Thứ ba 31/12/2024 05:19

Cơ chế đấu thầu dự án điện mặt trời: Cần xem xét kỹ lưỡng

Đây là ý kiến của một số chuyên gia năng lượng, doanh nghiệp đầu tư điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam sau khi Chính phủ giao cho Bộ Công Thương nghiên cứu, thống nhất cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời, báo cáo thủ tướng Chính phủ để xem xét, ban hành làm cơ sở để thực hiện đối với các dự án còn lại và các dự án mới.
Dự án điện mặt trời của Tập đoàn Hà Đô tại Ninh Thuận

Vì sao điện mặt trời có bước đột phá?

Ông Chu Tuấn Anh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hà Đô – doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo cho biết, dù không phải là nguồn điện nền và chiếm tỷ trọng thấp so với tổng sản lượng điện sản xuất tại Việt Nam nhưng với tiềm năng dồi dào, Việt Nam vẫn cần đẩy mạnh phát triển, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, trong đó ưu tiên những vùng có tiềm năng tập trung, có hạ tầng đấu nối thuận lợi để bổ sung cho hệ thống điện quốc gia.

Việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ tận dụng được nguồn đất hoang hoá, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giảm được đầu tư cho các nguồn điện sử dụng nguyên liệu hoá thạch; giảm nhập khẩu than, khí; giảm tỷ trọng mua điện từ nước ngoài, bảo vệ môi trường. Một ưu điểm khác của điện mặt trời là đáp ứng được nhu cầu điện trong các giờ cao điểm ban ngày, giảm bớt áp lực cho các nguồn điện khác; giảm bớt áp lực cho hệ thống truyền tải 500kV Bắc Nam.

Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là với cơ chế khuyến khích từ Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Công Thương, điện mặt trời tại Việt Nam đã có bước phát triển nóng. Do muốn tận dụng mức ưu đãi giá 9,3 cent (USD) nên nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai xây dựng bất chấp các cảnh báo từ Bộ Công Thương và ngành điện về việc có khả năng không giải toả được hết công suất do lưới truyền tải quá tải. Đây cũng chính là lý do khiến dư luận cho rằng Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm.

Theo ông Chu Tuấn Anh, giá 9,3 cent là hợp lý ở trong thời điểm đó. Cơ chế giá cũng đã được Bộ Công Thương nghiên cứu, tính toán trên cơ sở tham khảo của các quốc gia khác nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Khi xây dựng chính sách, Bộ Công Thương cũng đã công khai lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trước khi trình Chính phủ ban hành.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương - ông Tobias Cossen – Giám đốc Dự án Lưới điện Thông minh cho Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (dự án trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ), đánh giá cao chủ trương phát triển năng lượng sạch nhằm hướng đến phát triển bền vững bằng cách ban hành cơ chế giá FIT rất hấp dẫn. Do vậy, các nhà máy điện mặt trời được phát triển với tốc độ khá nhanh (tổng công suất điện nối lưới của các nhà máy điện mặt trời tăng từ dưới 100 MW lên khoảng 5.000 MW (hơn 4,5 GW trong vòng 6 tháng). Trong khi đó, việc xây mới cơ sở hạ tầng để phân phối và truyền tải điện (đường dây tải điện và trạm biến áp) thường tốn nhiều thời gian hơn so với việc xây dựng các dự án nhà máy điện mặt trời.

Vì vậy, sẽ không dễ dàng để hạ tầng lưới điện truyền tải phát triển kịp với tiến độ đầu tư mới các nhà máy năng lượng mặt trời. Hậu quả là khả năng truyền tải của lưới thấp hơn công suất phát tối đa của các nhà máy điện mặt trời (ví dụ: tại thời điểm buổi trưa của ngày quang mây và nhiều gió). Những điểm “tắc nghẽn cổ chai” này có thể dẫn tới sự cắt giảm công suất phát, cụ thể là giới hạn công suất phát của các nhà máy điện gió và điện mặt trời.

Tuy nhiên, vấn đề này thường chỉ mang tính cục bộ. Việc tắc nghẽn chỉ xuất hiện tại những khu vực tập trung nhiều nhà máy sản xuất điện trong khi lượng điện tiêu thụ và công suất truyền tải đều thấp (chẳng hạn ở vùng nông thôn). Các dự án điện mặt trời đã nối lưới không được phân bố đồng đều trên khắp Việt Nam. Một số “điểm nóng” như tỉnh Ninh Thuận hoặc Bình Thuận có nhiều dự án điện mặt trời. Sự tắc nghẽn cổ chai lưới điện hầu hết xảy ra tại những vùng này.

Cần xem xét kỹ cơ chế đấu thầu

Theo ông Tobias Cossen và nhiều chuyên gia, Việt Nam vẫn còn nhiều địa phương có tiềm năng phát triển điện mặt trời nói riêng và điện năng lượng tái tạo nói chung vì các lợi ích của nó là khá rõ ràng.

