Cơ sở đào tạo Bộ Công Thương: Chủ động đổi mới
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Nhiều đổi thay tích cực
Năm học 2017-2018, tổng số các trường thuộc Bộ Công Thương có 48 trường, trong đó có 35 trường thuộc Bộ, 13 trường thuộc các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ. Tổng quy mô đào tạo của các trường là 203.839 học sinh, sinh viên, tăng 3,0%; có 317 ngành nghề đào tạo, trong đó có 66 ngành không tuyển được học sinh, sinh viên.; tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm chuyển biến tích cực, tỷ lệ tốt nghiệp có việc làm: sau đại học đạt 100%, đại học đạt 77%, cao đẳng đạt 65%, trung cấp 62%; số lượng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên là 13.342, trong đó giáo viên cơ hữu 7.981 người, giáo viên thỉnh giảng 619 người, tỷ lệ học sinh, sinh viên/giảng viên đạt 23,5.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích trong năm học 2017-2018 |
Ông Nguyễn Văn Thảo- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) cho biết, với những tác động căn bản của hệ thống pháp luật, nhận thức tích cực về hội nhập quốc tế, thực hiện tốt công tác truyền thông và nhận thức của người dân về giáo dục đại học và giáo dục nghề trong giai đoạn hiện nay. Năm học 2017-2018 của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc nói chung và cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương nói riêng đã đạt những thành tích so với những năm trước.
Trong đó, kết quả nổi bật chính là điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo được quan tâm; công tác đổi mới cơ chế quản lý giáo dục được đẩy mạnh theo hướng tự chủ, thúc đẩy kiểm định chất lượng. Đặc biệt, việc thực hiện tự chủ đã mang lại những đổi thay tích cực cho việc sử dụng nguồn lực minh bạch và hiệu quả hơn trong nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường đã không chỉ đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư, không phụ thuộc ngân sách Nhà nước mà còn có dấu hiệu tăng trưởng mọi mặt, cả về chỉ tiêu tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu ra, các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cường chất lượng đội ngũ giảng viên. Nguồn vốn ODA, vốn ưu đãi cũng đã góp phần cải thiện tích cực về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường.
Năm học 2017-2018 các cơ sở đào tạo của Bộ đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ |
Năm học 2017-2018 diễn ra trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, hơn nữa đây là mùa thứ 5 ngành giáo dục đào tạo trong đó có các cơ sở đào tạo Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị trung ương 6, khóa XII về đổi mới hệ thống, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá, năm học 2017-2018, hệ thống các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương đã có nhiều cố gắng và chủ động hơn trong việc áp dụng nhiều giải pháp đổi mới, đạt được một số kết quả khích lệ: Điều điện đảm bảo đào tạo đã được các trường chú trọng quan tâm hơn; công tác đổi mới quản lý giáo dục đã được đẩy mạnh theo hướng thực hiện tự chủ đổi mới quản trị đại học, kiểm định chất lượng đào tạo; công tác tuyển sinh năm học 2018-2019 đã có một số tín hiệu khả quan.
Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo đánh giá năm học 2017-2018 |
Đánh giá về 3 năm thí điểm tự chủ, Thứ trưởng cho biết, các cơ sở giáo dục đại học thí điểm tự chủ trên cả nước nói chung và Bộ Công Thương nói riêng đã chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; từng bước đổi mới cơ chế hoạt động ngày càng hiệu quả. Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá là thành công và được xã hội chấp nhận. “Hầu hết các trường đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm xã hội, chú trọng thực hiện cam kết đối với người học. Việc này góp phần đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong nước và nhu cầu dịch chuyển lao động trong khu vực”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng ghi nhận, cùng với cả nước, những năm qua quy mô dạy nghề các trường Bộ Công Thương tăng, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của cả nước. Cơ cấu nghề đào tạo đã được điều chỉnh theo nhu cầu thị trường lao động; theo cơ cấu ngành nghề trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề đã từng bước được cải thiện, đặc biệt là việc đầu tư cơ sở vật chất cho dạy nghề trọng điểm đã được quan tâm.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Lãnh đạo các trường tự đổi mới tư duy, hình thành tổ chức của mình có văn hóa, chất lượng, sáng tạo, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiến tới hợp tác thành công với đối tác trong và ngoài nước để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành Công Thương trong thời gian tới. |
Tạo bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng đào tạo
Dù có những kết quả tích cực, song theo ông Nguyễn Văn Thảo, hiện công tác đào tạo của các trường thuộc Bộ Công Thương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư hạn hẹp, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các trường giảm mạnh gây khó cho công tác đào tạo, cải thiện cơ sở vật chất; chất lượng đào tạo của nhiều trường chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đào tạo chưa gắn với việc làm sau khi ra trường; việc công bố chuẩn đầu ra của nhiều trường chỉ là hình thức, công tác quản lý còn biểu hiện yếu kém…
Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện của 48 cơ sở đào tạo thuộc Bộ đã tác động tích cực đến hơn 200 nghìn học sinh, sinh viên tuyển sinh hàng năm. Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0, thích ứng với nền kinh tế hội nhập và xu thế toàn cầu hóa, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, các cơ quan quản lý của Bộ Công Thương cũng như lãnh đạo các trường cần xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo, tăng số lượng tuyển sinh đối với từng trường trong năm học mới và các năm học tiếp theo.
Hiệp hội các Trường Kosen, Nhật Bản đã có những đóng góp ý kiến về định hướng hợp tác với các trường |
Trên cơ sở những thành tựu đạt được, Thứ trưởng yêu cầu các trường triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, gồm: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; chuẩn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp; tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp. Giáo dục nghề nghiệp đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề, tác phong công nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động, đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp để công tác dạy nghề có sự chuyển biến thực sự cả về lượng và chất.
Để thực hiện các nhiệm vụ đề ra, Thứ trường đề nghị, các trường cần tìm ra giải pháp thiết thực, hiệu quả, như: Kiểm định chất lượng giáo dục là yêu cầu bắt buộc; đào tạo gắn với việc làm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; rà soát đánh giá và bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên đảm bảo số lượng, trình độ; tinh gọn bộ máy; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; tăng cường hợp tác quốc tế; tích cực chủ động thực hiện cơ chế tự chủ, đẩy mạnh thành lập hội đồng trường…