Công nghiệp chế biến, chế tạo: Vì sao hút vốn FDI?
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10.000 dự án đầu tư trong nước và 11.000 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký của các dự án FDI lên tới 230 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, vốn FDI đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tính riêng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thì vốn FDI đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm tới 70-80% tổng vốn FDI đăng ký.
Ảnh minh họa |
"Khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút nguồn vốn đầu tư các dự án lớn trong và ngoài nước, đồng thời là điểm đến của nhiều tập đoàn toàn cầu đang có mặt tại Việt Nam như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP…" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin.
Về lý do các khu công nghiệp, khu kinh tế hấp dẫn dòng vốn đầu tư, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh những yếu tố như sự ổn định chính trị, kinh tế phục hồi nhanh sau 2 năm chịu tác động của dịch bệnh, Việt Nam cũng là quốc gia tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do và có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt, Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết quan trọng này. Ngày 2/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 667/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, theo đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động vào cuộc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, thông thoáng, minh bạch. Đảm bảo môi trường đầu tư, pháp luật ổn định, thống nhất, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện.
Cùng với đó, để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó đã bổ sung các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới; bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp để giảm bớt thủ tục hành chính và bổ sung, sửa đổi một số quy định để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, khu công nghiệp, khu kinh tế hiện đang được đánh giá là "thỏi nam châm" hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. |