Chủ nhật 29/12/2024 08:01

Cơ hội để Việt Nam trở thành nền kinh tế số thứ hai ASEAN

Năm 2023, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất ở ASEAN, đồng thời có tiềm năng trở thành nền kinh tế số có quy mô lớn thứ hai vào năm 2030.

Đó là những thông tin được đưa ra trong báo cáo nhận định về tiềm năng kinh tế số của khu vực Đông Nam Á và Việt Nam do Ngân hàng HSBC mới công bố.

Theo HSBC, hàng loạt các khoản đầu tư với quy mô không nhỏ cho lĩnh vực công nghệ số đã được rót vào ASEAN thời gian gần đây đã thu hút sự chú ý. Các chuyên gia nhận định, khu vực này đã trở nên “sành sỏi” về công nghệ hơn trong 2 thập kỷ qua, trong đó, Việt Nam có vị trí nổi bật.

Dẫn lại thông tin từ báo cáo về kinh tế điện tử của Đông Nam Á (e-Conomy SEA) HSBC cho biết, năm 2023, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất ở ASEAN và tiềm năng trở thành nền kinh tế số có quy mô lớn thứ nhì vào năm 2030.

“Với nền tảng quy mô tiêu dùng lớn và số lượng người sử dụng internet gia tăng, tiềm năng trong nền kinh tế số của Việt Nam là điều dễ hiểu” - HSBC lý giải.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia của HSBC, vẫn còn đó những thách thức như: Làm sao để nâng cao hiểu biết về số hóa, tăng cường giáo dục về công nghệ số và thúc đẩy hạ tầng năng lượng,… là những thách thức mà Việt Nam cần vượt qua nếu muốn hiện thực hoá mong muốn trên.

“Điều đáng khích lệ là Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam cho thấy khối tư nhân luôn tìm kiếm cơ hội và đóng vai trò tích cực hỗ trợ chuyển đổi số cho nền kinh tế” - Báo cáo chỉ rõ

Nửa đầu năm 2024 đang dần khép lại, Việt Nam vẫn duy trì tiến độ phục hồi với yếu tố dẫn đầu là các lĩnh vực bên ngoài. Mặc dù vậy, sự phục hồi không hoàn toàn diễn ra trên diện rộng, trong đó, lĩnh vực điện tử đang dẫn đầu.

Tại Đông Nam Á, HSBC nhận định, sự sôi động trong đầu tư liên quan đến công nghệ số đang diễn ra trong khu vực. Mới đây, Microsoft công bố nhiều khoản đầu tư tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Còn ở Việt Nam, Alibaba dự định xây một trung tâm dữ liệu nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng về công nghệ số.

“Với sự quan tâm lớn dành cho nền kinh tế số đang lên của Việt Nam, cùng dân số hơn 100 triệu người với tỷ lệ trong độ tuổi lao động gần 70%, chúng tôi nhìn thấy tiềm năng mạnh mẽ đối với tiêu dùng công nghệ số của Việt Nam” - chuyên gia HSBC nhận định.

Theo e-Conomy SEA, năm 2023, Việt Nam là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở ASEAN với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 20%. Thậm chí, nếu xét về tổng giá trị giao dịch (gross merchandise value - GMV), Việt Nam có tiềm năng để trở thành thị trường công nghệ số lớn thứ nhì khu vực vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia và kỳ vọng sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi hệ sinh thái thương mại điện tử đang phát triển, được hỗ trợ bởi tập khách tiêu dùng đang gia tăng.

“Không chỉ có thuận lợi về nhân khẩu học, sự gia tăng nhanh chóng số lượng người dùng internet của Việt Nam cũng giúp mở rộng thị trường công nghệ số. Hiện nay, Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng internet nhờ tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh đã tăng hơn gấp đôi so với cách đây một thập kỷ. Tuy nhiên, dù số lượng người dùng internet tăng trưởng đáng kể, mức độ ứng dụng công nghệ số trong một số lĩnh vực lại chậm lại phía sau. Theo dữ liệu năm 2021/2022 của World Bank, Việt Nam đi sau Singapore, Thái Lan và Malaysia về sử dụng các giải pháp thanh toán phi tiền mặt, mặc dù nỗ lực chuyển dịch sang thanh toán số đã tăng tốc từ đó tới nay” - HSBC nhận định.

