Chưa bao giờ showbiz Việt có liên tiếp nhiều lời xin lỗi đến thế
Chỉ tính riêng trong tháng 8, cộng đồng mạng Việt Nam chứng kiến hàng loạt lời xin lỗi đến từ các nghệ sĩ lớn và người nổi tiếng trong showbiz Việt.
Tính đến nay, những nghệ sĩ, người nổi tiếng bị phát hiện có liên quan đến "cờ ba sọc" hay các phát ngôn sai lệch, nhạy cảm như: Phạm Khánh Hưng, Phan Đinh Tùng, Tóc Tiên, Việt Hương, hoa hậu Phương Lê, gia đình bà trùm hoa hậu Phạm Kim Dung (công ty Sen Vàng) và gần đây nhất là nam rapper B Ray...cũng đã đăng tâm thư xin lỗi khán giả về những sai lầm của mình khi tham gia biểu diễn trong các sự kiện có treo cờ ba sọc (cờ của chế độ Việt Nam Cộng hoà cũ) tại Mỹ.
Loạt nghệ sĩ Việt có liên quan đến vụ cờ ba sọc và có phát ngôn lệch lạc. Ảnh: Tiểu Kết |
Trong số đó, vẫn còn có một số nghệ sĩ khác vẫn chưa có động thái chính thức lên tiếng nhận lỗi. Dường như họ đang áp dụng chiến thuật "giữ im lặng" để chờ dư luận lắng xuống, rồi tẩy trắng sacndal một cách êm ắng như một mô típ mẫu của giới nghệ sĩ tại Việt Nam hiện nay.
Nhiều khán giả cho rằng, việc xin lỗi của các /chu-de/nghe-si-viet.topic trên như một "công thức" quen thuộc để "vuốt êm" cơn phẫn nộ, bức xúc của dư luận. "Họ xin lỗi vì bị phát hiện chứ không phải vì cảm thấy có lỗi", một tài khoản mạng xã hội bình luận.
Thực tế đã chứng minh những nhận định trên không phải là thiếu căn cứ. Bằng chứng là thời gian qua đã có khá nhiều nghệ sĩ từng có rất nhiều hành động và phát ngôn sai lệch. Tuy nhiên, nếu không may bị cư dân mạng phát hiện ra thì những người này cũng tìm mọi cách giấu giếm và mặc nhiên xem đó là chuyện thường tình, chứ không hề có thái độ hối lỗi.
Rõ ràng có thể thấy, đại đa số những nghệ sĩ, người nổi tiếng sai phạm chỉ nhận lỗi khi họ bị phát hiện. Cho đến khi sự thật được phanh phui, bị dư luận xã hội lên án và thậm chí là được cơ quan chức năng triệu tập để điều tra, xử phạt thì những nghệ sĩ này mới bắt đầu có động thái xin lỗi nhằm xoa dịu dư luận.
Tại Việt Nam, có vẻ như một số thành phần trong giới nghệ sĩ, người nổi tiếng đang "ngáo" quyền lực và dần trở nên xem thường khán giả, xem thường pháp luật. Bằng chứng là việc hàng loạt nghệ sĩ vẫn ngang nhiên nhận show biểu diễn, chia sẻ những hình ảnh nhạy cảm liên quan đến những thế lực phản động, chống phá chế độ chính trị của nước nhà.
Hơn thế nữa, nhiều nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn cũng không ngần ngại đăng tải nhiều phát ngôn ngông cuồng, thiếu chuẩn mực với một tư tưởng lệch lạc. Điều này đã vô tình tác động xấu đến không ít bạn trẻ ngày nay.
Có thể nói, vụ "cờ ba sọc" chỉ là một giọt nước tràn ly khi mà khán giả Việt Nam đang ngày càng mất niềm tin vào những thần tượng, nghệ sĩ Việt. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta đang phủ nhận tài năng và những cống hiến nghệ thuật của họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là người hâm mộ Việt Nam nên dung túng cho những hành vi sai lệch của các nghệ sĩ.
Phải chăng, Việt Nam nên học hỏi theo "Luật phong sát" trong văn hoá showbiz của các nước bạn. Nhìn lại bài học từ các nước bạn như tại Hàn Quốc và Trung Quốc, giới nghệ sĩ và người nổi tiếng được quản lý khá chặt chẽ và nghiêm khắc khi hoạt động nghệ thuật cũng như khi phát ngôn trên mạng xã hội. Trước bất kỳ một scandal bê bối nào, dù rất nhỏ cũng đều bị các netizen (cộng đồng cư dân mạng) phản ứng rất gay gắt, thậm chí "phong sát" trên mọi mặt trận để không còn đường quay lại hoạt động nghệ thuật.
Theo đó, trước sức ép quá lớn của dư luận, những nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm không chỉ bị cơ quan chức năng triệu tập điều tra, xử phạt mà hàng loạt báo chí, đài truyền hình cũng tiến hành cấm sóng, xoá mọi hình ảnh và tác phẩm của nghệ sĩ đó trên tất cả các nền tảng truyền thông. Đặc biệt, sức ép của dư luận cũng khiến cho hàng loạt nhãn hàng huỷ hợp đồng, ngưng hợp tác với người nổi tiếng ấy.
Mặc dù nghe có vẻ khắc nghiệt nhưng "luật phong sát" này đã góp phần cảnh báo, răn đe cho những nghệ sĩ, người nổi tiếng tại những nước đó nếu muốn tồn tại thì buộc phải hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật quốc gia và tôn trọng khán giả hơn.