Bình Thuận đưa hàng Việt về vùng núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bình Thuận: Thu hồi 11 giấy phép xe tập lái cải tạo trái phép |
Theo ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 28/11/2013 của Bộ Chính trị, trong đó, xác định với những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Bình Thuận là trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia. Tỉnh Bình Thuận đã đề ra các giải pháp và tập trung tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ để khai thác tốt tiềm năng năng lượng, đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tại địa phương.
Tiềm năng năng lượng tái tạo hàng đầu
Đến nay, ngành công nghiệp điện, năng lượng của tỉnh Bình Thuận đã có bước tiến vượt bậc. Là một trong những tỉnh có công suất nguồn điện lớn nhất cả nước, Bình Thuận hiện có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.523,21 MW (năm 2023, tổng sản lượng phát điện của 47 nhà máy điện cho hệ thống gần 26 tỷ kWh), chiếm 8,09% tổng công suất nguồn điện quốc gia (khoảng 80.550 MW). Đồng thời, cùng với hệ thống lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối tỉnh Bình Thuận được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đồng bộ, đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Thuận và góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, an ninh năng lượng quốc gia.
Bình Thuận có số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, tốc độ gió, bức xạ mặt trời cao và ổn định. - Ảnh minh hoạ |
Ông Đoàn Anh Dũng cho hay, Bình Thuận thuộc tiểu vùng Nam Trung Bộ và giáp biển, đường bờ biển dài 192 km, diện tích vùng biển khoảng hơn 20.200 km2.
Bình Thuận cũng là địa phương có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời thuộc nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước, số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, tốc độ gió, bức xạ mặt trời cao và ổn định. Cụ thể, về năng lượng gió: Tốc độ gió trung bình trên bờ tại Bình Thuận là 6,8 m/s, số giờ gió trung bình để sản xuất điện khoảng 3.800 giờ/năm; tốc độ gió trung bình trên vùng biển Bình Thuận khoảng 8 – 14 m/s, số giờ gió trung bình để sản xuất điện khoảng 5.000 – 6.000 giờ/năm.
Về năng lượng mặt trời: Số giờ nắng trung bình tại Bình Thuận là 2.728 giờ/năm (trung bình từ 2.000-2.500 giờ); tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm là 1.961 kWh/m2, trung bình hàng ngày là 5,37 kWh/m2.). Những thông số trên rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Nhận thức và xác định tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo, nhằm tiếp tục thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị, Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thực thi cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) trong việc thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIII) đã ban hành Kế hoạch số 216-KH/TU ngày 12 tháng 8 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 4811/KH-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2021 triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đề ra các nhiệm vụ cụ thể
Hiện tại, tỉnh Bình Thuận đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để phát triển trở thành trung tâm về năng lượng tái tạo và năng lượng sạch của tiểu vùng Nam Trung Bộ và cả nước. Trong đó, tập trung vào 3 nội dung chính.
Thứ nhất, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của tỉnh sẽ đóng góp tích cực đảm bảo cung cấp điện cho Bình Thuận và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việc phát triển phải gắn liền với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hài hòa với sự phát triển các ngành kinh tế khác của tỉnh; đồng thời, phải đảm bảo tốt các điều kiện về kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là việc đấu nối lưới điện, truyền tải công suất điện đến các vùng phụ tải trong cả nước, bảo đảm môi trường sinh thái, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Thứ hai, ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi để nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng về năng lượng gió trên vùng biển Bình Thuận; đồng thời hướng đến sản xuất hydrogen xanh/amoniac xanh phục vụ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp năng lượng, ngành dịch vụ logistics trong tương lai,...; tạo ra cơ hội việc làm cho người lao động tại địa phương.
Thứ ba, tỉnh Bình Thuận có 02 dự án điện khí LNG với tổng công suất 4.500 MW, gồm: Sơn Mỹ I – 2.250 MW; Sơn Mỹ II – 2.250 MW (thuộc Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII (02 dự án này trước đây có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Đây là các dự án trọng điểm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đưa vào danh mục các dự án chỉ đạo hàng tháng và sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.
Hiện tỉnh Bình Thuận đã và đang tập trung chỉ đạo, tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền quy định để sớm đưa các dự án đi vào hoạt động.
Tích cực cho nhiệm vụ phát triển
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nêu giải pháp, để triển khai tốt các dự án năng lượng tái tạo, góp phần thực thi cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) trong việc thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, góp phần triển khai thực hiện đúng chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tỉnh Bình Thuận đã có các văn bản kiến nghị bộ, ngành Trung ương, Chính phủ.
Theo đó, Bình Thuận đã có văn bản đề nghị xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII/hoặc trong kỳ điều chỉnh Quy hoạch điện VIII các dự án, công trình nguồn, lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ưu tiên phê duyệt danh mục phát triển các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Đoàn Anh Dũng thông tin thêm, Bình Thuận đã có văn bản đề nghị cho chủ trương thực hiện thí điểm dự án điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trên cơ sở đó, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện khung thể chế chính sách quốc gia nhằm đẩy mạnh việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trên vùng biển quốc gia.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đã tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2023. Quy hoạch tỉnh Bình Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở, tiền đề, động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; là một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tập trung phát triển ngành công nghiệp năng lượng (trong đó trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi; giảm dần tỷ trọng các ngành năng lượng truyền thống; không chấp thuận đầu tư các dự án điện than mới;...).
Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh. Song song đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, kêu gọi đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp năng lượng (như sản xuất turbin, cánh quạt,...) theo hướng tăng dần tỷ trọng nội địa hóa trang thiết bị kỹ thuật, giảm sự phụ thuộc việc nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài; giúp giảm đáng kể chi phí đầu vào, hướng tới một ngành công nghiệp tự chủ, bền vững trong tương lai.