Giữa lòng phố Vạn Bảo yên bình, nơi những hàng cây xanh rì rào theo lời gió, có một căn phòng nhỏ trên tầng ba khu tập thể cũ kỹ, nơi ánh nắng chiều vẫn nghiêng nghiêng lặng lẽ qua khung cửa sổ. Ở đó, có một người đàn ông đã đi qua gần một thế kỷ, người viết nên những giai điệu thấm sâu vào tâm hồn cả dân tộc - nhạc sĩ Phạm Tuyên.
![]() |
Nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: GĐCC |
Không ồn ào, không hào quang, ông chọn cho mình một cuộc đời bình dị, nhưng trong sự giản dị ấy là cả một kho tàng âm nhạc, một tấm lòng luôn ngân vang cùng đất nước. Căn phòng nhỏ ấy, với từng bức ảnh đã ngả màu, từng tờ bản thảo nhạc đã ố vàng, từng món quà kỷ niệm của bạn bè nghệ sĩ gửi tặng… như một bảo tàng sống - nơi lưu giữ không chỉ là lịch sử đời người, mà là lịch sử của cả một thời đại.
Ở một góc tường trang trọng, bức chân dung ký họa của cố nhạc sĩ Văn Cao tự tay vẽ chân dung tặng ông - người bạn tri kỷ - vẫn nằm im trong khung gỗ, như một lời tri ân lặng lẽ, một minh chứng cho những tình bạn lớn và những giá trị không thể phai mờ. Với ông, âm nhạc là bạn đồng hành, là nơi ký thác mọi yêu thương, trăn trở và khát vọng của một người dân Việt yêu nước bằng tất cả những điều bình dị nhất.
![]() |
Bức ký họa nhạc sĩ Văn Cao vẽ tặng nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: Thanh Thảo |
“Bức vẽ của bác Văn Cao luôn được cha tôi đặt ở chỗ trang trọng nhất. Mỗi lần nhìn vào đó, ông lại rưng rưng, như thể được gặp lại một phần tuổi trẻ. Ông từng nói: Bức ký họa này không chỉ là một tấm hình, mà là ký ức, là một mối tri âm đẹp đẽ của hai người viết nhạc, thương nhớ lắm” - nhà báo Phạm Hồng Tuyến, nguyên Trưởng phòng Thiếu nhi và Tương tác nội dung (VTV6), con gái út của nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ.
Chị nói tiếp, ánh mắt lấp lánh niềm vui: “Tôi vẫn gọi căn phòng ấy là ‘thế giới riêng của cha’. Mỗi vật dụng, mỗi bức ảnh đều như kể một câu chuyện. Có những kỷ vật tôi chưa từng nghe ông kể, chỉ đến khi hỏi, ông mới nhẹ nhàng nói: “À, của một người bạn cũ tặng cha lâu lắm rồi…” - giọng cha tôi lúc ấy vừa xa xăm, vừa trìu mến lạ kỳ”.
Bản nhạc lịch sử của một đêm tháng Tư
Ngày 28/4/1975 - một ngày không thể quên trong ký ức của ông. Khi cả nước đang hồi hộp hướng về phương Nam, ông - trong căn nhà nhỏ giản dị - đón nhận tin vui lớn lao: Chiến thắng đang tới gần.
Sợ đánh thức giấc ngủ của vợ con, ông lặng lẽ bước ra hiên nhà, nơi ánh đèn vàng leo lét đổ bóng ông xuống nền xi măng cũ. Trái tim ông như vỡ oà trong niềm hạnh phúc khó gọi thành tên. Và cũng chính nơi ấy, trong hai giờ đồng hồ ngắn ngủi mà thấm đẫm xúc cảm của cả một đời, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết nên nhạc phẩm bất hủ “Như có Bác trong ngày đại thắng”.
![]() |
Cuốn sổ được nhạc sĩ Phạm Tuyên ghi lại những bài hát sáng tác trong cuộc đời. Ảnh: Thanh Thảo |
“Ông vẫn nhớ từng khoảnh khắc của đêm 28/4 năm đó. Ông nói: ‘Khi bật đài lên và nghe tin chiến thắng, tim cha như ngừng lại. Cha không khóc, nhưng tay run run viết. Mỗi nốt nhạc đều như tự vang lên. Tôi vẫn hình dung cha lúc ấy - ngồi nơi hiên nhà cũ, bên ánh đèn vàng - viết nên một phần lịch sử”, nhà báo Phạm Hồng Tuyến tiếp tục kể lại kỉ niệm ngày ấy.
![]() |
Những dòng chữ đã mờ nét mực theo năm tháng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: Thanh Thảo |
Giai điệu rộn ràng, ca từ giản dị mà thiêng liêng như chính lời reo mừng của triệu triệu người Việt Nam khi Bắc - Nam sum họp một nhà. “Việt Nam! Hồ Chí Minh!” - câu hát ấy không chỉ là lời ca, mà là trái tim, là máu chảy trong lòng bao thế hệ, là khúc khải hoàn đi cùng năm tháng.
