Hội chợ Xuân Hòa Bình năm 2024: Đa dạng sản phẩm, hàng hoá chất lượng Hòa Bình tận dụng có hiệu quả ưu đãi EVFTA mang lại Hòa Bình: Sức sống mới ở Hang Kia, Pà Cò |
Mong đợi thưởng Tết
Vậy là năm 2023 sắp sửa khép lại, điều mà người lao động quan tâm, mong đợi nhất thời điểm này chính là tiền thưởng Tết 2024 và tháng lương thứ 13. Nhất là công nhân ở các tỉnh miền núi như Hòa Bình, họ chấp nhận rời quê hương, xa gia đình, con cái đến các điểm trung tâm thành phố kiếm việc làm, mưu sinh.
Thưởng Tết là nguồn động viên tinh thần, động lực cho công nhân cống hiến, gắn bó với công ty |
Trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tiếp tục duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo thu nhập cho người lao động, song cũng nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế, dẫn đến thiếu đơn hàng, bù lỗ, cắt giảm lao động. Cận kề Tết Nguyên đán luôn là thời điểm người lao động mong chờ được thưởng Tết.
Nhiều công nhân ở tỉnh Hòa Bình mong đợi từng ngày được thưởng Tết |
Anh Nguyễn Văn Đạt (30 tuổi), công nhân Công ty Gas Dân Chủ (phường Dân Chủ, TP. Hòa Bình) tâm sự: “Hoạt động sản xuất của công ty năm nay khá khó khăn, đơn hàng ít, chúng tôi cũng thấu hiểu và chia sẻ với công ty, hiện lãnh đạo công ty vẫn đang nỗ lực để có thêm đơn hàng trong tháng cuối năm và gối nguồn cho các tháng đầu năm 2024, đến nay vẫn chưa có công nhân nào phải nghỉ việc”.
Theo anh Đạt, dù biết trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện tại, để có việc làm, có thu nhập đã là cả một sự may mắn, nhưng bản thân anh cũng như các công nhân khác trong công ty vẫn mong có khoản thưởng Tết kha khá để có động lực cống hiến, gắn bó với công ty. Hơn nữa, là có thể trang trải sinh hoạt, đảm bảo chi tiêu dịp Tết Nguyên đán cho gia đình.
Tương tự, ông Bạch Thế Đạt, công nhân Công ty Cổ phần COASIA SM VINA, thuộc Khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Tuy kinh tế năm nay khá khó khăn, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty không bị ảnh hưởng quá nhiều, công nhân vẫn có việc làm, đảm bảo thu nhập đều đặn. Theo thông tin anh em công nhân chúng tôi nắm được thì có thể tiền thưởng của năm nay vẫn sẽ bằng năm ngoái, tương đương 1 tháng lương cơ bản, mong là điều này sẽ thành sự thật”.
Công đoàn Công ty TNHH GGS Việt Nam dù khó khăn vẫn đề xuất mức thưởng Tết để đảm bảo quyền lợi cho công nhân |
Đảm bảo thưởng Tết cho công nhân
Chị Vũ Huyền Sâm - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH GGS Việt Nam (Khu công nghiệp bờ trái Sông Đà, TP. Hòa Bình) thông tin, những tháng cuối năm 2024, đơn hàng tại công ty có phần giảm, nhưng Công đoàn vẫn đề xuất mức thưởng Tết để đảm bảo quyền lợi cho công nhân. Cụ thể, dự kiến số tiền thưởng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng là hơn 4,1 triệu đồng.
Ngoài ra, còn có các mức thưởng khác như thưởng thâm niên, thưởng chuyên cần sẽ dao động từ 1 - 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, phía công ty cũng đã chuẩn bị 30 vé xe Tết và 50 phần quà cho công nhân ở xa, nhất là những công nhân ở các xóm, bản vùng cao, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Cố gắng làm việc suốt một năm trời, điều công nhân chờ đợi nhất chính là khoản tiền thưởng Tết |
Theo ông Tống Đức Chiến - Trưởng ban Chính sách pháp luật – Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có thông tin về mức thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên chức. Tuy nhiên, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở nắm bắt tình hình tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội… và các chế độ chính sách liên quan đến đoàn viên, công nhân viên chức.
Đồng thời, rà soát, tổng hợp số lượng công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, để làm cơ sở xây dựng kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán năm 2024. Đặc biệt, chỉ đạo công đoàn cơ sở tham mưu, đề xuất với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và người sử dụng lao động thực hiện trả lương cho người lao động theo quy định, không để nợ lương, chậm lương của người lao động.
Vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trên cả nước thực hiện chính sách tiền lương và thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, Bộ giao lãnh đạo các Sở chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động. |