalo, facebook giữa các doanh nghiệp với nhau để hỗ trợ khách hàng, đối tác cho nhau, cùng kết nối với nhau để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Phát huy vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp

Bên cạnh sự chủ động thích ứng tự thân, các doanh nghiệp cho biết đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều chính sách, chương trình Sở Công Thương và các sở ban ngành trong tỉnh. Trong đó, nổi bật là sự hỗ trợ máy móc thiết bị, hỗ trợ tiếp cận và xúc tiến thương mại trực tuyến của Trung tâm Khuyến công & XTTM tỉnh.

“Trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid – 19, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công & XTTM tỉnh thông qua các hoạt động như tham gia xúc tiến thương mại trực tuyến; hỗ trợ để các cơ sở như chúng tôi lên các sàn thương mại điện tử; tổ chức các buổi training kỹ năng bán hàng trực tuyến. Nhờ đó, đơn vị đã tiếp cận và thực hiện tốt hoạt động giao thương trực tuyến”, bà Kim Phượng chia sẻ.

Các hoạt động hỗ trợ từ phía Sở Công Thương Gia Lai và Trung tâm Khuyến công & XTTM tỉnh là "bệ đỡ" góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, sớm ổn định sản xuất (Ảnh: Cơ sở bò khô Tùng Phương – Du Ký chuẩn bị hàng những đơn hàng Tết Nhâm Dần 2022)

Bà Nguyễn Thị Bích Thu – Giám đốc Trung tâm Khuyến công & XTTM (Sở Công Thương) tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2021, Trung tâm đã hỗ trợ máy móc thiết bị cho 5 đơn vị theo chương trình khuyến công quốc gia và địa phương với tổng kinh phí 942 triệu đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ lập hồ sơ và đăng ký cho 7 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham dự bình chọn cấp quốc gia, có 5/7 đơn vị đã được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu quốc gia năm 2021.

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, công tác xúc tiến thương mại trực tiếp hầu như không thực hiện được. Ngược lại, đơn vị đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trực tuyến rất hiệu quả.

Trung tâm đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trực tuyến có quy mô lớn, uy tín như Triển lãm Internet Expo 2021 với công nghệ đổi mới – sáng tạo trong kỷ nguyên số; Hội chợ Foodexpo2021; tham gia kết nối cung cầu tại TP. Hồ Chí Minh 02/12 đến 05/12/2021; hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm OCOP tham gia giới thiệu quảng bá sản phẩm tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh năm 2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; tham gia Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam trực tuyến năm 2021…

Song song với đó, đẩy mạnh hoạt động mua và bán các sản phẩm được chứng nhận OCOP trên sàn thương mại điện tử www.ocopgialai.vn; Tổ chức bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên môi trường mạng (Facebook, Sàn Thương mại điện tử, Zalo, triển lãm ảo bằng công nghệ thực tế ảo VR360); Xây dựng các chiến dịch maketting tiếp cận khách hàng, kéo traffic về gian hàng, thu hút mua hàng…; Tuyên truyền quảng bá sản phẩm OCOP trên môi trường mạng; Hỗ trợ các đơn vị tạo gian hàng và đăng sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (bằng hình thức online hoặc offline)… Từ đó, góp phần doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Chủ cơ sở sản xuất bò khô Tùng Phương - Du Ký: Hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến trong thời gian qua mang lại hiệu quả rõ nét và là kênh bán hàng tất yếu trong tương lai. Ở thời điểm hiện tại, lượng tương tác và kết quả bán hàng trực tuyến của công ty còn thấp so với bán truyền thống. Tuy nhiên, với tính tiện lợi và không biên giới, trong thời gian gần chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh và khai thác hiệu quả kênh bán hàng này.
Vũ Lê

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng

Năm 2025, Tây Ninh thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 3- Những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP

Năm 2025, Đồng Nai ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Bài 2 - Nâng sao đếm số, nhiều OCOP đứng trước nguy cơ ''chết yểu''

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khởi động dự án khu công nghiệp thông minh, sinh thái

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Tuyên Quang: Sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vũng Tàu năm 2024

Đồng Tháp: Tuân thủ pháp luật để hoạt động thương mại biên giới phát triển bền vững

Cảng biển Quảng Ninh: Đón đầu cơ hội tăng trưởng

Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước

Hải Dương: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 2.000 doanh nghiệp

Thái Nguyên hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng UKVFTA, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Anh

Đồng Tháp: Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển

Đa dạng hoá sản phẩm, đưa du lịch Sơn La phát triển

Thành phố Sơn La - Gia tăng giải pháp xúc tiến tiêu thụ nông sản