Mỹ lo ngại Ukraine không đủ quân số để “chống chọi” với Nga
Tờ Washington Post dẫn lời một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ lo ngại rằng, các khoản viện trợ "tỷ đô" của Mỹ dành cho Ukraine có khả năng làm xói mòn kho vũ khí dự trữ của nước này và làm cạn kiệt nguồn lực từ các căn cứ quân sự Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một sự kiện vào tháng 6/2024. Ảnh: AP |
Trong những tuần gần đây, các lực lượng Nga đã chiếm được lãnh thổ Ukraine với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2022, gây ra sự báo động ở Washington. Các quan chức Mỹ kỳ vọng, động thái thúc đẩy vũ khí vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, cùng với quyết định "bật đèn xanh" cho các cuộc tấn công tên lửa sâu vào lãnh thổ Nga và việc triển khai các loại mìn chống bộ binh (vốn là vấn đề gây tranh cãi), có thể giúp Kiev kéo dài cuộc chiến. Nhưng họ cũng đang thúc giục các nhà lãnh đạo Ukraine tận dụng thời điểm này mở rộng quân đội để vượt quá con số 160.000 tân binh hàng năm.
Một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden đã nêu quan điểm rằng, bất kể Washington có làm gì, quân đội Kiev sẽ vẫn bị áp đảo, nếu không có nhiều binh lính hơn để duy trì cuộc chiến. Ngay cả khi họ đẩy nhanh các chuyến hàng vũ khí, các nhà lãnh đạo Ukraine vẫn tiếp tục làm phía Mỹ thất vọng, do đã phản đối lời kêu gọi của nước này về việc hạ độ tuổi nhập ngũ của Ukraine từ 25 xuống 18.
"Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục gửi vũ khí và thiết bị cho Ukraine. Chúng tôi biết điều đó rất quan trọng. Nhưng nhân lực cũng quan trọng vào thời điểm này", phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết vào tuần trước. "Trên thực tế, chúng tôi tin rằng, nhân lực là nhu cầu quan trọng nhất của họ. Vì vậy, chúng tôi cũng sẵn sàng tăng cường năng lực đào tạo của mình nếu họ thực hiện các bước thích hợp để lấp đầy hàng ngũ của mình".
Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden cho biết, mặc dù hỏa lực của Ukraine đã suy yếu do viện trợ quân sự của Mỹ chậm lại trước khi Quốc hội phê duyệt 61 tỷ USD tiền viện trợ bổ sung vào tháng 4, nhưng hiện tại, vấn đề đó không còn là vấn đề.
"Khoảng cách về đạn dược có thể chưa được thu hẹp hoàn toàn giữa Ukraine và Nga, nhưng nó đã được cải thiện rất nhiều. Nhưng về mặt nhân lực, đó chỉ là vấn đề toán học và vật lý", một quan chức giấu tên cho biết.
"Tôi không cố gắng cáo buộc Ukraine về bất cứ điều gì. Đây là một vấn đề rất thách thức đối với họ", vị quan chức này cho biết. "Nhưng trong suốt hai năm nay, đặc biệt là năm ngoái, họ không huy động và đào tạo đủ binh lính để thay thế những tổn thất trên chiến trường".
Những tiến bộ quân sự của Nga đã khiến chính quyền Biden bất an, mặc dù các quan chức cấp cao của chính quyền cho biết họ không mong đợi các tuyến phòng thủ của Ukraine sẽ “sụp đổ” trong những tháng tới ngay cả khi phía Nga tiếp tục tiến công.
Tuy nhiên, những quan chức này cảnh báo rằng, cuộc chạy đua sử dụng phần còn lại của dự luật viện trợ bổ sung trị giá 61 tỷ USD có khả năng gây khó cho quân đội Mỹ. Có lo ngại đặc biệt về số lượng máy bay đánh chặn phòng không và một số loại đạn pháo đang được chuyển đến Ukraine. Một quan chức cho biết, cả hai đều khó có thể sản xuất được nhanh chóng và những tổn thất khí tài quân sự sẽ làm giảm khả năng sẵn sàng của quân đội Hoa Kỳ đối với các “điểm nóng” ở Trung Đông và châu Á.
Lính Ukraine tại Kursk nhận lệnh "đặc biệt"
Theo BBC, gần 4 tháng sau khi quân đội Ukraine tấn công vùng Kursk của Nga, tin nhắn của các binh sĩ Ukraine từ đây gửi đi đã vẽ nên bức tranh ảm đạm về trận chiến mà họ không hiểu rõ cùng nỗi lo sẽ thua.
