Thứ sáu 25/04/2025 06:29
Chính sách hỗ trợ xây dựng chòi/phòng để tránh bão, lũ lụt ở Quảng Nam:

Dân không mặn mà, địa phương than khó, vì sao?

Nhiều hộ khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đăng ký nhận hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ lụt nhưng không triển khai vì nguồn hỗ trợ thấp.

Mức tiền hỗ trợ quá thấp

Quảng Nam là một trong những địa phương thường xuyên hứng chịu những cơn bão lũ lớn hàng năm, gây thiệt hại về người và tài sản.

Hàng loạt các địa phương trên địa bàn tỉnh như: Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ, Duy Xuyên… từ nhiều năm nay được nhắc tới với tên “rốn lũ”, “rốn bão”. Hàng nghìn hộ dân sống trong những ngôi nhà xuống cấp phải di dời đến nơi kiên cố mỗi khi bão lũ, khiến công tác phòng, chống bão gặp nhiều vất vả.

Trước thực tế đó, tháng 9/2021, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết 32/2021/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ xây dựng chòi/phòng để tránh bão, lũ, lụt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với quy mô 10.000 hộ, kinh phí 100 tỷ đồng.

Đối tượng ưu tiên gồm: Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ… Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng (chòi hoặc phòng). Ngoài mức hỗ trợ này, địa phương kết hợp từ các nguồn xã hội hóa và từ các nguồn hợp pháp khác.

Có thể thấy, chủ trương xây dựng chòi/phòng trú bão lũ thể hiện sự quan tâm của chính quyền tỉnh Quảng Nam đối với những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn cần có nơi trú ẩn an toàn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Nghị quyết 32 khi áp dụng vào thực tế vẫn có những bất cập, nhiều hộ dân không mấy mặn mà vì mức hỗ trợ quá thấp trong khi chi phí bỏ ra để xây dựng chòi/phòng tránh lũ cao hơn gấp nhiều lần.

Bà Phương hiện nợ khoảng 100 triệu đồng sau khi xây nhà mới

Ghi nhận của phóng viên tại huyện Đại Lộc, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Phương (73 tuổi, thôn Phú Phong, xã Đại Tân) vừa mới xây xong phần thô, nước mưa còn thấm khắp tường.

Cách đây 2 năm, nhà bà nằm ở chân đồi, nơi dễ bị sạt lở. Năm 2022, bà Phương có tên trong danh sách của xã trình lên UBND huyện Đại Lộc để được hỗ trợ xây công trình trú bão lũ theo Nghị quyết 32. Bà cũng được địa phương hỗ trợ thêm 40 triệu đồng theo diện xóa nhà tạm nên 2 mẹ con mạnh dạn vay mượn người thân cất ngôi nhà mới có gác lửng để tránh bão lũ. Ngôi nhà hoàn thành với số tiền gần 200 triệu đồng, mẹ con bà còn đang nợ khoảng 100 triệu đồng.

“Thật sự lúc đầu tôi không nghĩ đến việc xây nhà. Bản thân bệnh tật, con trai làm phụ hồ, công việc bấp bênh, tiền hỗ trợ thấp thì lấy gì mà xây nhà! Nhờ con trai quen biết mấy anh thợ nên làm giúp căn nhà để hai mẹ con tránh mưa, tránh bão. Tiền công họ cho hai mẹ con nợ, trả dần dần nên tui mới dám làm. Bây giờ hết lo lũ, thì lại lo trả nợ”, bà Phương chia sẻ.

Hay như hộ của bà Nguyễn Thị Đen (58 tuổi, trú thôn Phú Phong), năm vừa rồi, địa phương hỗ trợ 30 triệu đồng cùng với 10 triệu đồng từ Nghị quyết 32 nên bà và cha của mình (94 tuổi) đã bán xác nhà gỗ đang ở và mấy tấm ván dành để đóng hòm được 25 triệu đồng rồi vay mượn thêm bà con xung quanh để xây nhà. Nhà xây hết 130 triệu đồng, hiện còn nợ 70 triệu đồng.

Với số tiền Nhà nước hỗ trợ gần 1,3 triệu đồng/tháng (bà Đen 540.000 đồng và người cha 720.000 đồng) thì không biết bao giờ bà Đen mới trả hết số nợ trên.

Ông Phạm Văn Vinh - Công chức văn hóa xã hội phụ trách mảng lao động, thương binh xã Đại Tân cho biết, theo phê duyệt năm 2021 và 2022, trên địa bàn xã có 34 hộ dân đăng ký được hỗ trợ theo Nghị quyết 32, hiện mới chỉ giải ngân được 8 nhà.

Năm 2023, có ít hộ dân đăng ký hơn, có 5/6 hộ đã hoàn thành, 1 nhà không đủ điều kiện làm vì không đủ kinh phí.

