Thứ hai 23/12/2024 08:30

Đà Nẵng đẩy mạnh giao thương với khu vực Tây Nguyên

Các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum đã kết nối được với các nhà phân phối tại TP. Đà Nẵng và xúc tiến đưa hàng hóa vào chuỗi hệ thống bán lẻ tại thành phố này thông qua Hội nghị kết nối giao thương giữa Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên năm 2022.

Ngày 29/3, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên năm 2022.

Hơn 100 sản phẩm nông đặc sản của TP. Đà Nẵng và các địa phương Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk được trưng bày, giới thiệu, kết nối đến các nhà phân phối lớn

Chương trình trưng bày, giới thiệu hơn 100 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thương mại đặc trưng của gần 80 doanh nghiệp sản xuất và đại diện các đơn vị phân phối của TP. Đà Nẵng và 3 tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Các sản phẩm chủ yếu là thế mạnh của các địa phương gồm sâm Ngọc Linh, yến sào, trái cây đạt chứng nhận GloblGap của tỉnh Kon Tum, thực phẩm chế biến; các nông đặc sản của tỉnh Gia Lai gồm có bò một nắng, mật ong, dược liệu, gạo, chè Biển Hồ; tỉnh Đắk Lắk có cà phê, cà chua organic, măng tây, trái cây, tinh bột nghệ các loại các loại. TP. Đà Nẵng cũng có những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối của các địa phương đã kết nối thành công thông qua chương trình kết nối giao thương

Với hình thức kết nối trực tiếp, các đơn vị sản xuất đã giới thiệu được sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu đến với các nhà phân phối, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tham gia chương trình kết nối giao thương, ông Bùi Xuân Diện - đại diện cơ sở sản xuất Huệ Tâm Măng Đen (Kon Tum) mang đến nhiều sản phẩm hữu cơ, sản phẩm organic mà đơn vị phát triển, thử nghiệm như cà chua bi, bí đỏ (công nghệ Nhật), dưa leo, dâu tây…

“Lần đầu đưa sản phẩm đến giới thiệu, chúng tôi đã kết nối được với 3 nhà phân phối tại TP. Đà Nẵng. Chúng tôi kỳ vọng đây là bước đệm để có thể đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối, để sản phẩm của HTX đến với người tiêu dùng Đà Nẵng”, ông Diện bày tỏ.

Bà Trần Thị Anh Đào - đại diện HTX Thảo Nguyên (Gia Lai) cho biết, chương trình kết nối giao thương rất hiệu quả. HTX Thảo Nguyên đã kết nối được với 3 nhà phân phối tiềm năng, trong đó có nhà phân phối lớn như Big C (Go) Đà Nẵng. Nếu kết nối được với siêu thị, cửa hàng thì sản phẩm của chúng tôi sẽ đến tay người tiêu dùng thuận lợi hơn”, bà Đào chia sẻ.

Mặc dù có sản phẩm cà chua organic đã vào hệ thống chuỗi nhiều siêu thị lớn tại TP. Hồ Chí Minh như Big C (Go), Lotte Mart, tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thái Thanh - đại diện Công ty CP Ban mê Green Farm (Đắk Lắk) vẫn mang sản phẩm đến kết nối giao thương và đã kết nối được với nhiều nhà phân phối tại Đà Nẵng.

“Đà Nẵng là thành phố du lịch, đông dân. Sắp tới với việc mở cửa du lịch thì các sản phẩm của chúng tôi rất phù hợp. Cùng với đó chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch cũng lấy hàng của chúng tôi rất nhiều”, bà Thanh cho hay.

Các đơn vị sản xuất cho biết đã thu được nhiều kết quả tích cực thông qua chương trình kết nối giao thương trực tiếp
Trước đó, ngày 28/3, các doanh nghiệp, hợp tác xã của 3 tỉnh khu vực Tây nguyên đã có buổi tham quan các siêu thị bán lẻ, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, Hội nghị giao thương là hoạt động nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch của TP. Đà Nẵng về phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt hiệu quả dịch Covid-19. Đồng thời tuyên truyền, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu nông sản và sản phẩm OCOP của các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

“Đây là một trong chuỗi các sự kiện, hoạt động có tính liên kết vùng, phù hợp với chủ trương kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của TP. Đà Nẵng, là hoạt động kết nối giao thương trực tiếp đầu tiên của 4 tỉnh, thành phố sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh”, bà Phương nói và cho biết thêm, trong thời gian tới, 4 tỉnh, thành sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp duy trì và phát triển hơn nữa các mối quan hệ hợp tác, liên kết trong hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường.

