Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Kết nối nhà trường và doanh nghiệp
Để đáp ứng đòi hỏi đó, năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2690/QĐ-BCT ngày 29/11/2021 phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng của các trường trực thuộc Bộ Công Thương thông qua gắn kết doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng đang cấp thiết |
Đề án nhằm hình thành chương trình liên kết đào tạo học việc từ nhà trường đến doanh nghiệp (DN), qua đó, học sinh được đào tạo theo mô hình kết hợp học và làm; đồng thời, tạo ra môi trường bình đẳng, hợp tác cùng chia sẻ nguồn lực; đem lại lợi ích cho các bên, thu hút khối tư nhân, DN và các nguồn lực bên ngoài đầu tư dưới nhiều hình thức cho giáo dục.
Thực hiện đề án, Bộ Công Thương đã và đang triển khai một số chương trình, trong đó có mô hình đào KOSEN được chuyển giao từ Nhật Bản thí điểm tại 3 trường cao đẳng thuộc bộ. Đến nay, theo đánh giá, mô hình này tích hợp hiệu quả nhiều giải pháp, mang lại đội ngũ kỹ sư thực hành có tay nghề, có kỹ năng, kỷ luật lao động, có tinh thần sáng tạo và nhất là đạo đức nghề nghiệp; đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn tới, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau Covid-19 cần tập trung phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ và năng suất lao động cao. “Thời gian qua, các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cũng đã hỗ trợ, sát cánh cùng các trường từ khâu tuyển sinh, tư vấn nghề nghiệp, xây dựng chương trình, đào tạo giảng viên, thực hành, thực tập, dạy tiếng Nhật và sắp tới là tuyển dụng”- đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Công Thương) cho hay .
Ghi nhận cũng cho thấy, các trường của Bộ Công Thương đang từng bước cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt thông qua các chương trình hợp tác với DN. Theo đó, có hơn 80% số trường cao đẳng thuộc Bộ Công Thương có báo cáo về hoạt động hợp tác DN trong vòng 3 năm gần đây với tổng số DN đã kết nối lên tới gần 5 nghìn đơn vị trên cả nước. Tuy nhiên, việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN còn nhiều hạn chế, các DN chưa mấy mặn mà gắn kết với nhà trường do chưa nhận thấy lợi ích dài hạn của việc tham gia đào tạo sinh viên. Vì vậy, trong định hướng đào tạo của các trường, Vụ Tổ chức cán bộ đã đưa ra định hướng cụ thể, đó là các đơn vị cần kết nối chặt chẽ với DN trong đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng nhu cầu lao động cho các ngành kỹ thuật, công nghệ cao.
Bên cạnh đó, ngoài việc hỗ trợ nhà trường thực hiện chương trình liên kết đào tạo, Bộ Công Thương đã và đang thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích các trường triển khai mô hình quản lý theo hướng tự chủ, hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo. Đồng thời, tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ làm công tác hợp tác quốc tế ở các trường; đặc biệt đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, như: Duy trì, phát triển các mối quan hệ hợp tác sẵn có; mở rộng hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong giáo dục đào tạo cũng như xây dựng, hoàn thiện chương trình liên kết đào tạo quốc tế đối với các ngành nghề có thế mạnh của các trường; tăng số lượng đào tạo ở nước ngoài đối với một số ngành đặc thù, đòi hỏi kỹ thuật - công nghệ cao thuộc ngành Công Thương.
Nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường, việc kết nối doanh nghiệp phải theo chiều rộng và chiều sâu trong mọi hoạt động. Theo đó, các trường cần xây dựng, đề xuất thí điểm các mô hình đào tạo tiên tiến, đào tạo gắn liền thực tiễn. |