Chống lãng phí: Yêu cầu cấp bách để phát triển kinh tế Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển |
Kết luận 76-KL/TW của Bộ chính trị và Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đã xác định công nghiệp khí là 1 trong 5 lĩnh vực cốt lõi với một số giải pháp trọng tâm như: Ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguốn khí trong nước, sớm triển khai các dự án nhiệt điện LNG đã được phê duyệt; có kế hoạch nhập khẩu khí (trọng tâm là LNG) phù hợp, hiệu quả, chú trọng hợp đồng dài hạn.
Trong Quy hoạch điện VIII cũng đã yêu cầu đến năm 2030 sẽ xây mới 15 nhà máy điện khí LNG có tổng công suất 22.400MW, đến năm 2035 có thêm 2 nhà máy với công suất 3.000MW.
Ông Huỳnh Quang Hải - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty khí Việt Nam - phát biểu tại Diễn đàn “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển” |
Để đảm bảo nguồn cung LNG cho sản xuất điện theo Sơ đồ điện VIII, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 14,5 triệu tấn LNG/năm cho đến năm 2030 và khoảng 16,4 triệu tấn LNG/năm vào năm 2035.
Luật Điện lực số 61 được ban hành ngày 30/11/2024, trong đó cũng nêu rõ “Ưu tiên phát triển các dự án điện lực gắn với việc sử dụng chung hạ tầng kho cảng nhập khí thiên nhiên hóa lỏng để giảm giá thành sản xuất điện".
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 sẽ xây mới 15 nhà máy điện khí LNG có tổng công suất 22.400MW, đến năm 2035 có thêm 2 nhà máy với công suất 3.000 MW. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá, các dự án điện khí LNG có thể đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 là 3 dự án gồn: Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4, Hiệp Phước.
Mô hình kho LNG trung tâm là một trong những giải pháp tối ưu hóa hạ tầng kho chứa, cảng biển; chống lãng phí đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng quốc gia |
Chia sẻ tại Diễn đàn “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển”, ông Huỳnh Quang Hải - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty khí Việt Nam - cho biết: Hiện nay, trong quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII, các nhà đầu tư nhà máy điện khí LNG đang đầu tư theo hướng đầu tư kho cảng nhập LNG riêng lẻ, phân tán theo cấu hình: "1 trung tâm điện lực (nhà máy điện) + 1 kho cảng nhập LNG và tái hóa khí (hoặc FSRU)” có bao nhiêu trung tâm điện lực (nhà máy điện) thì sẽ xuất hiện bấy nhiêu kho cảng nhập LNG và tái hóa khí xuất hiện phủ kín dọc theo suốt chiều dài bờ biển Việt Nam không tận dụng được hạ tầng cơ sở hiện hữu để tối ưu chi phí đầu tư và giảm giá thành điện.
Việc xây dựng các kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub) nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng công trình khí hiện hữu, tối ưu chi phí đầu tư phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG và chi phí vận hành hệ thống, giảm giá thành phát điện, sử dụng hiệu quả tài nguyên mặt đất, mặt biển. Bên cạnh đó, việc đầu tư LNG Hub và hệ thống cấp khí cho các nhà máy điện sẽ làm tăng kết nối vùng, đảm bảo tính linh hoạt trong việc mua LNG, đồng thời phát triển công nghiệp sử dụng khí tại các địa phương có tuyến ống đi qua.
Đánh giá ưu điểm xây dựng các kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub), ông Huỳnh Quang Hải phân tích: Về mặt kỹ thuật, quy hoạch, việc đầu tư kho cảng LNG Hub sẽ tối ưu hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng do tiết kiệm không gian, giảm diện tích mặt đất, mặt nước trong quá trình đầu tư, tránh lãng phí tài nguyên cảng biển quốc gia, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng cảng biển; giảm thiểu chi phí cần thiết để duy trì hoạt động của các trang thiết bị, công trình của dự án trong thời gian vận hành kéo dài nhiều năm. Các cơ sở hạ tầng kho LNG Hub không chỉ sử dụng cho việc cung cấp khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện và khu công nghiệp lân cận mà còn có thể sử dụng cho mục đích phát triển khác nhằm khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển.
Đặc biệt, với các kho cảng LNG trung tâm công suất lớn sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng dự trữ cung ứng LNG, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm tác động tiêu cực khi thị trường LNG thế giới có biến động.
Bên cạnh đó, việc phát triển đường ống dẫn khí từ kho LNG trung tâm đến nhà máy điện khí LNG không những chỉ để cung cấp khí cho các nhà máy điện mà còn có thể phát triển, cung cấp nguồn khí nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường cho khu công nghiệp dọc theo đường ống.
Về mặt kinh tế, việc phát triển mô hình kho cảng LNG trung tâm công suất lớn sẽ cho hiệu quả hơn so với mô hình kho LNG riêng lẻ, phân tán, công suất nhỏ; tạo thuận lợi trong việc mua các hợp đồng cung cấp LNG dài hạn (hợp đồng term) với khối lượng ổn định, giá cả cạnh tranh.
Phương án Tổng công ty khí Việt Nam đưa ra là xây dựng 4 kho LNG Hub, theo dự kiến đầu tư 4 kho LNG Hub chi phí khoảng 8,4 tỷ USD; trong khi nếu đầu tư 15 kho LNG lên tới 11,2 tỷ USD.
Xét về mặt vận hành, điều độ khí: Khi xây dựng kho LNG riêng lẻ cho các nhà máy điện, trong trường hợp nhà máy điện bị sự cố không thể vận hành thì kho LNG sẽ không thể vận hành hệ thống tái hóa, dẫn đến việc lượng BOG (khí LNG bốc hơi tự nhiên kể cả trong trường hợp kho LNG không vận hành hệ thống tái hóa) sẽ bị đốt bỏ, gây lãng phí về mặt kinh tế ở mức khoảng 100 tấn/ngày, tương đương khoảng 70.000 USD/ngày và con số này sẽ lớn hơn tùy thuộc vào công suất của kho LNG.
Mặt khác, khi xây dựng một kho LNG trung tâm cung cấp khí LNG tái hóa cho nhiều nhà máy điện, trong trường hợp một nhà máy điện gặp sự cố thì các nhà máy điện còn lại có thể phối hợp vận hành linh hoạt để không lãng phí lượng BOG này…
Rõ ràng, việc đầu tư kho LNG Hub sẽ giảm thiểu chi phí cần thiết để duy trì hoạt động của các trang thiết bị, công trình dự án trong thời gian vận hành. Song để tối ưu chi phí đầu tư, tận dụng tối đa hệ thống đường ống dẫn khí, Tổng công ty khí Việt Nam kiến nghị: Xem xét cụ thể hóa một số cơ chế chính sách trong các nghị định/thông tư hướng dẫn thi hành Luật Điện lực.
Cụ thể: Cơ chế xây dựng các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên, khí thiên nhiên hóa lỏng theo chuỗi gắn với kho cảng khí hóa lỏng trung tâm, để tận dụng cơ sở hạ tầng hữu hiệu và đảm bảo hiệu quả của nhà nước; cũng như cơ chế bảo đảm các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng và khí thiên nhiên nhập khẩu được bên mua điện cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn, đảm bảo ràng buộc về nguồn nhiên liệu, hiệu quả dự án; cơ chế chuyển ngang giá và sản lượng khí làm nhiên liệu đầu vào, phản ánh đầy đủ chi phí đầu tư và sản xuất cho các dự án điện khí.