Nhiều sản phẩm tham gia kết nối là sản phẩm organic, sản phẩm đạt tiêu chuẩn Global Gap với quy chuẩn sản xuất khép kín, sản phẩm chất lượng

Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho rằng, kết nối giao thương là vấn đề rất quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là sau dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Theo ông Binh, Đà Nẵng là một trung tâm kinh tế tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Các sản phẩm mà Gia Lai sản xuất ra đáp ứng được các thị trường đặc biệt là thị trường Đà Nẵng. Mặc dù các doanh nghiệp tại Gia Lai không ngừng hoàn thiện quy trình sản xuất, chuẩn hóa sản xuất, tuy nhiên quy mô sản xuất của doanh nghiệp tỉnh còn khá nhỏ.

“Điều này không phải do năng lực sản xuất mà là do thiếu thị trường. Để có thể nâng cao năng lực sản xuất, thì cần phải có thị trường bền vững. Vì vậy, Đà Nẵng là thị trường chúng tôi đặt kỳ vọng lớn thông qua hội nghị kết nối giao thương, các nhà sản xuất sẽ tiếp cận được các nhà tiêu thụ. Và chính việc tiêu thụ sẽ kích nhu cầu, thay đổi tập quán sản xuất và đưa được các sản phẩm đến người tiêu dùng”, ông Binh nói.

Theo ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, tỉnh có hơn 20 chủng loại sản phẩm tham gia hội nghị giao thương, “chúng tôi mong muốn tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm chế biến của Đắk Lắk ở các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng; kết nối được các đầu mối, kênh phân phối để tăng tiêu thụ các sản phẩm địa phương”.

Ông Dương chia sẻ thêm: “Qua chương trình kết nối trực tiếp lần này các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã của Đắk Lắk đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực của các đơn vị phân phối gồm các siêu thị, các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini… tại TP. Đà Nẵng quan tâm đến các sản phẩm”.

Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng - bà Lê Thị Kim Phương và Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai - ông Phạm Văn Binh ký kết đẩy mạnh hợp tác giữa 2 Sở Công Thương trong thời gian tới

Tại chương trình, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với các Sở Công Thương Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum gồm các nội dung:

- Phối hợp trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại; tăng cường tổ chức và giới thiệu doanh nghiệp tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm thương mại, hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu, bình ổn thị trường do các bên tổ chức.

- Hỗ trợ mời gọi các nhà phân phối, nhà bán buôn lớn tại địa phương tham gia kết nối, giao thương nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai địa phương giới thiệu, hợp tác, tìm kiếm, khai thác thị trường tiêu thụ hàng hóa.

- Hỗ trợ giới thiệu kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, nông sản chủ lực, sản phẩm chế biến đến các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, chợ đầu mối, đơn vị phân phối khác trên địa bàn nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến liên kết, giới thiệu kết nối tiêu thụ mở rộng thị trường bán lẻ, thúc đẩy phát triển kênh phân phối hiện đại giữa hai địa phương.

- Hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, nông sản chủ lực, sản phẩm chế biến trên sàn thương mại điện tử, cổng thông tin điện tử Sở Công Thương, website, fanpage facebook của các đơn vị trực thuộc của hai địa phương.

- Phối hợp cung cấp cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân phối trên địa bàn hai địa phương; lồng ghép tổ chức các buổi khảo sát trực tiếp các đơn vị sản xuất, kinh doanh để tăng cường kết nối các nhà sản xuất, phân phối giữa hai địa phương.

- Hợp tác trao đổi thông tin thị trường, điều phối hàng hóa, phối hợp xử lý biến động thị trường; thực hiện liên kết hai sàn thương mại điện tử tỉnh Kon Tum và sàn thương mại điện tử TP. Đà Nẵng nhằm quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp của hai địa phương trên sàn thương mại điện tử.

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: thành phố Đà Nẵng

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Triển khai các giải pháp để tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0% trở lên trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Sóc Trăng: Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ hành tím sớm phục vụ Tết

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Thanh Hóa: Triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững

Đồn Biên phòng Lũng Cú tiếp tục trồng cây xanh bảo vệ biên giới

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Khai mạc Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2024

Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An năm 2024

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh thành khu kinh tế năng động, thông minh

Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Đồng Tháp: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,75%, cao hơn bình quân cả nước

Ngành Công Thương Thanh Hóa triển khai hiệu quả khuyến công, góp phần xóa đói giảm nghèo

Vĩnh Phúc: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phê chuẩn kết quả bầu ông Dương Minh Dũng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Sóc Trăng: Nông dân ‘đổi đời’ nhờ xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ

Giao lưu văn hóa giữa lực lượng biên phòng Hà Giang (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc)