Theo hãng tin AP, năng lượng địa nhiệt được đánh giá cao nhờ khả năng cung cấp nguồn điện liên tục, chiếm ít diện tích và thân thiện với môi trường. Đây được coi là giải pháp lý tưởng về năng lượng cho các quốc gia trong Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia và Philippines - hai nước có tiềm năng địa nhiệt lớn và đang nỗ lực chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, dù tiềm năng của địa nhiệt rất khổng lồ, nguồn năng lượng này vẫn chưa được khai thác hết ở hai quốc gia này cũng như trên toàn cầu. Các rào cản về tài chính, quy định và sự phản đối từ cộng đồng đã khiến tiến độ phát triển năng lượng địa nhiệt bị đình trệ.
Mặc dù với nguồn tài chính ngày càng sẵn có và nhiều cải cách quy định đang dần tháo gỡ những trở ngại, các chuyên gia nhận định cần thêm những nỗ lực mạnh mẽ hơn để khai thác nguồn năng lượng sạch khổng lồ đang nằm ngay dưới bề mặt Trái đất.
Tiềm năng lớn từ nguồn năng lượng gần bề mặt Trái đất
Các quốc gia có tiềm năng địa nhiệt cao như: Mỹ, Indonesia và Philippines thường nằm gần các khu vực hoạt động kiến tạo mạnh, nơi hơi nước hoặc nước nóng tự nhiên được đưa lên bề mặt qua hoạt động núi lửa hoặc có thể khai thác dễ dàng bằng khoan nông.
“Năng lượng địa nhiệt giống như mặt trời ngay dưới chân chúng ta, cung cấp nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy”, bà Marit Brommer, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Địa nhiệt Quốc tế tại Đức chia sẻ.
Ngoài ra, nhà máy địa nhiệt có thể hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu năng lượng suốt 24/7, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, tuổi thọ cao và chi phí bảo trì thấp. Đây là lợi thế quan trọng khi các quốc gia đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh và sạch hơn.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng điện từ địa nhiệt ở Đông Nam Á được dự đoán tăng gấp 10 lần từ năm 2020 đến năm 2050, đạt 276 triệu megawatt-giờ.
Tiềm năng địa nhiệt tại Việt Nam
Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, mặc dù không nằm trong khu vực có tiềm năng địa nhiệt cao, Việt Nam vẫn sở hữu nguồn địa nhiệt đáng chú ý, song việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng này đang đối mặt nhiều rào cản kỹ thuật và nghiên cứu.
Theo các tài liệu địa chất, hàng trăm điểm xuất lộ nước nóng từ 40°C đến 100°C đã được phát hiện trên cả nước. Dựa trên phân tích địa nhiệt kế hóa học, nhiệt độ các nguồn địa nhiệt tại Việt Nam được dự báo nằm trong khoảng từ 120°C đến 200°C. Đặc biệt, các lỗ khoan thăm dò dầu khí đã phát hiện những vùng dị thường dòng nhiệt cao hơn mức trung bình của Trái đất (100 mW/m²), như ở khu vực Đông Nam đồng bằng sông Hồng (nhiệt độ tại độ sâu 3.000 m đạt trên 140°C) và ven biển Bình Thuận, nơi từng ghi nhận hoạt động núi lửa ở đảo Tro vào năm 1923.
Một số khu vực khác cũng ghi nhận dị thường dòng nhiệt cao, như Huế (106 – 143 mW/m²), Quảng Ngãi (90 – 120 mW/m²), và Kon Tum (86 – 108 mW/m²). Những khu vực này gắn liền với các cấu trúc địa chất kiến tạo hoạt động và các điểm xuất lộ nước nóng tự nhiên, tạo tiềm năng phát điện công suất nhỏ từ nguồn địa nhiệt có nhiệt thế thấp đến trung bình.
Không chỉ dừng lại ở phát điện, địa nhiệt còn có thể ứng dụng trong lĩnh vực làm mát nhờ công nghệ bơm nhiệt đất (GSHP). Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và nhu cầu điều hòa không khí cao quanh năm là môi trường lý tưởng để triển khai giải pháp này. Kết quả nghiên cứu tại đồng bằng sông Hồng cho thấy tầng trung hòa nhiệt ổn định ở mức 25°C – 26°C, phân bố ở độ sâu 10 - 15m, rất phù hợp để áp dụng công nghệ GSHP. Thí nghiệm tại Hà Nội cho thấy công nghệ này giúp tiết kiệm tới 37% năng lượng tiêu thụ so với hệ thống điều hòa thông thường, đồng thời giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Mặc dù tiềm năng là rõ ràng, việc khai thác địa nhiệt tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Các khảo sát hiện tại còn rời rạc và thiếu độ tin cậy cao. Để khai thác nguồn năng lượng tái tạo này hiệu quả, chúng ta cần đầu tư nghiên cứu sâu hơn và triển khai các dự án thí điểm nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy. Từ đó không chỉ giúp mở rộng khả năng ứng dụng mà còn góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành năng lượng quốc gia.
