Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Vụ phóng Oreshnik của Nga là khởi đầu kỷ nguyên tên lửa mới cho châu Âu
Washington Post dẫn ý kiến của các chuyên gia và nhà phân tích cho hay, tên lửa Oreshnik mới của Nga, ngay cả khi được trang bị phi hạt nhân vẫn gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Liên minh châu Âu (EU).
“Theo các nhà phân tích, Oreshnik đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với châu Âu, ngay cả khi được trang bị vũ khí thông thường”, Washington Post biết. Điều đáng lưu ý là các chuyên gia quân sự phương Tây nhìn thấy tín hiệu mạnh mẽ từ tên lửa đạn đạo mới được Nga thử nghiệm rằng, Moscow đã sẵn sàng giành lấy ưu thế ở Ukraine.
“Một số chuyên gia vũ khí phương Tây coi đây là phát súng đầu tiên trong cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu có thể kéo dài hàng thập kỷ”, Washington Post cho biết.
Xung đột Ukraine khó lường do giao tranh ở Kursk
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tin rằng, với sự bùng nổ giao tranh ở Kursk, cuộc khủng hoảng đã trở nên khó lường hơn và rủi ro gia tăng.
Chiến sự Nga - Ukraine ngày qua tiếp tục diễn biến khó lường. Ảnh: RIA |
“Một vấn đề cấp bách khác cần được giải quyết để duy trì an ninh toàn cầu là cuộc chiến Nga-Ukraine. Xung đột dẫn đến việc phải xem xét lại các chính sách trong lĩnh vực quốc phòng, lương thực, năng lượng, an ninh, thông tin liên lạc và vận tải…”, TASS dẫn lời ông Fidan nói.
Theo ông, “cho đến khi xung đột được giải quyết, cả hai bên sẽ tiếp tục tái vũ trang và củng cố liên minh của mình”.
“Bất chấp những rủi ro này, chúng ta vẫn cần ưu tiên ngoại giao và đối thoại để chấm dứt chiến sự bằng cách đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và thỏa thuận hòa bình lâu dài. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẵn sàng nỗ lực hết sức để đảm bảo các cuộc đàm phán hòa bình”, Ngoại trưởng Fidan nhấn mạnh.
Hé lộ kế hoạch hòa bình ở Ukraine
Tướng Keith Kellogg, ứng viên đặc phái viên phụ trách vấn đề xung đột Nga-Ukraine do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lựa chọn, mới đây đã đưa ra kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến này.
Đề xuất của ông Kellogg bao gồm việc đóng băng xung đột theo chiến tuyến hiện tại bằng một lệnh ngừng bắn và thiết lập một khu phi quân sự. Nếu chấp nhận điều này, Nga sẽ được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt và tiến tới được dỡ bỏ hoàn toàn khi một thỏa thuận hòa bình được ký kết theo ý muốn của Ukraine.
Ukraine lại phàn nàn về viện trợ của phương Tây
Tổng thống Zelensky cho biết, Ukraine đã đề nghị phương Tây trang bị cho 10 lữ đoàn để đẩy lùi quân đội Nga, nhưng đến nay các đối tác chỉ trang bị đầy đủ cho 2 lữ đoàn rưỡi.
Theo ông, vấn đề của Ukraine nằm ở việc họ thiếu trang bị vũ khí và thiết bị cho quân đội, chứ không phải ở số lượng binh lính.
“Các đối tác nói về việc tăng cường huy động, nhưng vấn đề thực sự nằm ở 10 lữ đoàn mà các đối tác của chúng tôi không cung cấp vũ khí đầy đủ. Tôi đã yêu cầu họ rất nhiều lần từ hơn 1 năm trước rằng chúng tôi cần trang bị cho các lữ đoàn này”, ông Zelensky chia sẻ với Sky News.
Tổng thống Ukraine cho rằng, một số thủ tục hành chính, một số quyết định, một số quan chức không nghĩ rằng đây là ưu tiên cho Kiev.
Chuyên gia cảnh báo về vũ khí hạt nhân ở Ukraine
Ông Ralf Bosshard, chuyên gia phân tích chính trị và quân sự cho rằng, nếu phương Tây gửi vũ khí hạt nhân cho Ukraine thì Nga cũng có thể dùng tới loại vũ khí đó.
TASS dẫn lời ông Bosshard cho biết, truyền thông phương Tây đang xuất hiện sự cuồng tín đến mức yêu cầu một số quốc gia cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine. Dù vậy, vẫn có một số lời kêu gọi chính phủ các nước phương Tây hãy hành động một cách lý trí.
“Ukraine từ lâu đã tuyên bố họ cần vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, chính quyền Kiev và phương Tây nên nhớ, trong trường hợp như vậy Nga sẽ không còn kiềm chế nữa và có thể dùng tới loại vũ khí hạt nhân”, ông Bosshard nhấn mạnh.