Một số binh sĩ Ukraine giấu tên cho hay, mỗi ngày tình hình lại trở nên tồi tệ hơn và xu hướng này còn tiếp tục. "Thất bại chỉ là vấn đề thời gian", một người lính Ukraine nhắn cho phóng viên BBC hôm 26/11.
Các binh sĩ Ukraine đều kể về điều kiện thời tiết khắc nghiệt, về tình trạng thiếu ngủ thường xuyên do các đợt không kích liên tiếp của Nga và việc họ đang rút lui khi quân Nga dần giành lại lãnh thổ.
Một người lính được BBC gọi là Pavel cho hay: "Nhiệm vụ chính của chúng tôi là giữ được tối đa lãnh thổ Nga cho tới khi ông Donald Trump nhậm chức vào cuối tháng 1/2025 và bắt đầu đàm phán... nhằm đổi lấy thứ gì đó sau này. Tuy nhiên, không ai biết đó là gì".
Khoảng 40% số lãnh thổ Nga mà Ukraine kiểm soát được trong cuộc đột kích hồi tháng 8 đã bị Nga giành lại. Vadim - một người lính Ukraine đã được BBC đổi tên - cho hay, anh và các binh sĩ khác đang gặp khó khăn trong việc giữ vững vị trí.
Khi được hỏi, liệu tên lửa tầm xa của phương Tây có giúp cải thiện tình hình hay không, một trong số các binh sĩ Ukraine tại Kursk trả lời: "Không ai ngồi trong chiến hào lạnh lẽo và chờ tên lửa. Chúng tôi sống và chiến đấu ở đây, ngay lúc này trong khi tên lửa lại bay ở nơi nào đó".
Việc Ukraine được phép sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow do phương Tây cung cấp để tấn công vào các mục tiêu Nga có thể gây ra những tác động mạnh, thậm chí là tàn phá các sở chỉ huy, kho đạn song những thành công như vậy dường như vẫn xa vời đối với những người lính Ukraine ở tiền tuyến. Myroslav, một người lính Ukraine cho hay: "Chúng tôi không nói về tên lửa. Trong các boongke, chúng tôi nói chuyện về gia đình và luân chuyển... về những điều đơn giản".
Nga huấn luyện 300.000 binh sĩ mới, sẵn sàng tham chiến tại Ukraine
Trong một bài viết đăng trên báo Krasnaya Zvezda hôm 2/12, ông Ivan Buvaltsev - người đứng đầu Cục Huấn luyện Chiến đấu của Lực lượng vũ trang Nga - cho biết, hơn 300.000 quân nhân đã trải qua khóa huấn luyện chiến đấu trong các trung đoàn dự bị để triển khai đến các khu vực diễn ra chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
"Những thành công nghiêm túc đã đạt được trong các trung đoàn dự bị. Đây là các đội hình huấn luyện quân nhân đã tự nguyện ký hợp đồng tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt. 7 đại đội huấn luyện viên và 8 đại đội huấn luyện được thành lập cho mục đích này đã huấn luyện hơn 300.000 quân nhân", quan chức quốc phòng Nga xác nhận.
Huấn luyện quân sự đặc biệt chú trọng đến việc huấn luyện cá nhân cho các quân nhân. Ông Buvaltsev cho biết, quân nhân có được các kỹ năng về thực hành bắn súng, huấn luyện chiến thuật và kỹ thuật, y học chiến thuật và huấn luyện đặc biệt tùy thuộc vào chuyên ngành quân sự.
Giai đoạn huấn luyện đơn lẻ được hoàn thành bằng các cuộc tập trận chiến thuật toàn diện, trong đó quân nhân học các chiến thuật tác chiến như một phần của các yếu tố chiến đấu và các nhóm chiến thuật nhỏ.
Việc huấn luyện quân nhân dựa trên việc nghiên cứu cẩn thận kinh nghiệm chiến đấu có được trong chiến sự Nga - Ukraine. Các kỹ thuật và phương pháp được xây dựng trong quá trình này đã được đưa vào huấn luyện chiến đấu ngay lập tức. Hệ thống huấn luyện chiến đấu được tổ chức theo cách này đã chứng minh được hiệu quả, quan chức quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Tạp chí US News and World của Mỹ hồi tháng 10 công bố bảng xếp hạng các lực lượng vũ trang mạnh nhất thế giới năm 2024. Xếp hạng này đánh giá sức mạnh quân sự của các quốc gia dựa trên một bộ chỉ số, bao gồm quy mô lực lượng, trình độ công nghệ vũ khí cũng như các nguồn lực kinh tế và chiến lược. Theo bảng xếp hạng, Nga xếp vị trí số 1, tiếp đến là Mỹ, Israel.