Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục "hút" vốn FDI
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu trong thu hút đầu tư
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, dòng vốn FDI chảy vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Trước đó, trong tháng 1/2024, lượng vốn FDI giải ngân tại Việt Nam đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo đã giải ngân 1,15 tỷ USD, chiếm 77,7%. Đây là tín hiệu hứa hẹn sự chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024, đồng thời là biểu hiện rõ rệt về niềm tin của nhà đầu tư đối với tương lai, mong muốn gia tăng sự hiện diện, làm ăn lâu dài ở Việt Nam.
Nhìn lại năm 2023, chỉ riêng công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút được trên 23,5 tỷ USD vốn FDI, chiếm 64,2% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam và tăng 39,3% so với kết quả năm 2022. Kết quả này đưa /chu-de/nganh-cong-nghiep-che-bien-che-tao.topic trở thành ngành thu hút vốn FDI lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đặc biệt, theo Cục Đầu tư nước ngoài, xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án, chiếm 33,7% và điều chỉnh vốn, chiếm 54,8%. Điều này càng chứng tỏ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Có thể thấy, Việt Nam vẫn là một môi trường kinh doanh thuận lợi, giàu tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài ra, làn sóng dịch chuyển, phân tán nguồn vốn của giới đầu tư trên phạm vi toàn cầu cũng là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều tập đoàn, công ty nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến nhằm đa dạng hóa địa bàn đầu tư để gia tăng cơ hội, né tránh rủi ro…
Hướng tới thu hút các dự án FDI có chất lượng
Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế. Thậm chí, trong một thời gian dài, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn trở thành ngành dẫn đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một trong những nguyên nhân lớn tạo nên sự thu hút dòng vốn FDI đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo là Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động đông đảo và chất lượng, kết hợp cùng chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường thông thoáng, an toàn…
Bộ Công Thương cũng đánh giá, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, là ngành quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của đất nước trong nhiều năm qua, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Bước vào năm 2024, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút thêm nhiều dự án FDI, trong đó có những dự án công nghiệp chất lượng cao thuộc lĩnh vực mũi nhọn. Đơn cử là Dự án xây dựng Nhà máy Goodway Việt Nam của Đài Loan (Trung Quốc) tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (tỉnh Thái Bình), sản xuất thiết bị kết nối, thiết bị ngoại vi của máy vi tính, với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD. Hay như tại Quảng Ninh, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh vừa trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án FDI với tổng mức đầu tư trên 330 triệu USD (Dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam; dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại Khu công nghiệp Sông Khoai).
Với việc tiếp tục thu hút đầu tư FDI và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, các ý kiến cho rằng Việt Nam cần khắt khe hơn trong lựa chọn dòng vốn FDI, tập trung thu hút các dự án FDI có chất lượng, có sức lan tỏa, hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là mục tiêu được Bộ Chính trị đưa ra tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, cụ thể: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...
Để nâng cao dự án FDI, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị cũng nêu ra một số giải pháp cụ thể, trong đó xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn như: Thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế; khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ.
Đồng thời xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư.