Hiện nay, Bộ Công Thương đang quản lý 35 cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trên cả nước. Trong năm học vừa qua, các trường trực thuộc Bộ Công Thương đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực; tự chủ đi vào chiều sâu và thực chất, tăng cường nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương và đất nước. Phát triển khoa học và công nghệ (KHC&CN) là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bởi lẽ, đó là động lực cho phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy định hướng hình thành, phát triển những ngành kinh tế mới; cùng với đó, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất và cơ cấu ngành nghề, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu vào, làm gia tăng các yếu tố sản xuất kinh doanh. Nhờ có KH&CN, đổi mới sáng tạo, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế, thậm chí là năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời góp phần tạo ra việc làm mới, thúc đẩy phân công lao động xã hội. |
Ngành Công Thương là một ngành có chức năng quản lý nhà nước đa ngành về kinh tế, cả trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Vì thế, nếu muốn phát triển không còn cách nào khác là phải ứng dụng KH&CN và phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học (NCKH), thương mại hóa và chuyển giao kết quả nghiên cứu, những năm qua hầu hết các Trường Đại học thuộc ngành Công Thương đã rà soát, cập nhật các quy định mới nhằm khuyến khích NCKH, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, HSSV trong NCKH. Quy định mới đã xác định rõ các hình thức, hoạt động KHCN được ưu tiên, đặc biệt nhấn mạnh chất lượng tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học chuyên đề, các sản phẩm NCKH, các công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong, ngoài nước và tạp chí KHCN trong nước. Do đó, năm qua 9 Trường Đại học đã thực hiện nhiều hội thảo khoa học lớn về các nội dung chuyên môn và phương pháp giảng dạy, có sự tham gia của các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc Bộ là các cơ sở đào tạo theo định hướng ứng dụng, nhận thức được việc nghiên cứu khoa học là hoạt động thiết yếu song song với hoạt động giảng dạy nhằm nâng cáo chất lượng giáo dục. Nhiều trường đại học đã thành lập các nhóm nghiên cứu tiềm năng, nhóm nghiên cứu mạnh. |
Trước đó phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm học 2023 - 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 do Bộ Công Thương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 11/2024, ông Trần Quang Huy - Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) - thông tin, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đã triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời đã có nhiều giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài. |
Là một trong số các cơ sở giáo dục đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó điểm sáng là các khoa kỹ thuật và công nghệ cao, hằng năm, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) đều tổ chức phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học nhằm tạo cơ hội để sinh viên phát huy năng lực tư duy sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm và hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu. Nhà trường xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và hướng nghiệp cho sinh viên. |
Nói về công tác ứng dụng khoa học, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong nhà trường, TS Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng HaUI cho biết: Năm học vừa qua, HaUI đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trong đó Nhà trường thực hiện chiến lược chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đào tạo, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, quản lý và điều hành theo hướng tập trung nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ quá trình nhằm đổi mới, nâng cao công tác quản trị, giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Theo đó, từ năm 2011, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã xây dựng và ứng dụng đại học điện tử trong quản trị toàn diện, áp dụng trên 34 lĩnh vực với trên 600 hoạt động quản lý. Hệ thống đại học điện tử của Trường đã vinh dự nhận 3 giải thưởng lớn (Nhân tài Đất Việt năm 2012, Sao Khuê năm 2016 và Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2018); đáp ứng yêu cầu bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học theo Quyết định số 4740/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2022. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn coi trọng và tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên có thể phát huy tiềm năng, thỏa sức sáng tạo với đam mê và khát khao chinh phục những đỉnh cao mới trong học tập, nghiên cứu. HaUI luôn quan tâm dành nguồn lực để phát triển, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Kinh phí chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên năm học 2023 - 2024 là trên 5 tỷ đồng tăng hơn 1,5 lần so với năm học 2022 - 2023. Đại học Công nghiệp Hà Nội đang tiếp tục đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị và hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác nghiên cứu. |
Đặc biệt, năm học 2023 - 2024, có 562 đề tài bảo vệ thành công với 41 giải Nhất, 98 giải Nhì, 109 giải Ba và 314 giải Khuyến khích trong 11 lĩnh vực khác nhau, đánh dấu những nấc thang mới trong hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức của thầy và trò HaUI. Còn tại Trường Đại học Điện lực, nhận rõ vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học vào trong công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, năm 2024 Nhà trường đã tham gia Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) của Bộ Khoa học và Công nghệ. PGS.TS Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết: “Trường Đại học Điện lực luôn coi trọng việc phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, khuyến khích các bạn tham gia nghiên cứu từ những năm đầu tiên để tích lũy kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn”. |
“Những năm qua, Trường Đại học Điện lực đã có sự trưởng thành và phát triển vượt bậc trong nghiên cứu khoa học của người học bao gồm cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, số lượng nhiệm vụ đăng ký trong đợt 1 năm học 2023 - 2024 là 22 nhiệm vụ, đợt 2 là 44 nhiệm vụ và theo số liệu đăng ký đợt 1 năm học 2024 - 2025 con số này đã tăng lên đến 82 nhiệm vụ”- PGS.TS Đinh Văn Châu nhấn mạnh. Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho rằng: Sự phát triển nhanh chóng về số lượng các nhiệm vụ đã cho thấy sự quan tâm của sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy tinh thần học hỏi, sáng tạo và nghiên cứu của sinh viên đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Xác định nghiên cứu khoa học sẽ đóng vai trò then chốt trong nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng cho sinh viên một môi trường học tập chuyên nghiệp, gắn với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP.HCM khẳng định: Thời gian qua, nhà trường đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thúc đẩy sinh viên nghiên cứu khoa học, qua đó nhiều đề tài, công trình nghiên cứu của sinh viên đã đạt giải cao tại Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học; Giải thưởng Sinh viên NCKH – Euréka…nhiều đề tài của sinh viên có tính ứng dụng cao qua đó đã được chuyển giao cho doanh nghiệp để tiếp tục phát triển thành sản phẩm thương mại để đưa ra thị trường. |
Còn tại Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, để thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên, nhà trường có chủ trương dành 5% tổng nguồn thu cho hoạt động KHCN. Để góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, nhà trường tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về khoa học, công nghệ, công bố khoa học; thành lập các nhóm nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trong trường… |
Bên cạnh đó, nhà trường đã đa dạng hóa các hình thức nghiên cứu khoa học: đề tài, dự án, vườn ươm, câu lạc bộ; hỗ trợ công tác đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm nghiên cứu; hỗ trợ công tác chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và công nghệ… Kết quả là thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nhà trường tăng đều qua từng năm, từ 250 bài năm 2019 đến năm 2022 đạt 455 bài. Từ các kết quả trên có thể khẳng định, hoạt động nghiên cứu khoa học đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển lớn mạnh của các cơ sở đào tạo ngành Công Thương, qua đó các trường đóng vai trò vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, kinh tế số. |
Thu Hường Đồ họa: Hồng Thịnh |