Chuyên gia nêu biện pháp giảm phát thải khí nhà kính ngành Công Thương Giảm phát thải khí nhà kính: Doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng? Hướng tới công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính |
Triển khai các chủ trương phát triển kinh tế xanh, bền vững cũng như thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Bộ Công Thương đã ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đối khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với nhiều mục tiêu cụ thể.
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Mạnh Thắng, Phó Trưởng Phòng dự án, Ban Năng lượng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group) xung quanh vấn đề giảm phát thải.
- Thưa ông, là đơn vị góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược nêu trên, ông đánh giá như thế nào về tính khả thi trong quá trình thực hiện?
Ông Vũ Mạnh Thắng: Để nói về tính khả thi của chiến lược trên tôi cho rằng phụ thuộc vào sự cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp và vào nguồn lực tài chính doanh nghiệp cũng như khả năng áp dụng những công nghệ mới.
Ông Vũ Mạnh Thắng, Phó Trưởng Phòng dự án, Ban Năng lượng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam. Ảnh: Quốc Chuyển |
Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận về những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải. Chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong thích ứng với những cơ chế mới. Chúng tôi rất mong có sự hỗ trợ chính sách từ Chính phủ để thúc đẩy tính khả thi trong giảm phát thải.
Tập đoàn Trường Thành ở Việt Nam đang đứng thứ 3 về năng lượng xanh. Ngoài những nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió trước đó, chúng tôi cũng đang phát triển thêm hai nhà máy điện gió lớn ở Trà Vinh. Đồng thời, nghiên cứu và phát triển xây dựng nhà máy sản xuất hydrogen ở Việt Nam cùng với hai đối tác ở Đức.
- Dưới góc độ doanh nghiệp chuyên đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông đánh giá nhận xét như thế nào về các quy định hiện nay về thị trường carbon tại Việt Nam?
Ông Vũ Mạnh Thắng: Chúng tôi đánh giá trên tính minh bạch và rõ ràng. Các quy định hiện hành về giảm phát thải carbon đã từng bước được ban hành rất rõ ràng và minh bạch thông qua những nghị định cũng như thông tư hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, Chính phủ đang có những chương trình khuyến khích đầu tư vào giảm phát thải carbon và những dự án phát triển năng lượng xanh để tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thể tham gia.
Hiện Chính phủ cũng ban hành những hướng dẫn, quy định giúp cho doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ mới. Để làm việc này phải có người giám sát, ở đây là Chính phủ đã ban hành những quy định, quy chế để giám sát những doanh nghiệp có tuân thủ theo lộ trình đặt ra hay không và khả năng thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp với những nghị định mới.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần đảm bảo các quy định pháp luật liên quan đến thị trường phát thải carbon được xây dựng một cách minh bạch, nhất quán và dễ hiểu, tránh tình trạng chồng chéo hoặc mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật; cần xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, quỹ môi trường; khuyến khích đầu tư từ các tổ chức quốc tế. Áp dụng các chính sách miễn giảm thuế, ưu đãi tài chính cho các doanh nghiệp tham gia tích cực vào việc giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng tái tạo.
Về phía doanh nghiệp, cần phối hợp với các cơ quan chức năng để đóng góp ý kiến, kiến nghị việc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến thị trường carbon. Điều này giúp doanh nghiệp hiểu rõ các quy định, trách nhiệm và quyền lợi.
Theo dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc. Ảnh: Pixabay |
Đồng thời cần chủ động tìm kiếm và hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, quỹ khí hậu và các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực giảm phát thải. Tận dụng các chương trình hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ khí hậu xanh (GCF), để tiếp cận nguồn vốn và công nghệ tiên tiến.
- Cũng liên quan đến giảm phát thải và tín chỉ carbon, ông thấy vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là gì?
Ông Vũ Mạnh Thắng: Việc tuân thủ những quy định của Chính phủ đối với doanh nghiệp chúng tôi là 100%. Tuy nhiên, khi hoạt động các doanh nghiệp năng lượng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và vướng mắc trên nhiều khía cạnh. Thứ nhất, hiện các thủ tục hành chính còn gây khó cho doanh nghiệp. Cụ thể, vấn đề đăng ký hạn ngạch phát thải, báo cáo lượng phát thải và tham gia vào thị trường carbon còn đòi hỏi nhiều thủ tục và giấy tờ. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan còn chưa đồng bộ khiến cho doanh nghiệp phải liên hệ với nhiều cơ quan khác nhau, gây ra sự chậm trễ và khó khăn trong quá trình hoàn thiện thủ tục.
Thứ hai, khó khăn về chi phí đầu tư cao, với những doanh nghiệp làm dự án mới như chúng tôi việc đầu tư vào công nghệ xanh và năng lượng tái tạo thường có chi phí đầu tư ban đầu rất cao. Điều đó cũng dẫn đến những khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện. Bên cạnh đó, dù có một số chương trình hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và tổ chức quốc tế, nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn này không dễ dàng do thủ tục phức tạp và yêu cầu cao.
Thứ ba, thiếu thông tin hỗ trợ về những cơ chế, nghị định, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Việc thiếu thông tin về giá cả, quy trình giao dịch, hạn chế trong việc tìm kiếm đối tác và khách hàng quốc tế rủi ro về thị trường và kinh doanh, biến động giá carbon ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh... Tất cả những vấn đề này cũng là khó khăn mà doanh nghiệp năng lượng đang gặp phải, gây khó khăn trong việc tham gia vào thị trường phát thải carbon
Thứ tư, thiếu năng lực kỹ thuật. Nhiều doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn và phát thải nhiều khí nhà kính. Ngoài ra, thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn là một trong những thách thức của doanh nghiệp năng lượng, như thiếu chuyên gia về thị trường carbon và quản lý phát thải. Điều này làm giảm khả năng của doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược và thực hiện các biện pháp giảm phát thải.
Xin cảm ơn ông!
Theo ông Vũ Mạnh Thắng, doanh nghiệp cần đánh giá và nâng cấp các thiết bị, dây chuyền sản xuất để tăng hiệu quả năng lượng, giảm tiêu hao nguyên liệu và phát thải. Tiếp cận và áp dụng các công nghệ mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối, công nghệ lưu trữ năng lượng, giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 50001 về quản lý năng lượng, giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong doanh nghiệp. Triển khai hệ thống giám sát liên tục phát thải khí nhà kính, giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh và cải thiện hiệu suất môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thường xuyên đánh giá rủi ro liên quan đến biến động giá carbon, thay đổi chính sách và thị trường, từ đó xây dựng các biện pháp phòng ngừa. Phát triển chiến lược kinh doanh dài hạn, linh hoạt, có tính đến các kịch bản khác nhau của thị trường phát thải carbon. Đảm bảo chất lượng và tính bền vững của sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Áp dụng các biện pháp tối ưu hóa chi phí sản xuất và vận hành, nâng cao hiệu quả kinh doanh. |