Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024 Bộ Nội vụ Campuchia mong Việt Nam tăng cường hỗ trợ ngành cơ yếu Bộ Nội vụ thông tin về việc bổ sung biên chế giáo viên |
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn với ông Vũ Đăng Minh - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ - về những công việc chi tiết khi sáp nhập các bộ, ban, ngành, cùng với những điểm vượt trội khi thực hiện tinh giản biên chế trong quá trình tinh gọn bộ máy.
Ông Vũ Đăng Minh - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ. Ảnh: Lê An |
- Ông đánh giá như thế nào về tinh thần làm việc của Bộ Nội vụ trong thời gian qua khi thực hiện phương hướng hợp nhất giữa các bộ, ban, ngành?
Ông Vũ Đăng Minh: Trước hết, để triển khai khối lượng công việc nặng nề, phức tạp, đầy thách thức nhưng rất quan trọng và cấp bách của Đảng, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cùng với các đồng chí Thứ trưởng và đơn vị chức năng đã tập trung làm việc xuyên đêm, không kể ngày thứ Bảy, Chủ nhật với tinh thần không quản ngại khó khăn và hết sức khẩn trương để hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Trong thời gian mới hơn một tháng, Bộ Nội vụ đã tham gia nhanh, gọn, hiệu quả vào việc thực hiện nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Bộ và ngành nội vụ đã thực hiện chức năng “kép”, bộn bề với công việc sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành đồng thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành Trung ương, kịp thời hướng dẫn các địa phương trong việc triển sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước... Điều đó thể hiện trách nhiệm, tính chủ động, tích cực, sâu sát và tiên phong trong công tác tham mưu của Bộ Nội vụ.
- Quá trình thực hiện sáp nhập giữa Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang được triển khai ra sao, thưa ông?
Ông Vũ Đăng Minh: Ngay khi có kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện việc hợp nhất một số đơn vị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ. Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch, quy chế làm việc và phân công rất cụ thể, rõ trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo để triển khai nội dung công việc.
Trong thời gian qua, chúng tôi liên tục tổ chức buổi làm việc giữa các đơn vị chức năng tham mưu về tổ chức cán bộ, kế hoạch - tài chính và văn phòng của hai Bộ để rà soát, thống kê tổ chức, nhân sự, tài sản, tài chính, cơ sở vật chất, điều kiện và phương tiện làm việc làm cơ sở để tham mưu cho Ban Chỉ đạo xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy theo Kế hoạch đề ra bảo đảm dân chủ, khách quan, đồng thuận và thống nhất cao.
Bên cạnh đó, cần thống kê tài sản, địa điểm để xây dựng ngay phương án. Vụ Kế hoạch - Tài chính của hai bộ phải cùng tính toán phương án để giải quyết những nhiệm vụ gì đang dở dang, những nhiệm vụ gì sẽ phải chuyển sang giai đoạn năm 2025 sau khi hợp nhất, sáp nhập theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Các vấn đề được quan tâm còn là những dự án đầu tư công trung hạn để nối tiếp, kế thừa, bảo đảm việc sử dụng hiệu quả nguồn lực, đặc biệt là các sản phẩm đã được đầu tư. Có những nội dung đã được nghiên cứu xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi, song thời điểm này, chúng tôi cũng rà soát, tính toán, xem xét, cân nhắc thứ tự ưu tiên thực hiện khi hợp nhất để triển khai, đảm đảm hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.
Công tác chuẩn bị đã có kịch bản chi tiết, cụ thể để khi có quyết định của cấp có thẩm quyền tổ chức thực hiện được ngay, tránh việc khoảng trống, bỏ sót nhiệm vụ chuyên môn khi thực hiện sắp xếp bởi các lĩnh vực chuyên môn của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, nếu chỉ sơ suất, để chậm trễ một vài ngày, sẽ tạo dư luận không tốt trong xã hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp cận kề. Vì vậy, cơ quan, đơn vị nào hiện nay chức năng, nhiệm vụ gì vẫn phải tập trung thực hiện tốt nhất có thể bảo đảm tính liên tục của nền hành chính.
Đấy là những việc mà mà Bộ Nội vụ tập trung chỉ đạo. Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thành tất cả công việc liên quan đến vấn đề phương án sắp xếp tổ chức của Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Vào giữa tháng 12, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề án sáp nhập giữa hai bộ và được đánh giá cao. Đây cũng có thể coi là form mẫu để các bộ khác tham khảo.
- Ông có thể cho biết những điểm vượt trội trong Nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi tinh gọn bộ máy?
Ông Vũ Đăng Minh: Bộ Nội vụ đã lên phương án tính toán ngay việc xây dựng cơ chế chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vượt trội, đủ mạnh để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy của Trung ương, các địa phương, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, người lao động khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Nội vụ có đã xây dựng dự thảo, cố gắng chậm nhất trong tháng 12 có thể ban hành nghị định để làm cơ sở để giải quyết nhiệm vụ sắp xếp. Đây là một nhiệm vụ rất lớn, phải tính toán nhiều chiều bởi liên quan đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Về tinh thần chung của dự thảo Nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, phụ cấp hỗ trợ đối với cán bộ có mong muốn nghỉ hưu sớm sẽ tỷ lệ thuận với thời gian công tác. Đồng thời, những đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo, cần bảo đảm phụ cấp cao hơn, không “cào bằng” với người không giữ chức vụ lãnh đạo.
Chúng ta cần chính sách đủ mạnh để giải quyết chế độ cho những người mà có nhu cầu nghỉ. Nhưng đồng thời cũng phải có cơ chế để giữ chân người tài, có năng lực phẩm chất, vượt trội để tránh vấn đề sau khi sắp xếp, tổ chức lại bộ máy thì thiếu lực lượng lao động đủ năng lưc để hoàn thành nhiệm vụ.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng những người có tài năng vào nền công vụ. Nhiệm vụ này sẽ bám sát tinh thần của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là giữa khu vực làm việc công lập và tư nhân không có nhiều cách biệt mới là giải pháp căn cơ để thu hút người tài.
Xin cảm ơn ông!
Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cuối tháng 11 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cuộc cách mạng về tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Đáng chú ý, cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy sẽ gắn liền đến vấn đề sáp nhập các các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, điều quan trọng nhất sau khi sắp xếp có chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là cần ổn định cuộc sống. Do vậy, Bộ Nội vụ đã khẩn trương làm ngày, làm đêm để xây dựng các chế độ, chính sách, trình cấp có thẩm quyền xem xét kịp thời. Hiện, Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo Nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nội dung này đã được báo cáo Ban Cán sự Đảng, Ban Chỉ đạo của Chính phủ để trình Bộ Chính trị. |