Xây dựng hệ sinh thái ngành thủy sản - ‘chìa khóa’ giải ‘bài toán’ tăng cơ hội tận dụng FTA Hệ sinh thái tận dụng các FTA: Chiến lược phát triển bền vững cho ngành thủy sản |
Sáng 18/11, tại TP. Tam Kỳ, Vụ Chính sách thương mại Đa biên – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam tỉnh chức Tọa đàm Trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố về hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực thủy sản tại Quảng Nam.
Tọa đàm trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp về Hệ sinh thái tận dụng FTA, trong đó có Hiệp định FTA trong lĩnh vực thủy sản tại tỉnh Quảng Nam |
Thông tin tại Hội nghị, ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian qua, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết đóng góp tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng đạt được kết quả tích cực. Doanh nghiệp tận dụng được nhiều lợi thế thúc đẩy hoạt động giao thương, mang sản phẩm, hàng hoá đến được với nhiều thị trường lớn trên thế giới, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.
Tại tỉnh Quảng Nam, theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, hoạt động xuất nhập khẩu lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh đang từng bước được cải thiện và tăng dần tỷ trọng. Theo số liệu của Cục Hải quan Quảng Nam, giai đoạn 2020-2023 kim ngạch xuất khẩu đạt 88 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng 2,5%/năm, 8 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 15 triệu USD. Trong đó tập trung xuất khẩu các mặt hàng: Bạch tuộc, bánh nướng nhân thuỷ sản đông lạnh, cá các loại, mực, tôm đông lạnh, cá ngừ steak, cá khô tẩm gia vị,... vào thị trường các nước Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan,....
Tuy nhiên, ngành thủy sản Quảng Nam cũng còn nhiều khó khăn như quy mô xuất khẩu còn nhỏ; thủy sản xuất khẩu chủ yếu là hàng thủy sản chế biến; hạ tầng thủy sản chưa được đầu tư công nghệ hiện đại; giá trị gia tăng ngành thủy sản còn thấp; mới có ít doanh nghiệp thủy sản có mô hình ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm tôm; doanh nghiệp thủy sản còn thiếu liên kết; …
Ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam |
Ông Hường Văn Minh cho biết, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng dần thủy sản nuôi; đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi thủy hải sản công nghệ cao, hiện đại; hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp với các hộ nuôi trồng thủy sản; tăng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ để tận dụng được các lợi thế từ các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA… “Thông qua tọa đàm, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam mong muốn mang lại thông tin hữu ích cho các đơn vị liên quan trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản. Đồng thời, xây dựng được hệ sinh thái để cùng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa cơ hội, hạn chế rủi ro từ các FTA để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa”, ông Hường Văn Minh nói.
Tại chương trình, các đại biểu được cập nhật những vấn đề tồn tại trong ngành thủy sản và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường đối tác FTA (tập trung vào các thị trường CPTPP, EU, Anh); được tiếp cận giới thiệu về Hệ sinh thái tận dụng các FTA gồm đặt vấn đề, nêu ra cách thức, lộ trình xây dựng và lợi ích đem lại từ việc xây dựng, vận hành Hệ sinh thái tận dụng các FTA; cùng trao đổi, góp ý các nội dung xây dựng kế hoạch vận hành Hệ sinh thái tận dụng FTA cho lĩnh vực thủy sản.
Bà Nguyễn Thùy Linh - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin những vấn đề tồn tại của ngành thủy sản và xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường đối tác FTA |
Đánh giá những khó khăn, thách thức, cơ hội và thuận lợi đối với ngành hàng thủy sản Việt Nam, bà Nguyễn Thủy Linh – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong hoạt động xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới đều phải nắm được 4 yếu tố chính: Cạnh tranh (cạnh tranh giá thành, chất lượng, thị phần), biện pháp phòng vệ (chống bán phá giá, trợ cấp, lẩn tránh thuế); thông tin thị trường và năng lực; nguồn cung (cạnh tranh nguồn cung, hợp tác bền vững). Yếu tố để khu biệt các yếu tố này giữa doanh nghiệp Việt Nam với thế giới là các mối quan hệ quốc tế - chất xúc tác.
Trong đó, riêng đối với yếu tố cạnh tranh, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang có lợi thế rất lớn khi có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, cùng với đó, Việt Nam cũng là quốc gia có độ mở kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế hàng đầu thế giới với 20 FTA đã, đang đàm phán, thực thi. Việt Nam cũng có lợi thế chi phí nhân công thấp, thủ tục ngày càng thuận lợi. Nhưng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam còn những khó khăn, thách thức liên quan đến chi phí vận tải, khả năng bảo quản sản phẩm thủy sản Việt Nam còn sơ sài, hạn chế; quy mô nhỏ, năng lực tài chính nhỏ, yếu; nguyên liệu đầu vào còn khó khăn, chi phí sản xuất còn cao.
Để tận dụng và phát huy lợi thế từ các FTA trong lĩnh vực thủy sản, bà Nguyễn Thị Thùy Linh cho rằng cần phải giải quyết được các khó khăn, tồn tại nêu trên. Trong đó, phải giảm chi phí thông qua cải tạo và hiện đại hóa vận tải, hậu cần khác, đặc biệt chú trọng đến truy xuất nguồn gốc thủy sản; hướng tới tự chủ kháng sinh; chủ động về nguồn nguyên liệu đầu vào; có chính sách hỗ trợ tín dụng như đa dạng hóa sản phẩm, nguồn lực tín dụng, đảm bảo tiêu chí dễ tiếp cận vốn vay, sửa đổi Nghị định 67.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương |
Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên cho biết, Việt Nam đang đàm phán, ký kết, đi vào thực thi 20 hiệp định thương mại tự do (FTA), có 16/20 FTA đã đi vào thực thi. Thực trạng hiện nay, nhiều ngành nghề chưa tận dụng được các ưu đãi từ các FTA, trong đó có lĩnh vực thủy sản. Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng và phát huy tốt hiệu quả các FTA, Bộ Công Thương đang xây dựng hệ sinh thái các FTA để liên kết 4 nhà: Cơ quan quản lý Trung ương; cơ quan quản lý địa phương; doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức tín dụng; người dân, hợp tác xã (người dân nuôi trồng thủy sản, hợp tác xã..). Mục tiêu của Hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực thủy sản nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA; xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Đề án Hệ sinh thái FTA được xây dựng dựa trên việc lấy ý kiến của doanh nghiệp, các cơ quan liên quan đến 6 nhóm ngành hàng (dệt may, thủy sản...). Về lộ trình triển khai xây dựng Đề án, trong năm 2024 sẽ lấy ý kiến xây dựng dự thảo đề án. Tháng 1/2025, xây dựng dự thảo Đề án Hệ sinh thái FTA và lấy ý kiến. Tháng 4/2025 sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc lấy ý kiến về dự thảo Đề án tổng thể. Tháng 5/2025 trình Thủ tướng Chính phủ đề án, xây dựng tổ công tác. Dự kiến sẽ chính thức triển khai từ tháng 9/2025. |