Nguồn năng lượng khổng lồ chưa được khai thác triệt để tại Indonesia và Philippines
Nằm trên “Vành đai Lửa” với khu vực địa chấn hoạt động mạnh, Indonesia và Philippines là hai nước sử dụng năng lượng địa nhiệt lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, cả hai quốc gia vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng địa nhiệt to lớn này.
Theo đó, Indonesia mới chỉ khai thác dưới 10% trữ lượng địa nhiệt, chiếm 6% nguồn cung năng lượng quốc gia. Trong khi đó, Philippines đã phát triển khoảng 8% công suất địa nhiệt, đáp ứng 14,6% nhu cầu năng lượng, trở thành nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất của nước này.
Hơi nước bốc lên từ nhà máy điện địa nhiệt ở Dieng, Trung Java, Indonesia. Ảnh: AP |
Cả hai quốc gia đều có kế hoạch mở rộng sử dụng địa nhiệt để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Indonesia đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sản xuất điện địa nhiệt ít nhất 8% vào năm 2030, biến đây thành nguồn năng lượng tái tạo lớn thứ hai sau thủy điện. Còn tại Philippines, chính phủ dự kiến bổ sung gần 1,5 gigawatt công suất địa nhiệt, gần gấp đôi mức sử dụng hiện tại.
Một trong những rào cản lớn nhất đối với phát triển địa nhiệt là giai đoạn thăm dò. Đây là quá trình các công ty tiến hành thử nghiệm và khoan để xác định quy mô, nhiệt độ, áp suất và khả năng sản xuất của địa điểm. Giai đoạn này đòi hỏi chi phí cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến việc thu hút tài chính trở nên khó khăn.
“Giai đoạn thăm dò là thử thách lớn nhất với các nhà phát triển, vì họ không thể gánh toàn bộ rủi ro tài chính một mình”, ông Shigeru Yamamura, chuyên gia năng lượng tại Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định.
Nguồn tài chính dành cho năng lượng địa nhiệt vẫn rất hạn chế ở khu vực Đông Nam Á, chỉ chiếm 9% tổng nguồn tài chính có sẵn cho các quốc gia thuộc ASEAN. Báo cáo năng lượng ASEAN 2024 gợi ý rằng “tài chính kết hợp”, sử dụng cả nguồn công, tư, các khoản tài trợ và trái phiếu xanh có thể giúp lấp đầy khoảng trống này.
Để giải quyết vấn đề tài chính, Philippines đã đưa ra các chương trình đấu giá năng lượng xanh dành cho địa nhiệt và đang chuẩn bị kế hoạch “lưới điện xanh thông minh” để ưu tiên năng lượng tái tạo. Đây là bước đi quan trọng giúp các nhà đầu tư tư nhân dễ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.
Tại Indonesia, Tổng thống Prabowo Subianto tập trung vào phát triển địa nhiệt trong chiến lược chuyển đổi năng lượng quốc gia. Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia cam kết rút ngắn thời gian cấp phép và tìm cách tăng tỷ lệ hoàn vốn cho các dự án địa nhiệt. Công ty Điện lực Quốc gia (Perusahaan Listrik Negara) cũng tuyên bố đẩy mạnh phát triển năng lượng địa nhiệt.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới đã cấp khoản vay 150 triệu USD để giảm rủi ro trong giai đoạn thăm dò sớm của các dự án địa nhiệt ở Indonesia. Quỹ Khí hậu Xanh và Quỹ Công nghệ Sạch cũng đóng góp thêm 127,5 triệu USD cho các dự án này.
Tuy nhiên, ngay cả khi vượt qua các thách thức tài chính, sự phản đối từ cộng đồng vẫn có thể làm chậm tiến độ. Tại Indonesia, cư dân ở một số ngôi làng đã phản đối các dự án địa nhiệt vì lo ngại về an toàn và môi trường. Trong 5 năm qua, một số địa điểm địa nhiệt tại Indonesia đã xảy ra các vụ rò rỉ khí độc gây chết người.
Còn tại Philippines, các cuộc phản đối tại các địa điểm địa nhiệt đã buộc ít nhất một công ty phải trả tiền đền bù cho các nhóm người bản địa lo ngại về nguy cơ suy thoái đất.
Theo bà Brommer, các Chính phủ và doanh nghiệp cần làm việc để đạt được sự đồng thuận từ cộng đồng tại các khu vực dự án nhằm đảm bảo thành công. “Không chỉ là làm người hàng xóm tốt, mà phải trở thành người hàng xóm tốt nhất, thực sự lắng nghe và tôn trọng những mối quan tâm của cộng đồng”, bà nhấn mạnh.