Công nghiệp Bắc Giang: Phục hồi nhanh hơn dự báo
Công nghiệp tăng 6,7%
Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Riêng trong tháng 5 và 6, Bắc Giang là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất cả nước do là tâm dịch, làm cho sản xuất công nghiệp bị ngưng trệ, nhiều lĩnh vực xã hội bị ảnh hưởng.
Bắc Giang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn |
Tuy nhiên, với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân, Bắc Giang vẫn đạt được kết quả tích cực: 13/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành và hoàn thành vượt mức; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,82% (cao hơn mức dự báo trước đó) đứng thứ 10 cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 299.830 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt 33.146 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ, đạt 102% kế hoạch năm...
Kết quả này là sự nỗ lực của toàn ngành, trong đó có vai trò quan trọng của Sở Công Thương. Ngay từ đầu năm 2021, Sở Công Thương đã tham mưu xây dựng kế hoạch và triển khai đến các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ cụ thể hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp; định hướng phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh; hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư phát triển sản phẩm mới, đầu tư đổi mới công nghiệp; chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu góp phần bình ổn giá cả hàng hóa thị trường trong tỉnh… Qua đó góp phần tạo niềm tin, động lực gúp nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Niềm tin với nhà đầu tư
Năm 2021, thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu, chuyển đổi số toàn diện… của tỉnh Bắc Giang đều đứng tốp 10 cả nước. Riêng về kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 28,6 tỷ USD, gấp 5 lần tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Một số nông sản chủ lực của Bắc Giang đã chinh phục và được bảo hộ thương hiệu ở nhiều nước, trong đó phải kể đến quả vải.
Về đầu tư, lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 484 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với số vốn đăng ký đạt hơn 6,8 tỷ USD. Những kết quả này đã phản ánh sự hợp tác tích cực của địa phương cùng các doanh nghiệp FDI vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh.
Quay lại Bắc Giang thời điểm tháng 5 và 6, đây là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất cả nước do dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, với quyết tâm của hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong tỉnh, với phương châm “Bắc Giang vì cả nước, cả nước vì Bắc Giang”, không để dịch lây lan ra cả nước, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân, tỉnh đã ra một quyết định chưa từng có tiền lệ là tạm dừng hoạt động của 4 khu công nghiệp với hơn 360 doanh nghiệp; hơn 160 nghìn lao động phải nghỉ việc, giữ hơn 60.000 lao động của các tỉnh ở lại Bắc Giang để kiểm soát, không cho dịch bệnh lây lan ra các tỉnh, thành phố khác.
Theo ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, với quyết định này, ban đầu, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI chưa đồng thuận với lãnh đạo tỉnh do nguy cơ bị chậm, phạt và hủy hợp đồng, đứt gãy chuỗi sản xuất, thiếu lao động khi hoạt động trở lại rất cao.
Tuy nhiên, ngay khi doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, phục hồi sản xuất an toàn, trong đó tập trung vào các giải pháp như: Triển khai mô hình sản xuất “ba tại chỗ”, “hai điểm đến, một cung đường”, thành lập các tổ an toàn Covid trong từng bộ phận sản xuất của doanh nghiệp; áp dụng công nghệ thông tin kiểm soát tiếp xúc để đánh giá nguy cơ lây nhiễm khi phát sinh F0 tại nơi sản xuất; phối hợp với doanh nghiệp và huy động tối đa các nguồn hỗ trợ cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, nhất là người bị nhiễm bệnh, phải cách ly tập trung, trong vùng cách ly, phong tỏa, xa quê, nuôi con nhỏ…; ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động, chuyên gia nước ngoài…
"Với nỗ lực tối đa, chỉ 8 ngày sau khi tạm dừng hoạt động của các KCN, ngày 25/5, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về tổ chức lại hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp trong các KCN: Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung với phương châm “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, ông Phan Thế Tuấn chia sẻ.
Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại với mức sử dụng lao động tương đương, thậm chí cao hơn thời điểm trước dịch (6 KCN với 385 doanh nghiệp hoạt động, sử dụng 191.972 lao động; tăng 23 doanh nghiệp, 41.000 lao động; 221 doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp với 48.100 lao động). Thu hút đầu tư FDI vào tỉnh năm 2021 tiếp tục duy trì trong tốp 10 của cả nước, với 20 dự án FDI thu hút mới, vốn đăng ký 637,5 triệu USD; 44 dự án FDI vốn đăng ký bổ sung 376 triệu USD (GRDP quý III tăng đạt 10,43%, quý IV tăng 14,1%) đã góp phần đưa GRDP cả năm tăng 7,82%.
Với những nỗ lực và thành quả về công tác phòng, chống dịch, thời gian tới, Bắc Giang tin tưởng tiếp tục là điểm đến an toàn, thành công của các doanh nghiệp .
Năm 2022, Sở Công Thương Bắc Giang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 366.300 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2021; xuất khẩu đạt khoảng 19,2 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm 2021; nhập khẩu đạt 18,5 tỷ USD, tăng 21,4% so với năm 2021. |