Thưa ông, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, và gần đây nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU - (EVFTA), ông đánh giá thế nào về những cơ hội mà các hiệp định này mang lại cho ngành dệt may Việt Nam?
Tôi cho rằng các FTA nói chung mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam, trong đó có ngành dệt may. Chẳng hạn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở ra cơ hội ở nhiều thị trường mới tại Úc, Canada, New Zealand... Hay với Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) chúng ta đã có nhiều lợi thế tăng xuất khẩu tại Nhật Bản…
Riêng với Hiệp định EVFTA vừa được ký kết mới đây là hiệp định được chúng tôi mong chờ và đánh giá cao. Bởi đây là hiệp định mang tính toàn diện cao, khi đi vào thực thi sẽ giúp các sản phẩm may mặc của Việt Nam xuất khẩu vào EU được hưởng mức thuế bằng 0%. Một cơ hội nữa cho ngành dệt may Việt Nam đó là EVFTA sẽ tạo sợi dây liên kết chuỗi cung ứng có tính toàn diện hơn cho Việt Nam. Toàn diện ở đây là hiệp định sẽ tạo lực hút cho các nhà đầu tư sản xuất sợi, dệt, nhuộm vào Việt Nam - trong khi đây cũng là phần cung thiếu hụt mà Việt Nam đang cần.
Hiện xuất khẩu hàng dệt may nói chung của Việt Nam vào EU đang chiếm khoảng 21% trong tổng sản lượng toàn ngành. Khi EVFTA có hiệu lực thì có thể sau năm 2020 trở đi, giá trị kim ngạch và sản lượng dệt may tại EU dự báo sẽ được tăng lên từ 25 - 30%. Tuy nhiên, cơ hội cũng sẽ đi kèm với thách thức về nguồn gốc xuất xứ, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, an toàn lao động… và DN phải nắm bắt để tận dụng được ưu đãi.
Xin ông nói rõ hơn những thách thức mà DN dệt may sẽ gặp phải khi tham gia các FTA?
Tôi xin khẳng định rằng tất cả các hiệp định đều mang đến những cơ hội lớn nhưng thách thức luôn song hành. Đó là an toàn về sản phẩm, môi trường, dân sinh, lao động… Bởi đây là những thị trường rất khó tính, đòi hỏi chất lượng cao, nhất là yêu cầu bảo đảm các vấn đề trong quá trình sử dụng sản phẩm. Chẳng hạn với EVFTA, DN khi xuất khẩu sang EU sẽ phải tham gia vào một sân chơi với những điều luật minh bạch hơn, đòi hỏi DN phải tuân thủ các điều khoản về môi trường, lao động… đồng thời DN phải tư duy hơn, sáng tạo hơn để có thể tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt vào EU.
Hàng dệt may xuất khẩu sẽ được hưởng ưu đãi từ các FTA |
Vậy các DN dệt may sẽ củng cố nội lực như thế nào để tận dụng cơ hội từ các FTA?
Tôi cho rằng vấn đề tiên quyết liên quan đến khả năng thích ứng của DN dệt may là phải đáp ứng được mẫu mã mà thị trường đưa ra. Sau đó là vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu để đáp ứng tiêu chí về quy tắc xuất xứ. Có như vậy thì chúng ta mới được hưởng mức thuế 0% của các hiệp định thương mại đã ký kết.
DN phải áp dụng những công nghệ mới để giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh theo xu hướng phát triển của công nghệ 4.0; giải quyết thách thức về thiếu nguồn lực quản trị, đào tạo đội ngũ kỹ sư dệt, hóa nhuộm… đồng thời phải tuân thủ tuyệt đối vấn đề bảo vệ môi trường, không dung túng cho hàng giả, hàng nhái.
Xin cảm ơn ông!