Người con gái giữ lửa ký ức
Giờ đây, khi tuổi đã ngoài 90, nhạc sĩ Phạm Tuyên không còn viết nhạc. Nhưng ông vẫn theo dõi từng bản tin thời sự, vẫn chăm chú lắng nghe những chuyển động của đất nước. Mỗi khi một ca khúc của mình tình cờ vang lên trên truyền hình, ông lặng lẽ lẩm nhẩm hát theo. Ánh mắt ông - đôi khi lấp lánh - sáng lên niềm vui nhẹ nhàng, như thể đang trò chuyện cùng một thời đã xa, như thể mỗi giai điệu là một lần sống lại với quá khứ.
“Có lần, khi nghe ca khúc ‘Từ làng Sen’ phát trên tivi, tôi thấy cha cười mỉm. Ông lẩm nhẩm hát theo, mắt ánh lên niềm vui rất trẻ con. Tôi hỏi sao lại xúc động vậy, ông chỉ nói: ‘Vì bài ấy, cha viết từ một tình yêu lớn với quê Bác, với những người nông dân nghèo mà kiên cường như đất’”.
![]() |
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến - con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: GĐCC |
Những ký ức ấy - những điều thiêng liêng nhất của một đời người - giờ đây được gìn giữ bằng tình yêu và sự tận tụy của cô con gái út, nhà báo Phạm Hồng Tuyến. Không chỉ là người con hiếu thảo, chị còn là “người lưu giữ ký ức” của cha mình, trân trọng từng dòng tư liệu, từng bức ảnh, từng câu chuyện về một thời đã qua nhưng không bao giờ cũ.
“Tôi không bao giờ nghĩ mình đang ‘làm nhiệm vụ’ gì cả. Tôi chỉ đơn giản là một đứa con yêu cha và không muốn những điều đẹp đẽ ấy bị lãng quên. Tình yêu của cha tôi dành cho đất nước, cho âm nhạc, cho từng đứa trẻ Việt Nam… là di sản mà tôi muốn gìn giữ mãi mãi”, nhà báo Phạm Hồng Tuyến bộc bạch.
Trên trang cá nhân hay fanpage riêng, chị thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc đời thường của cha - lúc ông ngồi xem truyền hình, lúc ông chơi với cháu, hay chỉ đơn giản là một nụ cười hiền hậu bên ô cửa sổ quen. Những hình ảnh ấy chạm đến trái tim hàng ngàn người yêu mến ông - người nhạc sĩ của nhân dân, người đã góp phần dệt nên hồn cốt Việt bằng âm nhạc.
![]() |
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và con gái út tại tư gia trên phố Vạn Bảo. Ảnh: GĐCC |
Năm nay, đất nước bước vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - một dấu mốc thiêng liêng, gợi nhớ đến những con người đã sống, đã viết nên bản anh hùng ca dân tộc. Trong trái tim của hàng triệu người Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn ở đó - với “Như có Bác trong ngày đại thắng”, với “Chiếc đèn ông sao”, với “Gửi nắng cho em”, với “Từ làng Sen”…
Người nhạc sĩ của nhân dân
Giữa cuộc sống bộn bề hôm nay, những câu hát nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết vẫn âm vang trong lòng người như những nốt nhạc không tuổi. Và trong căn phòng nhỏ giữa phố Vạn Bảo, người nghệ sĩ già ấy vẫn lặng lẽ với những hồi ức, với tình yêu thương và với niềm tự hào rằng ông đã từng góp một phần nhịp đập cho trái tim Tổ quốc.
Năm nay, khi đất nước bước vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là lúc bản nhạc “Như có Bác trong ngày đại thắng” - đứa con tinh thần của nhạc sĩ Phạm Tuyên - tròn 50 tuổi.
![]() |
Giải thưởng Hồ Chí Minh dành tặng những cống hiến của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: Thanh Thảo |
“Khi tôi nói với cha rằng, bài hát ‘Như có Bác trong ngày đại thắng’ sắp tròn 50 tuổi, ông chỉ gật đầu cười: ‘Nhanh thật! Nhưng nếu bài hát ấy còn được hát lên, thì chiến thắng vẫn đang hiện hữu trong lòng người dân’. Tôi tin, bài hát ấy sẽ còn sống mãi - như chính tình yêu đất nước mà cha tôi gửi gắm”.
Hôm nay, dù cho nhạc sĩ Phạm Tuyên không còn sáng tác nữa, nhưng giai điệu năm nào vẫn sống mãi, như chính tấm lòng, ký ức và tình yêu đất nước thuần khiết của một người nhạc sĩ đã dành cả đời mình để viết nên những bản hùng ca cho dân tộc.
![]() |
Nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng các cháu thiếu nhi. Ảnh: GĐCC |
May mắn thay, chúng ta vẫn còn ông - một kho báu sống của âm nhạc Việt Nam. Và may mắn hơn, người nhạc sĩ ấy có một người con - một người đồng hành thầm lặng - đang từng ngày gìn giữ và kể lại những câu chuyện chưa từng cũ về một đời người… sống vì dân tộc, viết vì Tổ quốc.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã góp vào kho tàng đồ sộ của nền âm nhạc Việt Nam với gần 700 tác phẩm, trong đó có hơn 200 bài hát dành riêng cho thiếu nhi, tuổi trẻ. |