Đảm bảo an toàn thực phẩm: Khó khăn từ thực tiễn
Theo nhận định của Sở Công Thương An Giang, thời gian qua, các cấp, ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm ATTP, đạt được những kết quả nhất định; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đầy đủ, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, địa phương được phân định rõ ràng, nhiều vụ việc vi phạm đã được phát hiện, xử lý.
Đoàn công tác liên ngành kiểm tra ATTP tại địa phương |
Nhận thức của cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác ATTP đối với sức khỏe con người, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương và cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, người tiêu dùng từng bước được nâng lên; tạo ra những chuyển biến cụ thể, có tính đồng bộ trong nhận thức và hành động về ATTP.
Tuy nhiên, tình hình ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, cần được tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. “Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, phân tán rộng và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân; công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm còn thủ công nên việc bảo đảm ATTP còn gặp nhiều khó khăn; trong đó có nhiều khâu đòi hỏi trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ thuật cao nên khó theo dõi, kiểm soát” - đại diện Sở Công Thương An Giang cho biết.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang khẩn trương rà soát để tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý ATTP. Quá trình rà soát, đánh giá, tổng hợp ý kiến vướng mắc trong thực hiện Luật ATTP cho thấy, đa số các ý kiến nêu khó khăn, vướng mắc hiện nay tại địa phương là: Thiếu biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP tại các cấp; không có người chuyên trách thực hiện nhiệm vụ về ATTP mà hầu hết là kiêm nhiệm.
Đồng thời, trình độ chuyên môn đa số không phù hợp, chỉ học hỏi thêm hoặc qua các lớp đào tạo ngắn hạn; kinh phí ngân sách của cả Trung ương và địa phương dành cho thực hiện quản lý nhà nước lĩnh vực ATTP còn rất hạn chế. Do kinh phí hạn chế nên không được trang bị thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, công tác tuyên truyền còn hạn chế.
Bộ Công Thương kiến nghị Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính sớm bố trí ngân sách thực hiện các nhiệm vụ, đề án mà các thành viên Ban chỉ đạo trong đó có Bộ Công Thương đã đề xuất. Bên cạnh đó, chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm bố trí nguồn kinh phí cho cơ quan chức năng tại địa phương để phục vụ công tác tuyên truyền, lấy mẫu, kiểm nghiệm và tiêu hủy thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, chất phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không đảm bảo ATTP.
Ngoài ra, chỉ đạo Bộ Y tế hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP; kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công an phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP nhằm mang lại hiệu quả cao trong kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp, đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật ATTP và các văn bản liên quan để kiến nghị Chính phủ trong việc hoạch định chính sách quản lý nhà nước về ATTP. |