Giải quyết các vấn đề từ thực tiễn
PGS.TS. Đinh Văn Châu- Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết: Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất nhiều yếu tố truyền thống. Trong bối cảnh này, Trường Đại học không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn phải là nơi giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để đào tạo, qua đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động đặc biệt là cho nền kinh tế số mà Chính phủ Việt Nam đang hướng đến.
Với chiến lược phát triển khoa học & công nghệ (KH&CN) gắn kết với thực tiễn sản xuất và đào tạo, trong năm học 2020-2021 vừa qua trường Đại học Điện lực đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo đó, nhà trường đã tham gia 08 đề tài KH&CN cấp Bộ Công Thương, 42 đề tài KH&CN cấp cơ sở. Ngoài ra, cán bộ của trường còn tham gia các đề tài nhánh cấp Bộ, cấp Nhà nước, nghị định thư cùng với các đơn vị khác ngoài trường. Các đề tài KH&CN cấp Bộ được được tuyển chọn, quản lý, giám sát chặt chẽ, theo đúng quy trình đảm bảo chất lượng, nội dung. Trong đó nhiều đề tài có kết quả đã được áp dụng vào thực tiễn.
Máy trợ thở do trường Đại học Điện lực thiết kế chế tạo |
Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên cũng được nhà trường quan tâm. Nhiều hoạt động NCKH của sinh viên đã được triển khai thông qua các hội nghị khoa học của sinh viên, các cuộc thi olympic Toán, Tin học…. như đề tài “Nghiên cứu, chế tạo buồng đo thân nhiệt và khử khuẩn tự động”… Bắt đầu từ năm 2016, hàng năm Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đều tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo NCKH” trong sinh viên, qua cuộc thi đã lựa chọn được nhiều ý tưởng hay để phát triển thành các đề tài NCKH cấp trường.
Số lượng các bài báo, công trình khoa học tăng nhanh, đặc biệt là các công bố quốc tế, theo đó năm học 2020-2021 số lượng các công bố quốc tế thuộc danh mục SCI và SCIE, Scopus của Đại học Điện lực đã đạt được 77 bài. Trong đó, các công bố thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ được đăng trên những tạp chí khoa học uy tín thuộc danh mục ISI như “Solar Energy”, “Artificial Intelligence Review”, “Journal of Applied Polymer Science”, “International Journal of Hydrogen Energy” …
“Theo số liệu công bố quốc tế trong cơ sở dữ liệu (CSDL) WoS, Scopus của các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) giai đoạn 2014-2018, Trường Đại học Điện lực nằm trong top 30 cơ sở Giáo dục Đại học có số lượng công bố Quốc tế nhiều nhất. Cụ thể trong giai đoạn này Trường Đại học Điện lực có 152 bài báo WoS & Scopus. ” - PGS.TS. Đinh Văn Châu cho biết.
Ban tổ chức trao giải Nhất cho đội Vision home đến từ Khoa Công nghệ thông tin |
Trong đó nhiều đề tài đã đi sâu vào nghiên cứu, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tế như: Nghiên cứu, phát triển, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống điều khiển phân tán (DSC) đối với thiết bị bù nhằm nâng cao chất lượng điện áp tại các phục tải ngành công nghiệp; Nghiên cứu, thiết kế, chết tạo thiết bị cảnh báo mất điện và giám sát TBA hạ thế từ xa qua mạng thông tin di động trên bền tảng WebServer… Đặc biệt, năm 2020 khi mà đại dịch Covid-19 xảy ra nhà trường đã bắt tay vào Nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm máy trợ thở và tiếp theo là tiến hành nghiên cứu Ban hành Tiêu chuẩn cơ sở Máy trợ thở C.PAP, hiện đang được nhà trường chuyển giao cho doanh nghiệp để phục vụ công tác phòng chống Covid-19.
Hiệu quả từ các hoạt động hợp tác quốc tế
Có thể nói, hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) đã đóng góp to lớn vào thành công của công tác đào tạo cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học tại nhà trường. Chia sẻ về vấn đề này TS. Dương Trung Kiên- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong năm 2019-2020, hoạt động HTQT bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid 19, tuy nhiên Nhà trường vẫn tích cực duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác lâu dài với các tổ chức quốc tế và các đối tác nước ngoài có uy tín trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Điểm nổi bật trong định hướng hợp tác quốc tế về đào tạo của nhà nhà trường là đã chuyển hướng các hoạt động từ liên kết đào tạo sang công nhận tín chỉ quốc tế”.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì với đối tác 07 chương trình đào tạo Đại học đã được công nhận tín chỉ quốc tế với các trường Đại học uy tín là Trường Đại học Deakin (Úc) và Đại học Điện lực Thượng Hải (Trung Quốc), thì điểm nổi bật trong hoạt động hợp tác quốc tế trong năm học vừa qua đó là nhà trường đã ký biên bản thỏa thuận về hợp tác giáo dục với Đại học Nagaoka (Nhật Bản); Ký Thỏa thuận với tổ chức Nitori (Nhật Bản) về cấp Học bổng cho 10 sinh viên của trường có thành tích học tập tốt có tổng giá trị 13 triệu/SV/năm; Kí Hợp đồng chuyên gia nước ngoài để tăng cường công tác chuyên môn và NCKH.
Việc công nhận tín chỉ quốc tế đã khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường trên trường quốc tế, nâng cao thương hiệu nhà trường đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tiếp cận với các nền giáo dục quốc tế một cách thuận lợi.
Trước yêu cầu của đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số, nhà trường đã chủ động phối hợp cùng với các chuyên gia, giáo sư đến từ các trường đại học, các công ty của Nhật Bản, Úc, Ý.. để liên kết đào tạo các nội dung liên quan đến công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, ví dụ như phối hợp với Đại học Deakin (Úc) tổ chức Hội thảo Cách mạng công nghiệp 4.0 - Thực tế ảo và Trí tuệ nhân tạo. Hay thông qua các hoạt động trao đổi, nghiên cứu, liên kết khác như: Chương trình trao đổi sinh viên thuộc Dự án Erasmus KA107 tại ĐH Palermo, (Ý); Đoàn trao đổi theo chương trình Sakura với Đại học Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản); Đoàn Sinh viên tham dự chung kết cuộc thi Mô phỏng quyết định kinh doanh thị trường Điện cạnh tranh và trại hè quốc tế tại Đại học Điện lực Thượng Hải đạt giải nhì; Hợp tác với Viện Quốc gia về Năng lượng Mặt trời (Pháp): Nghiên cứu về Smart Grid; Với công ty Vector Shinwa (Nhật Bản) hợp tác nghiên cứu và phát triển dự án Robot…
Có thể khẳng định, những kết quả này đã, đang và sẽ có tác động trở lại quá trình đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội, làm động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của Trường Đại học Điện lực trong nền kinh tế số.