Trong bối cảnh đó, HSBC cho rằng, bên cạnh tiêu dùng, chuyển đổi số có nhiều cơ hội để triển khai trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như thương mại vẫn còn là một ngành sử dụng giấy tờ tương đối nhiều. Điều đó có thể gây tăng chi phí và chậm trễ, tạo ra tắc nghẽn trong dòng chảy thương mại.

Bên cạnh đó, mặc dù Cổng thông tin một cửa quốc gia - một hệ thống trực tuyến phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về thương mại giữa doanh nghiệp và chính phủ, ngày càng được sử dụng nhiều hơn, dẫn đến nhiều cải thiện rõ rệt về hiệu quả thông quan nhưng vẫn còn một số tồn tại.

Cụ thể, việc sử dụng chữ ký điện tử vẫn còn hạn chế, đồng nghĩa với một số thủ tục vẫn cần giải quyết bằng giấy tờ. Hay các biện pháp ứng dụng số hóa khác trong thương mại cho thấy dư địa để chuyển dịch sang hành chính không giấy tờ.

Dù vậy, HSBC nhận định, một phần khó khăn bắt nguồn từ tỷ lệ người dân hiểu biết về công nghệ còn thấp, làm chậm quá trình phổ biến công cụ số và hạn chế việc sử dụng hiệu quả các công cụ này. “Xét về kỹ năng và nhân tài trong lĩnh vực số hóa, Việt Nam đang đi sau các nước khác, hạn chế cơ hội tận dụng lợi thế của số hóa. Tuy nhiên, điều đáng khích lệ là Chính phủ nhận thức rất rõ những thách thức này và đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ chuyển đổi số của nền kinh tế” - chuyên gia HSBC nhận xét.

Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam hướng tới xây dựng ba trụ cột gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, Chính phủ đã đề ra một số mục tiêu tham vọng trong những năm gần đây, bao gồm tới năm 2030, giải quyết trực tuyến toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính.

Chiến lược quốc gia của Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, tỷ lệ hiểu biết về số hóa còn tương đối thấp ở nhóm cư dân nông thôn và trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến cuối năm 2021, Việt Nam có hơn 27.000 hợp tác xã nông nghiệp nhưng mới chỉ khoảng 2.000 trong số đó ứng dụng “công nghệ cao” và công nghệ số trong sản xuất. Thêm nữa, nhóm này vẫn đặc biệt phụ thuộc nhiều vào các giải pháp tài chính truyền thống.

“Số hóa mang lại cả những cơ hội lẫn thách thức cho Việt Nam. Nhằm tận dụng điều kiện thuận lợi về nhân khẩu học và đạt được các tham vọng số hóa, các khoản đầu tư cần được hướng không chỉ vào các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI) mà còn vào các lĩnh vực nền tảng như giáo dục công nghệ số và hạ tầng truyền thống. Trên thực tế, quá trình này không chỉ đang diễn ra ở Việt Nam mà còn trên toàn khu vực ASEAN” - HSBC nhấn mạnh.

Theo một khảo sát mới đây của HSBC, hơn 40% doanh nghiệp hoạt động ở ASEAN tham gia khảo sát coi số hóa là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, chủ động đối thoại và hợp tác giữa khu vực công và tư có thể giúp thúc đẩy phát triển nhằm chuẩn bị cho một nền dân số hòa nhập với xu thế công nghệ số.

Thuỳ Linh
Bài viết cùng chủ đề: Kinh tế số

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo vaccine thú y

Giá trị miến dong Kiên Sơn tăng cao nhờ kinh doanh trên Sàn Việt

Thương mại điện tử thổi luồng sinh khí mới cho hợp tác xã

Rà soát cuối kỳ áp dụng chống bán phá giá đối với thép cán nguội

Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Công tác phát triển thị trường châu Á - châu Phi phải trọng tâm, trọng điểm

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024

Mật ong Cẩm Tú - Tinh hoa từ vườn nhãn lên sàn thương mại điện tử

Châu Á - châu Phi tiếp tục là thị trường chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu

Năm 2025, cần đưa ra mục tiêu, giải pháp trong cả hoạt động nhập khẩu

Xuất khẩu nông sản: Đừng để “vết ố” làm hỏng bức tranh sáng màu!

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng từ 10-12%

Khai mạc Chương trình Phố rượu vang, trà, cà phê và đặc sản Đà Lạt

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ áp dụng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với đường mía

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

EU khởi xướng điều tra tự vệ đối với một số hợp kim gốc mangan và silicon

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong xúc tiến thương mại và đầu tư tại Hoa Kỳ