Theo ông Vinh, chủ trương hỗ trợ kinh phí xây nhà tránh trú bão, lũ là một chính sách hay, cấp thiết của tỉnh, nhưng khi áp dụng vào thực tế vẫn có một số điểm chưa phù hợp. “Đơn cử như việc xây dựng phải thực hiện theo thiết kế của Sở Xây dựng. Với số tiền 10 triệu đồng hỗ trợ từ Nghị quyết 32 thì dân không thể làm theo được”, ông Vinh nói.

Không chỉ ở huyện Đại Lộc mà các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng gặp tình trạng tương tự. Như tại huyện Thăng Bình, kinh phí năm 2023 phân bổ cho huyện là 1.699 hộ, nhưng hiện chỉ có 235 hộ thực hiện.

Đề nghị làm rõ các tồn tại, hạn chế

Ông Đặng Văn Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, đến nay huyện đã duyệt 261 hộ nhưng có đến 138 hộ không thực hiện. Việc hỗ trợ gác, phòng trú bão, lũ, lụt cho hộ gia đình cư trú trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng là một chính sách nhân văn, thiết thực giúp người dân có cuộc sống an toàn, ổn định, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn.

Theo đó, trong giai đoạn khảo sát, các hộ nghèo có nhu cầu và đăng ký nhưng triển khai không được vì nguồn hỗ trợ quá thấp do giá cả nhân công, vật liệu tăng cao. Nhiều gia đình đã được phê duyệt danh sách hỗ trợ nhưng không đủ cho việc đối ứng nên xin rút làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung.

Việc hỗ trợ người dân xây dựng phòng, gác trú bão lũ là chủ trương nhân văn, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn

Ngoài ra, nhiều địa phương chưa thực sự triển khai thực hiện được tiêu chí huy động thêm sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng, đặc biệt là sự đóng góp, chia sẻ của của bản thân hộ gia đình để tăng tính chủ động và trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng gác, phòng trú bão, lũ, lụt đảm bảo chất lượng, quy mô diện tích quy định trong tình hình giá thị trường đối với nhân công, vật liệu đang có nhiều thay đổi như hiện nay.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức rà soát, sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết số 32/2021 ngày 29/9/2021 và số 32/2022 ngày 14/10/2022 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ, lụt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, làm rõ tồn tại, hạn chế và xác định nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian đến, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn phân bổ hằng năm. Sau khi rà soát, trường hợp các địa phương không còn nhu cầu hoặc có kiến nghị xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ, lụt thì kịp thời tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định; tổng hợp, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 05/12/2023 để xem xét, chỉ đạo.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân xác định rõ đây là nguồn hỗ trợ để vận động người dân tham gia xây dựng nơi trú bão, lũ, lụt an toàn nhằm bảo vệ tính mạng trước thiên tai, góp phần ổn định đời sống người dân; trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có vướng mắc phát sinh thì phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành, đơn vị liên quan để giải quyết kịp thời. Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với ngân sách cấp huyện, ngân sách tỉnh hỗ trợ đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.

Hạ Vĩ
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Quảng Nam

Tin cùng chuyên mục

Giữa ngày hội non sông, nghệ sĩ đừng buông lời vô cảm

Sữa giả tung hoành nhờ ‘chợ trời quảng cáo’ mạng xã hội

Muốn làm nghề giữ trẻ, trước tiên cần phải giữ mình

Mai Ly giễu nhại chế tài, Chu Thanh Huyền cảnh cáo ‘sân si’ - pháp luật đang bị ‘bỡn cợt’?

Vụ sữa giả: Đừng gắn sai trách nhiệm của Bộ Công Thương

Chuyển đổi năng lượng: Cần thể chế, vốn và con người

Giáo dục đổi thay từ một quyết sách nhân văn

Loạt sao Việt quảng cáo sai sự thật: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Kẹo Kera, 600 loại sữa giả và 'bùa hộ mệnh' của gian thương

Đạo đức giá bao nhiêu?

Bê bối sữa giả: Hơn 500 tỷ trục lợi từ niềm tin người tiêu dùng

Thực phẩm bẩn tràn lan: Vai trò người tiêu dùng ở đâu?

Vụ việc MC Quyền Linh và 'khoảng trống' trong văn hóa ứng xử

Sẽ có cây sen Việt Nam vững vàng trong kỷ nguyên số

Hãy để mỗi món quà là một dấu ấn Hà Nội

Không thể xuyên tạc quan hệ tốt đẹp Việt – Trung: ‘Vừa là đồng chí vừa là anh em’

Từ kẹo Kera tới sữa giả 500 tỷ đồng: Tội ác không thể dung thứ!

Cây gạo ở Hà Nam bị chặt và lỗ hổng quản lý văn hoá

Cần xác minh, xử lý nghiêm sự ngông cuồng, lệch chuẩn của Lê Việt Hùng

Sốt đất Hà Nội quay lại: Hồi chuông cảnh báo từ ‘bóng ma’ 2008