Thứ hai 25/11/2024 02:44

Chiến sự Trung Đông: Nga có thể làm gì để dập tắt ngọn lửa chiến tranh?

Nga đã có mối quan hệ văn hóa và lịch sử sâu sắc với các dân tộc Hồi giáo trong nhiều thế kỷ, khi vai trò của Nga ở Trung Đông gia tăng kể từ thế kỷ 19.

Theo bài viết trên trang web của Câu lạc bộ thảo luận Valdai, khi thảo luận về vai trò của Nga ở Trung Đông, có thể nhận thấy 3 điểm nổi bật. Thứ nhất, mối liên hệ của Moscow với khu vực có lịch sử lâu đời, từ nhiều thế kỷ trước, chủ yếu thông qua Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Thứ hai, Nga có mối quan hệ mạnh mẽ và cân bằng với tất cả các bên tham gia chủ chốt trong khu vực: các nước Arập, Iran, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ ba, hợp tác giữa Moscow và Washington là phương thức tốt nhất để tăng cường an ninh trong khu vực.

Về mối liên hệ với khu vực, Nga đã có mối quan hệ văn hóa và lịch sử sâu sắc với các dân tộc Hồi giáo trong nhiều thế kỷ, khi vai trò của Nga ở Trung Đông gia tăng kể từ thế kỷ 19. Ban đầu, mối quan hệ này liên quan đến việc bảo vệ các cộng đồng Cơ đốc giáo chính thống. Sang thế kỷ 20, Moscow đã hỗ trợ cho người Arập trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân và sau đó là trong cuộc xung đột với Israel.

Về quan hệ của Nga với các nước chủ chốt trong khu vực, Moscow đã dần củng cố quan hệ với hầu hết các nước cộng hòa Arập từ những năm 1950. Mối quan hệ của Moscow với các chế độ quân chủ này không hoàn toàn thân thiện cũng không hoàn toàn thù địch. Hơn nữa, mặc dù Liên Xô đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Israel vào năm 1948, nhưng mối quan hệ của nước này với Tel Aviv dần xấu đi do Israel xích lại gần phương Tây.

Hai cuộc xung đột đồng thời ở Gaza và Liban, cuộc tấn công tên lửa vào Israel của Iran đang khiến “lò lửa” Trung Đông nóng rực trong khi các giải pháp và sáng kiến ngoại giao trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết. Ảnh: AP

Bước đột phá thực sự đối với Moscow diễn ra vào năm 1955, khi chính quyền cách mạng non trẻ ở Ai Cập, do thất vọng vì Mỹ từ chối cung cấp vũ khí, đã tìm đến Liên Xô. Từ năm 1955 đến năm 1972, khi các cố vấn quân sự Liên Xô được yêu cầu rời khỏi Ai Cập, Moscow đã phát triển mối quan hệ cực kỳ chặt chẽ không chỉ với Ai Cập mà còn với Syria, Iraq, Algeria, Yemen và Libya. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự hỗ trợ của Moscow dành cho các nước Arập trong cuộc xung đột với Israel đã đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố vị thế của các nước Arập ở cấp độ quốc tế. Cũng trong thời gian đó, quan hệ của Moscow với Iran, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều vấn đề do mối liên kết của họ với phương Tây thời Chiến tranh lạnh.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Nga đã cố gắng duy trì mối quan hệ hữu nghị, mặc dù gián đoạn khoảng 15 năm sau chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập Sadat tới Jerusalem, với hầu hết các nước cộng hòa Arập. Moscow đã biến mối quan hệ từng lạnh nhạt với các chế độ quân chủ này thành những mối quan hệ cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả hợp tác năng lượng và quân sự.

Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Iran năm 1979, Moscow đã có thể hàn gắn quan hệ với Tehran. Kể từ đó, các mối quan hệ nhìn chung đã được cải thiện, và sự hợp tác gia tăng, đặc biệt là ở Syria. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Moscow đã có thể thiết lập mối quan hệ tốt đẹp hơn với cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Rõ ràng là trong thập kỷ qua, quan hệ với cả hai nước này - dù đôi khi bị gián đoạn - đã đạt đến mức cao lịch sử. Như vậy, mối quan hệ của Moscow với các bên tham gia chủ chốt trong khu vực đã được cải thiện rõ rệt so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Nga trong việc tăng cường an ninh ở Trung Đông

Thứ nhất, Moscow có lợi thế là mối quan hệ lịch sử lâu đời với các nước Trung Đông. Điều này luôn mang lại cho Nga sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện vượt trội về một khu vực nằm gần biên giới với Nga và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nga.