“Điều quan trọng là phải quy hoạch để phát triển các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong tương lai tại các vùng vẫn còn đủ công suất truyền tải. Thêm nữa, thay vì đầu tư đường dây/trạm biến áp mới, thường tốn kém và mất nhiều thời gian để truyền tải năng lượng được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo, chúng ta có thể áp dụng các giải pháp lưới điện thông minh, để tăng khả năng của lưới điện, nhằm giải phóng năng lượng và điều khiển linh hoạt các thành phần của lưới điện một cách thông minh” – ông Tobias Cossen nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch điện mặt trời, ông Chu Tuấn Anh cho rằng không nên giao cho các địa phương vì việc lập quy hoạch cần tính toán đến nhiều yếu tố sao cho phù hợp với chiến lược, quy hoạch liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, năng lượng, nông nghiệp, môi trường…Bên cạnh đó, nếu không có những tiêu chí cụ thể, chặt chẽ dễ xảy ra tình trạng xin cho. Có những nhà đầu tư không đủ năng lực nhưng có quan hệ nên cứ xin dự án sau đó chuyển nhượng lại cho các doanh nghiệp khác.

Đối với vấn đề giá mua điện, theo dự kiến của Bộ Công Thương, giá FIT2 sẽ khoảng 7,89 cent vẫn có thể làm được, nhưng doanh nghiệp có thể không “mặn mà” vì lợi nhuận thấp. Giá này chỉ tương đương thuỷ điện. Trong khi đó điều kiện điện mặt trời so với thuỷ điện là hoàn toàn khác nhau. Sản xuất từ điện mặt trời chỉ được 5-6 tiếng, công suất đặt cao nhưng sản lượng thấp.

Còn theo ông Tobias Cossen, giá FIT mới cùng cơ chế đấu giá, dự kiến ​​áp dụng cho các nhà máy năng lượng mặt trời mới chưa ký Hợp đồng mua bán điện PPA vẫn đang được xem xét nhưng còn nhiều vấn đề mà Chính phủ đang phải đối mặt như việc thực thi Luật quy hoạch và tính minh bạch về quy trình phê duyệt quy hoạch phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Ông Chu Tuấn Anh cho biết, việc chuyển sang cơ chế đấu thầu không phải không làm được nhưng một trong những yêu cầu quan trọng là phải có quỹ đất sạch; hệ thống đấu nối sẵn sàng. Hơn nữa, khi đấu thầu cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để tránh tình trạng rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, hoặc doanh nghiệp núp bóng. Do đó, Nhà nước cần xem xét thật kỹ lưỡng để có quyết định chuẩn xác, vừa đạt được mục tiêu đề ra, vừa đảm bảo lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân như Thủ tướng mong muốn.

Ông Tuấn Anh cũng kiến nghị, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch và có cơ chế rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm triển khai. Hiện nhiều doanh nghiệp, trong đó có Hà Đô đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực đầu tư các dự án nhưng chưa triển khai được vì những lý do trên.

Được biết, trong cuộc họp gần đây về cơ chế điện mặt trời, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương rà soát, thống nhất về biểu giá FIT áp dụng đối với điện mặt trời trên mái nhà đảm bảo phù hợp, tránh bị lợi dụng chính sách để trục lợi; Thống nhất về biểu giá FIT chỉ áp dụng đối với các dự án đã ký Hợp đồng mua bán điện đã và đang triển khai thi công xây dựng và đưa vào vận hành trong năm 2020; Thống nhất về cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời, báo cáo thủ tướng Chính phủ để xem xét, ban hành làm cơ sở để thực hiện đối với các dự án còn lại và các dự án mới.

Đình Dũng - Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Điện mặt trời

Tin cùng chuyên mục

Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024

10 ngành công nghiệp chủ yếu năm 2024 tăng trưởng ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị tổng kết Cục Công nghiệp năm 2024

Doanh nghiệp công nghiệp nỗ lực trở lại 'đường băng' tăng trưởng

Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Ứng dụng 5G vào ngành công nghiệp thông minh: Cơ hội nhiều, thách thức cũng lớn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: Kỳ vọng VEAM sẽ tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực cơ khí

Luật Công nghiệp công nghệ số: Tạo động lực phát triển kinh tế số

Sản lượng toàn cầu của Toyota giảm trong 10 tháng liên tiếp

Thượng tướng Phạm Hoài Nam: Công nghiệp quốc phòng phải làm chủ được công nghệ tiên tiến

Chuyên gia quốc tế nói gì về các loại pháo phòng không và xe tăng T-90SK?

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Xe đạp igus:bike làm từ nhựa tái chế đến Việt Nam trong hành trình vòng quanh thế giới

Khuyến công Đà Nẵng hỗ trợ gần 1,74 tỷ đồng cho doanh nghiệp đổi mới máy móc, sản xuất sạch hơn

Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng giữ chức Chính uỷ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng

Ngành da giày đã ‘hết thời’ gia công theo kiểu cũ

Chuyên gia quốc tế nói gì về xe chiến đấu bộ binh XCB-01 của Việt Nam?

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, nâng cao sức cạnh tranh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Thành tích của Long An có đóng góp to lớn của Bộ Công Thương

Chủ tịch Quốc hội Lào thăm doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn của Vinachem