Chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời ông Donald Trump sẽ như thế nào?
Theo bài viết trên trang Valdaiclub của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, việc ông /chu-de/donald-trump.topic quay trở lại Nhà Trắng có cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực. Tuy nhiên, các chính sách của ông khó có thể dẫn đến sự thay đổi về chất trong hành động của Mỹ trên phạm vi toàn cầu.
Ông Trump có thể nỗ lực thay đổi hiện trạng ở Ukraine để ghi điểm và tạo điều kiện phù hợp để tập trung lực lượng vào các mục tiêu khác. Hầu hết những người bảo thủ ở châu Âu đều tin rằng, chính quyền ông Trump sẵn sàng mang lại hòa bình cho châu Âu và ngăn chặn ảnh hưởng của cuộc xung đột đối với các nền kinh tế của “lục địa già”. Đồng thời, có nhiều cơ hội hơn để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine dưới thời ông Trump hơn là dưới thời bà Harris.
Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố, ngày 6/11/2024. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, ngay cả khi xung đột ở Ukraine lắng xuống, cuộc đối đầu với Trung Quốc sẽ nhận được động lực mới sau khi ông Trump đắc cử. Không có dấu hiệu nào cho thấy một trong hai ứng cử viên có khả năng ứng phó với Bắc Kinh một cách bình đẳng và thân thiện.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump đã tiến hành cuộc chiến thương mại vi phạm các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), áp đặt thuế quan và các rào cản thương mại khác đối với Trung Quốc nhằm cải thiện cán cân thương mại song phương và kiềm chế sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. 6 năm sau, ứng cử viên đảng Cộng hòa đã làm rõ hơn chính sách này bằng cách kêu gọi áp thuế ít nhất 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Bên cạnh đó, về tác động đến Trung Đông, chính quyền đảng Cộng hòa được cho sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” xung đột ở Trung Đông. Không giống như bà Harris, ông Trump nổi tiếng là người nhiệt tình ủng hộ Tel Aviv và Thủ tướng Israel đương nhiệm. Cuộc xung đột của Israel vào Dải Gaza và các cuộc tấn công vào các bên tham gia trong khu vực như Iran làm suy yếu tác động tích cực của Hiệp định Abraham, vốn thường được xem là đóng góp chính của ông Trump vào chính sách đối ngoại Mỹ.
Ông Trump trở lại Nhà Trắng đồng nghĩa với việc sức ép của Mỹ đối với Iran sẽ tăng, cơ hội khôi phục và thực hiện Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) sẽ không còn.
Nhìn chung, ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai được cho là sẽ tăng cường cách tiếp cận đơn phương để giải quyết các vấn đề hiện tại, trong khi vẫn tiếp tục thành lập các nhóm khép kín gồm Mỹ và đồng minh.
Trong kịch bản này, đa số các quốc gia trên thế giới sẽ phải đối mặt với 3 thách thức lớn: Một là bảo vệ luật pháp quốc tế và hệ thống quốc tế dựa vào Liên Hợp Quốc; hai là tạo ra các công cụ và thể chế cho trật tự thế giới đa cực, bao gồm cả các hệ thống tài chính thay thế, nhằm tăng cường tính bền vững của các công cụ và thể chế đó cũng như tăng cường đa dạng hóa; ba là ngăn chặn nhóm quốc gia thiểu số trên thế giới vượt qua “ranh giới đỏ” trong khi vẫn hợp tác với họ bất cứ khi nào có thể.