Dấu ấn bảo tồn và “khoác áo mới” cho nghề truyền thống Huế
Trước thềm lễ hội Festival nghề truyền thống Huế 2023, Phóng viên Báo Công Thương có cuộc trao đổi với ông Võ Lê Nhật - Chủ tịch UBND TP. Huế xung quanh sự kiện văn hoá, chính trị quan trọng này.
Ông Võ Lê Nhật - Chủ tịch UBND Thành phố |
Xin ông cho biết dấu ấn Festival nghề truyền thống Huế qua 8 kỳ tổ chức và điểm nhấn của kỳ Festival nghề truyền thống năm 2023 ?
Ông Võ Lê Nhật: Nói đến hiệu quả của Festival nghề truyền thống Huế, không thể không kể đến những tác động tích cực đến sự hồi sinh và phát triển của các ngành nghề truyền thống. Để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn, thành phố Huế đang ưu tiên việc phát triển nghề và làng nghề phải gắn với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế kết hợp dịch vụ văn hóa, du lịch: Phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch; tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn việc phát triển các ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn. Hỗ trợ đào tạo các nghệ nhân tạo được nhiều mẫu thiết kế sản phẩm đa dạng, mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao, kết hợp sản xuất các sản phẩm quà tặng, lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách.
Festival nghề truyền thống Huế năm 2023 tiếp tục khoác lên cho Huế "một tấm áo mới" - đó là đổi mới sáng tạo về nghề truyền thống để phù hợp với nhu cầu thị trường cũng như tiếp tục xây dựng Huế dần trở thành thành phố văn hóa sáng tạo trong tương lai. Góp phần cùng với Tỉnh xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Qua các kỳ Festival nghề truyền thống, nhiều nghề và làng nghề tại TP. Huế được bảo tồn và hồi sinh |
Xác định du lịch là ngành kinh tế "mũi nhọn", vậy thời gian tới Thành phố Huế có những giải pháp gì để thực hiện mục tiêu đó, thưa ông?.
Ông Võ Lê Nhật: Thành phố Huế đã xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2023, trong cơ cấu phát triển kinh tế Huế, du lịch là một trong những lĩnh vực phát triển trọng tâm của thành phố Huế. Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án khu du lịch, nghỉ duỡng sinh thái, dự án khu vui chơi giải trí, khu trưng bày và biểu diễn văn hoá Huế kết hợp khu mua sắm, góp phần làm phong phú các dịch vụ du lịch, tăng thời gian lưu trú của du khách khi đến Huế. Ngoài ra, cần đẩy mạnh nhóm dự án thúc đẩy ngành kinh tế đêm, cụ thể như: Dự án phát triển dịch vụ homestay trong khu vực thành nội (kêu gọi các đơn vị uy tín chuyên quản lý vận hành dịch vụ homestay). Hoàn thành dự án Phố đêm Hoàng Thành Huế để hoàn thiện các hoạt động gắn liền với dự án đêm Hoàng cung để biến khu vực Ðại Nội thành một Hoàng Cung sống động về đêm… Từ đó để du lịch phát triển hơn nữa, xứng tầm là ngành kinh tế “mũi nhọn” của Huế.
Ông có thể chia sẻ Thành phố Huế kỳ vọng gì sau những kỳ tổ chức lễ hội Festival nghề truyền thống, đặc biệt gắn với phát triển du lịch tại địa phương ?.
Ông Võ Lê Nhật: Với chủ trương tổ chức lễ hội để phục vụ các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề cũng như người dân Huế và khách du lịch - chủ thể chính của Festival nghề truyền thống Huế, gắn với xây dựng hình ảnh Huế - điểm du lịch hấp dẫn, lý tưởng, thân thiện và an toàn, tại các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, thành phố Huế luôn chú trọng đến việc xây dựng các chương trình theo hướng xã hội hóa về khâu tổ chức, chú trọng tính hấp dẫn, cộng đồng, đáp ứng yêu cầu cao về nghệ thuật và trải đều liên tục trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Thành phố Huế tích cực mở thêm nhiều tuyến phố đi bộ, kêu gọi đầu tư về du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp với mua sắm...tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch và phát triển kinh tế ban đêm |
Sau gần 20 năm tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế năm nay tiếp tục hy vọng sẽ đã để lại nhiều dấu ấn đặc sắc và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội, các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề có cơ hội tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại giữa các nghệ nhân, các làng nghề truyền thống với các doanh nghiệp và địa phương. Bên cạnh đó, thành phố Huế rất kỳ vọng về lượng khách đến Huế tăng trở lại sau khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát.
Thông qua không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề tại Festival nghề truyền thống Huế 2023, thành phố sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở nghề và làng nghề quảng bá hiệu quả thương hiệu kinh doanh. Đồng thời qua đó các doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều hợp đồng lớn, các doanh nghiệp và cơ sở nghề ngoài tỉnh sẽ có nhiều dự án đầu tư và xây dựng chi nhánh, cơ sở đại diện tại Huế để phục vụ người dân. Festival nghề truyền thống Huế 2023 bên cạnh mục tiêu giới thiệu, quảng bá văn hóa của vùng đất cố đô, đồng thời còn thể hiện trách nhiệm của chính quyền thành phố Huế trong việc phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm doanh nghiệp, cơ sở nghề, tạo điều kiện để các làng nghề tiếp tục hồi sinh và phát triển.
Hoạt động Lễ tế tổ Bách nghệ trong các kỳ Festival nghề truyền thống Huế |
Hiện nay, việc kết nối các tour tuyến du lịch đến với các làng nghề, nghề truyền thống còn khá ít. Để đẩy mạnh hoạt động này, thời gian tới thành phố có những cơ chế, chích sách gì, thưa ông?.
Ông Võ Lê Nhật: Festival nghề truyền thống Huế nhằm mục tiêu khôi phục, phát triển nghề và làng nghề truyền thống. Chính vì vậy thành phố Huế xác định phát triển nghề truyền thống phải gắn với phát triển du lịch; ưu tiên phát triển du lịch văn hóa làng nghề. Khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành xây dựng và hình thành nhiều các tour du lịch về các cơ sở nghề, làng nghề trên địa bàn thành phố, tập trung mọi nguồn lực xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận nghề, làng nghề truyền thống theo quy định.
Ðể phát triển loại hình du lịch làng nghề, trong thời gian tới, thành phố Huế sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng từ các nguồn vốn khác nhau, nhằm khai thác có hiệu quả kinh tế du lịch tại các vùng có làng nghề truyền thống; chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các làng nghề thủ công phát triển hậu Covid-19: Ưu đãi nguồn vốn vay, tìm nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, giúp đỡ tạo đầu ra cho sản phẩm, xây dựng mối liên kết các đơn vị du lịch với các làng nghề, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của du khách.
Xin trân trọng cảm ơn ông !