Công ty Điện lực Quảng Nam: Dân vận để… chặt cây, tỉa cành
Nhiều người sẵn sàng tạo điều kiện cho công nhân điện làm nhiệm vụ
- Vi phạm hành lang an toàn lưới điện - khó khăn lưu cữu
Ý tưởng tổ chức cuộc thi nói trên xuất phát từ thực tế khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lưới điện trên địa bàn, nhất là những vướng mắc thực tế phát sinh trong quá trình giải quyết cây cối trong hành lang tuyến.
Đã có rất nhiều công trình điện nông thôn được xây dựng gần như chỉ dựa vào cái “tình”, tức là dựa vào sự đóng góp, thông cảm, cống hiến của người dân về đất đai, cây cối… Khi thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện, ngành điện nhận về hầu hết các công trình vừa xuống cấp vừa không đủ hồ sơ pháp lý. Cuối cùng, những vướng mắc về đất đai, cây cối phát sinh sau khi giao nhận lưới điện. Khách quan nhìn nhận, khi lưới điện thuộc quyền sở hữu của các chủ tài sản ở nông thôn thì việc xâm phạm HLATLĐ rất ít xảy ra, bởi đa số dân chúng trong vùng có lưới điện đi qua đều hỗ trợ, phối hợp rất tốt để địa phương xử lý hàng chục nghìn vị trí cây cối có khả năng ngã đổ vào lưới điện. Tuy nhiên, sau khi lưới điện được bàn giao cho PC Quảng Nam quản lý vận hành thì tình trạng vi phạm hành lang an toàn trên lưới điện nông thôn phát sinh ngày càng nhiều, trong đó có một số vụ việc dai dẳng, khó giải quyết do một số hộ dân đòi trả đất, đòi bồi thường hoa màu, thậm chí có nơi cản trở quyết liệt khi PC Quảng Nam tiến hành cải tạo, nâng cấp lưới điện.
Đã có rất nhiều công trình điện nông thôn được xây dựng gần như chỉ dựa vào cái “tình”, tức là dựa vào sự đóng góp, thông cảm, cống hiến của người dân về đất đai, cây cối… |
Người dân vào cuộc
Tuy nhiên, cái tình, cái lý trong giải quyết vấn đề này ở Quảng Nam được vận dụng khá tốt, vì thế rất nhiều vụ việc ban đầu tuy khó khăn nhưng dần dần cũng đã được các điện lực khu vực giải quyết ổn thỏa, không chỉ dựa trên “lý” mà chủ yếu dựa vào “tình” thông qua làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và thông cảm. Do ý thức được việc bảo vệ lưới điện là bảo vệ lợi ích của cộng đồng, người dân đã vào cuộc tích cực. Nhiều người thông cảm, sẵn sàng tạo điều kiện cho công nhân điện làm nhiệm vụ.
Các tác giả đạt giải trong cuộc thi chủ yếu là công nhân tổ lưới ở các điện lực - những người đã từng gắn bó với người dân và đã có những bài học xương máu trong việc chặt cây, tỉa cành để giữ vững an toàn cho lưới điện. Tác giả Nguyễn Đức Ngộ, Tổ trưởng Tổ hỗn hợp Tây Giang (Điện lực Đông Giang) chia sẻ, quan trọng nhất là phải sâu sát với dân, công nhân muốn chặt cây thì phải đến từng hộ gia đình vận động, tuyệt đối không tự tiện chặt cây, tỉa cành khi không được phép của chủ cây. Mặt khác phải cùng với chính quyền xã tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác giải quyết cây cối trong hành lang tuyến. Các giải pháp khác cũng tương tự cách giải quyết của tác giả Nguyễn Đức Ngộ. Đó là dựa vào chính quyền và sự thông cảm của người dân trong việc giải quyết cây cối trong và sát HLATLĐ. Vấn đề còn lại là sự khôn khéo, linh động và nhiệt tình, sâu sát của người công nhân điện khi thi hành nhiệm vụ. Đó cũng chính là việc vận dụng những điều khoản trong Quy chế phối hợp chia sẻ trách nhiệm đã được ký kết giữa lãnh đạo PC Quảng Nam và UBND các huyện, thành phố; giữa lãnh đạo các điện lực và UBND các xã, phường vào thực tế công việc. Đó là việc kiên trì vận động, thuyết phục; giải quyết có lý, có tình nên các hộ dân đồng tình và tham gia giải quyết cây cối trong hành lang tuyến. Tuy nhiên, về lâu dài, để giải quyết rốt ráo vấn đề này, Nhà nước cần có những điều khoản quy định cụ thể để có căn cứ pháp lý.
Thiên Lương