Chủ động đón cơ hội lớn từ Hiệp định RCEP
Ông Phạm Thiết Hòa - Tổng Giám đốc Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn:
Hiệp định RCEP mở ra cơ hội rộng lớn doanh nghiệp Việt
Ông Phạm Thiết Hòa - Tổng Giám đốc Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn |
Hiệp định RCEP gồm 15 nước siêu hiệp định chiếm 30% tổng GDP toàn cầu. Các quốc gia thành viên RCEP là các quốc gia nằm gần nhau ở khu vực Châu Á nên việc di chuyển, đường đi của hàng hóa xuất khẩu thuận tiện.
Ngoài ra, trong RCEP vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa khá thuận lợi khi các doanh nghiệp mua trong khối nên sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu dễ dàng hơn cho các với các yêu cầu từ các FTA khác như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Lượng hàng hóa luân chuyển trong RCEP rất lớn sẽ tạo ra khu vực thị trường rộng lớn cho các DN xuất khẩu của Việt Nam. cho DN xuất khẩu Việt Nam.
Từ phía DN cần đạt được các tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước thành viên RCEP. DN cũng không nên chủ quan bởi các DN trong khối cũng sẽ khai thác các lợi thế để tấn công thị trường nội địa. Vì thế DN cũng phải củng cố vị thế ở thị trường nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng cho hàng xuất khẩu đặc biệt ở sân chơi lớn như RCEP.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP |
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam:
Đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp
RCEP tích hợp một số FTA mà ASEAN đã ký trước đó. Do đó, khi RCEP có hiệu lực, DN xuất khẩu có thể dùng chung một mẫu giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) thay vì từng mẫu C/O cho từng thị trường như hiện nay, giúp đơn giản thủ tục hơn cho DN.
Ngoài ra, RCEP còn giúp DN mở rộng thị trường nhờ hưởng ưu đãi về thuế quan. Tuy nhiên, hiện DN vẫn còn băn khoăn về quy tắc xuất xứ, liệu nguyên liệu trong RCEP có được xem là nội khối và được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước thành viên hay chỉ các nước ASEAN mới được tính là nội khối như trước.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh (HUBA):
Phối hợp để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ RCEP
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HUBA |
“Siêu hiệp định” RCEP mở ra thị trường lớn với những quốc gia láng giềng, từ đó công nhận lẫn nhau về xuất xứ hàng hóa, chuỗi cung ứng sản phẩm… chính là thuận lợi lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên cơ hội luôn luôn đi với thách thức, đó là DN chúng ta phải nâng cao sức cạnh tranh và phải bám sát vào cam kết của Chính phủ đối với các hiệp định đã ký kết, trong đó có RCEP.
Đối TP. Hồ Chí Minh với số lượng DN chiếm 1/3 của cả nước và là nơi hoạt động kinh doanh sôi động nhất của cả nước, vì thế HUBA sẽ đồng hành cùng DN trong quá trình nắm bắt hiệp định này. Từ đó giúp họ nắm chắc được các điều khoản, điều kiện đối chiếu với mình để hoàn thiện và hoạch định các chiến lược tận dụng RCEP hiệu quả. Chúng tôi cũng sẽ kết nối DN với thị trường, các đối tác, kết nối với Bộ Công Thương, các tổ chức hội nhập để họ cung cấp chia sẻ trao đổi giới thiệu cho DN những kiến thức về hiệp định này.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS):
Mở rộng thị trường cho dệt may
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS |
Chúng tôi kỳ vọng Hiệp định này sẽ tạo ra cho dệt may một thị trường rộng mở với trên 2 tỷ dân và tạo ra động lực phát triển công nghệ dệt may, chuyển dịch cơ cấu dệt may của các nước trong khu vực vào thị trường Việt Nam.
Từ đó giúp Việt Nam giải quyết thách thức về phần cung thiếu hụt trong nguyên liệu dệt may suốt thời gian vừa qua gặp phải.
Tuy nhiên để có thể tận dụng cơ hội này, chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ làm sao chúng ta phải sớm xây dựng giải pháp về chiến lược dệt may giai đoạn 2030 -2040.
Theo đó định hướng ra các khu vực các địa phương tính chiến lược của ngành, đầu tư vào các khu công nghiệp có các nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn về môi trường.
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean:
Lo ngại cạnh tranh nhiều hơn
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean |
Không thể phủ nhận rằng bất kỳ một hiệp định nào cũng đều mang lại những thuận lợi và cơ hội mới cho DN nên việc có thêm một FTA mới là điều hết sức cần thiết cho DN, nhất là DN dệt may trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên với Hiệp định RCEP vốn chỉ có thêm Trung Quốc là nước có FTA mới với Việt Nam. Do đó, dù có ưu đãi về thuế quan khiến nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc về sẽ giảm nhưng việc xuất khẩu dệt may sang Trung Quốc có thể sẽ khó hơn.
Điều này xuất phát từ việc Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may top đầu thế giới nên đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với hàng dệt may từ quốc gia này.
Ông Nguyễn Hữu Tín - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC):
Sát cánh hỗ trợ doanh nghiệp
OOng Nguyễn Hữu Tín - Giám đốc ITPC Hồ Chí Minh |
Có thể nói sân chơi của DN Việt Nam chưa bao giờ lớn như hiện nay. RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của nước ta hàng năm vượt 30 tỷ USD.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô…
Cơ hội nữa là với RCEP các DN Việt sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.
ITPC đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các FTA, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, RCEP… nhằm giúp DN tiếp cận sâu và tận dụng tối đa các ưu đãi.
Chúng tôi cũng sẽ cùng các DN chủ động nắm bắt xu thế mới trong thời đại kinh tế số để tổ chức các cuộc kết nối trực tuyến giữa nhà nhập khẩu, nhà phân phối với nhà sản xuất trong nước, tăng cường cung cấp thông tin về thị trường và ngành hàng. Tới đây là ứng dụng trên điện thoại thông minh, tạo không gian kết nối cho cộng đồng DN xuất khẩu thông qua Câu lạc bộ doanh nghiệp Xuất khẩu TP. Hồ Chí Minh (VEXA), thành lập các nhóm viber ITPC kết nối DN xuất khẩu…