Với quyết tâm đưa người dân lên môi trường số, từ tháng 6/2022, các huyện, thành phố trong tỉnh Thái Bình đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) cấp xã, thôn. Việc thành lập các tổ CNSCĐ đã tạo ra bước đột phá trong quá trình chuyển đổi số (CĐS), đưa công nghệ đến gần hơn với từng hộ gia đình, từng người dân. Qua đó, hình thành thói quen sử dụng công nghệ, tạo lập hành vi số trong đời sống hàng ngày của người dân.
Cách đây hơn 2 năm, bà Hồ Thị Thớm ở thôn Thuận An, xã Việt Thuận (huyện Vũ Thư) mỗi khi đi khám chữa bệnh thường phải mang theo rất nhiều giấy tờ như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế… Điều này vừa bất tiện, vừa tốn thời gian. Tuy nhiên, kể từ khi tổ CNSCĐ của thôn được thành lập, bà đã được hỗ trợ cài đặt và sử dụng phần mềm VssID - ứng dụng bảo hiểm xã hội số trên điện thoại thông minh.
Nhờ đó, các thông tin bảo hiểm y tế được tích hợp trong một ứng dụng duy nhất, giúp bà thực hiện các thủ tục khám, chữa bệnh thuận tiện hơn. Bà Thớm chia sẻ: “Ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn vì quen sử dụng giấy tờ. Nhưng nhờ các thành viên trong tổ CNSCĐ của thôn tận tình hướng dẫn cách cài đặt và sử dụng, dần dần tôi đã quen. Bây giờ, đi khám bệnh hay làm các thủ tục hành chính, tôi chỉ cần mang theo điện thoại, không còn phải vất vả mang nhiều giấy tờ như trước nữa”.
Tổ công nghệ số xã Tân Hoà (Hưng Hà) hỗ trợ người lao động kích hoạt tài khoản định danh điện tử trực tiếp tại các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Hương |
Tương tự, với ông Đỗ Trọng Tiến - Phó Bí thư Chi bộ thôn Đồng Phúc, xã An Lễ (huyện Quỳnh Phụ), từ khi sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”, việc điều hành các cuộc họp chi bộ và nắm bắt thông tin của ông trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Ông Tiến bộc bạch: “Ban đầu, tôi khá lo lắng vì tuổi cao nên tiếp cận công nghệ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của tổ CNSCĐ, đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên trong thôn, tôi đã thành thạo sử dụng phần mềm này. Nhờ đó, việc chuẩn bị tài liệu và điều hành các cuộc họp chi bộ diễn ra rất nhanh và thuận tiện”.
Tính đến nay, toàn tỉnh Thái Bình đã thành lập được 1.797 tổ CNSCĐ với gần 12.000 thành viên, phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn. Hoạt động của các tổ CNSCĐ đã có những chuyển biến rõ nét, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Ông Vũ Xuân Thành - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình - cho biết: “Tổ CNSCĐ đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền và người dân trong quá trình chuyển đổi số. Nhiệm vụ chính của tổ là tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng sử dụng nền tảng số, hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ và tương tác với chính quyền hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vai trò của tổ CNSCĐ vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, còn nhiều hạn chế cần được khắc phục”.
Hiện nay, trung bình mỗi xã, phường, thị trấn có khoảng 10 thành viên trong tổ CNSCĐ; mỗi thôn, tổ dân phố có từ 5 - 6 thành viên. Thành viên tổ CNSCĐ chủ yếu là lãnh đạo chủ chốt và đại diện các tổ chức, hội, đoàn thể ở địa phương. Sau hơn 2 năm hoạt động, các tổ CNSCĐ đã đóng góp đáng kể vào việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiệu quả hoạt động của các tổ CNSCĐ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.
Ông Phạm Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ - nhận xét: “Nhiều thành viên trong tổ CNSCĐ là người cao tuổi, ít tiếp cận với công nghệ hoặc không có thiết bị thông minh. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp thu và truyền đạt kiến thức chuyển đổi số. Ngoài ra, việc thành lập tổ CNSCĐ ở một số nơi còn mang tính hình thức, hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho hoạt động của tổ CNSCĐ, khiến các thành viên chủ yếu hoạt động trên tinh thần tự nguyện, từ đó ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả công việc”.
Thực tế cho thấy, để các tổ CNSCĐ phát huy tốt vai trò, cần có sự hỗ trợ về kỹ năng, kiến thức cũng như điều kiện hoạt động. Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức lớp truyền thông, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số và giảm nghèo thông tin.
Ông Vũ Xuân Thành - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - chia sẻ: Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các tổ CNSCĐ theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Nội dung tập huấn tập trung vào các vấn đề thiết thực như sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, tạo lập tài khoản thanh toán, mua sắm trực tuyến, bảo mật thông tin trên mạng và kỹ năng sử dụng một số dịch vụ công thiết yếu. Ngoài ra, Sở cũng triển khai thí điểm chương trình "Ngày chủ nhật số" để tuyên truyền, hướng dẫn người dân về lợi ích của chuyển đổi số. Chương trình này đã nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ phía người dân.
Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng các nền tảng số. Các tổ CNSCĐ sẽ được nâng cao năng lực, trình độ công nghệ thông tin thông qua các chương trình bồi dưỡng phù hợp. Đồng thời, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông sẽ được huy động để hỗ trợ nguồn lực, đào tạo kỹ năng số cho người dân. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ hoạt động cho tổ CNSCĐ cần sớm được triển khai để nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp tổ CNSCĐ thực sự trở thành cầu nối đưa công nghệ số vào đời sống người dân.
Với sự quan tâm của chính quyền tỉnh Thái Bình và sự vào cuộc đồng bộ của các tổ CNSCĐ, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng được đẩy mạnh, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và hình thành xã hội số hiện đại, tiện ích.