Đà Nẵng và Tuyên Quang bắt tay kết nối cung cầu hàng hóa
Sáng 11/4, tại thành phố Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng phối hợp Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Tuyên Quang và thành phố Đà Nẵng năm 2024.
Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Tuyên Quang và thành phố Đà Nẵng năm 2024. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh thành địa phương trên cả nước nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trao đổi, giới thiệu sản phẩm.
Việc tổ chức hội nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tiểu thương các hiệp hội ngành hàng và các siêu thị, cửa hàng được gặp gỡ, đối thoại, tìm kiếm cơ hội hợp tác để phát triển chuỗi liên kết. Đặc biệt là đối với việc tìm kiếm nguồn hàng đặc sản, đặc trưng, tiêu biểu, có chất lượng của các địa phương, các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân; tạo điều kiện cho việc từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tạo kênh tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam một cách ổn định, bền vững.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng |
Ông Hoàng Anh Cương - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến nay toàn tỉnh có 248 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tỉnh Tuyên Quang đứng thứ 4 trong các tỉnh miền núi phía Bắc về tổng số lượng sản phẩm. Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP tiếp tục được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee...
Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình không có cửa khẩu, bến cảng hay các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Mặt khác, điều kiện giao thông chưa thuận lợi do địa hình nhiều đồi núi, đời sống nhân dân nhìn chung còn nhiều khó khăn..., nên tính lợi thế về thị trường thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành ở khu vực trung du, đồng bằng, đặc biệt đối với khu vực miền Trung và miền Nam. Từ đó mức thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tỉnh ngoài đạt thấp; chưa khơi dậy được một cách mạnh mẽ nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp tại địa phương; các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh Tuyên Quang còn nhiều hạn chế; việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hàng hoá của tỉnh, nhất là hàng hoá tại khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của 2 địa phương. |
“Tôi tin rằng hội nghị này sẽ góp phần thành công trong việc xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa của tỉnh Tuyên Quang với thành phố Đà Nẵng nói riêng và với các tỉnh miền Trung trong thời gian tới”, ông Cương nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm tiêu biểu; việc kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của 2 địa phương và đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác giao thương, kết nối cung cầu giữa 2 địa phương trong thời gian đến.
Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã của 2 địa phương đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đây là các sản phẩm có lợi thế, đặc sản tiêu biểu của các địa phương. Các mặt hàng này đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như: Tiêu chuẩn OCOP, VietGap, GlobalGap…
Ngoài ra, tại hội nghị, các đơn vị đã ký kết hợp đồng, thỏa thuận hợp tác để đưa hàng vào chợ và kết nối đưa vào bán tại các điểm sản phẩm OCOP.