Ngành mía đường Việt Nam phát triển đã không chỉ đảm bảo đáp ứng đủ tiêu dùng trong nước, tạo việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động và 35 vạn hộ nông dân, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa… Song, trước yêu cầu hội nhập quốc tế, ngành mía đường Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, do tài nguyên đất đai có hạn, địa hình phức tạp chưa phù hợp với yêu cầu sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng lớn; qui mô sản lượng và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, khó khăn cho đầu tư sản xuất hình thành chuỗi giá trị sản phẩm sau đường và cạnh đường...
Thu hoạch mía bằng máy tại Nông trường Thành Long - TTC Biên Hòa |
Trong khi đó, đường là mặt hàng thiết yếu nằm trong chương trình an ninh lương thực quốc gia. Để phát triển ngành mía đường bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết tại các hiệp định thương mại song phương và đa phương, cần định hướng lâu dài là phải giảm giá thành ở tất cả các khâu sản xuất mía nguyên liệu, tăng hiệu quả tối đa cho các sản phẩm đầu ra theo hướng đa dạng hóa sản phẩm (đường các loại, điện sinh khối, etanol, phân hữu cơ vi sinh…). Để làm được điều này, cần triển khai các chính sách đồng bộ, có sự phối hợp tích cực giữa quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội và người nông dân.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giao:
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản là cơ quan đầu mối phối hợp với VSSA tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường; hoàn thiện trình lãnh đạo Bộ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành mía đường đến 2030, tầm nhìn 2050, trong năm 2019, theo hướng cơ cấu lại chuỗi giá trị ngành mía đường từ sản xuất đến chế biến và thương mại, nhằm tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập; tăng cường hướng dẫn, phổ biến, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn QCVN 01-98:2012/BNNPTNT về chất lượng mía nguyên liệu.
Vận hành sản xuất tại Nhà máy đường TTCS Tây Ninh - TTC Biên Hòa |
Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Nghiên cứu mía đường xây dựng Đề án Phát triển hệ thống giống mía 3 cấp, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 có 100% diện tích mía được trồng bằng giống có năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu, đề xuất bổ sung cây mía vào nhóm cây trồng thuộc diện đối tượng bảo hiểm khi xảy ra thiên tai gây ảnh hưởng đến người nông dân trồng mía (theo Nghị định 58/2018/NĐ-CP về Bảo hiểm nông nghiệp).
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng và nhân rộng các mô hình triển khai áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía và áp dụng các hình thức tưới mía phù hợp; có kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường gắn với kế hoạch xây dựng 15.000 hợp tác xã, chú trọng đào tạo nghề trồng mía cho nông dân.
Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường ưu tiên bố trí kinh phí cho các dự án nghiên cứu, phổ biến giống mía có năng suất cao, chất lượng tốt thích ứng với biến đổi khí hậu và các đề tài nghiên cứu khoa học tạo ra các sản phẩm mới từ phụ phẩm mía đường; rà soát tổng thể các tiêu chuẩn, quy chuẩn về mía nguyên liệu và đường các loại, phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ và VSSA để điều chỉnh, bổ sung phục vụ phát triểnn ngành mía đường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường ủng hộ về chủ trương thành lập đơn vị xác định chất lượng mía nguyên liệu trực thuộc VSSA theo qui định của pháp luật, nhằm minh bạch hàm lượng đường thương mại CCS và tạp chất. Đồng thời yêu cầu VSSA chủ động phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng mía nguyên liệu, đường các loại.