Thứ hai, lợi thế này được củng cố bởi thực tế là, không giống như Mỹ, Moscow có quan hệ tốt với tất cả các bên tham gia chủ chốt trong khu vực. Trung Quốc cũng có lợi thế này, nhưng tỏ ra miễn cưỡng trong việc can dự với bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến an ninh và ưu tiên tập trung vào thúc đẩy lợi ích kinh tế của mình.

Thứ ba, với việc mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang xấu đi do cuộc xung đột ở Ukraine, gần như khó có thể hình dung được bất kỳ sự hợp tác nào giữa hai nước ở Trung Đông trong thời gian tới. Tuy nhiên, bất chấp tình trạng tồi tệ trong quan hệ Mỹ-Nga, Moskcow vẫn có thể đóng góp quan trọng cho an ninh và ổn định ở Trung Đông, đồng thời mở đường cho giải pháp một khi hợp tác với Mỹ được khôi phục. Vai trò như vậy của Nga ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách, khi xét tới hậu quả sâu rộng và nghiêm trọng của tình hình thảm khốc ở Gaza và sự leo thang gần đây ở Liban.

Với cuộc chiến ở Gaza, mô hình cho một giải pháp khu vực đã thay đổi. Không còn là “Arập đối đầu với Israel” nữa, mà là phần còn lại của thế giới được chia thành nhóm người theo dõi từ bên ngoài và nhóm người ủng hộ một trong các bên ở mức độ này hay mức độ khác. Giờ đây, gần như toàn bộ cộng đồng quốc tế đang chống lại Israel và chỉ có một số ít bên ủng hộ nước này, bao gồm cả Mỹ. Nhưng ngay cả vấn đề này cũng có những thay đổi. Có thể nhận thấy điều đó khi tham khảo các nghị quyết được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua từ tháng 10/2023, trong đó mới nhất là vào ngày 18/9 (Nghị quyết ES-10/24 theo ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế, khi đó chỉ có 14 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ Israel, 43 phiếu trắng và 124 phiếu chống lại nước này).

Nga có thể làm gì ở Trung Đông?

Tất nhiên, sẽ không thể có được một bước đột phá trong các vấn đề đang gây khó khăn cho khu vực, cho đến khi Nga-Mỹ khôi phục được sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác dưới hình thức nào đó. Vậy thì Nga có thể làm gì để cải thiện tình hình an ninh trong khu vực?

Thứ nhất, mối quan hệ của Nga với Israel chưa bao giờ tốt hơn, bất chấp những bước thụt lùi tạm thời do xung đột ở Ukraine. Điều đáng tiếc là dưới thời Chính quyền Israel hiện tại, triển vọng giải quyết vấn đề Hamas, chưa kể đến vấn đề Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Syria và Liban, là gần như bằng không. Mục tiêu tối đa có thể đạt được là một lệnh ngừng bắn, hỗ trợ nhân đạo, tạo điều kiện cho người dân Gaza trở về nhà và dỡ bỏ các biện pháp đang làm leo thang tình hình ở Bờ Tây. Ngoài ra, ưu tiên hàng đầu là nhanh chóng ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel vào Liban và đảm bảo sự ổn định của biên giới Israel-Liban.

Thứ hai, Nga cũng có thể góp sức ở những địa bàn nước này trực tiếp tham gia, cụ thể là Syria, Libya, Sudan và Iran. Tình hình ở cả Libya và Sudan đều không thể giải quyết nhanh chóng do sự chia rẽ nội bộ sâu sắc dường như ngăn cản việc đạt được bất kỳ sự hiểu biết lẫn nhau nào. Moscow có quan hệ tốt với tất cả các bên liên quan, dù là ở địa phương hay khu vực, chủ yếu là với Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Nga cũng có liên lạc với các bên xung đột.

Syria và Iran nằm trong nhóm đặc biệt, mặc dù vì những lý do khác nhau. Nhưng quan trọng hơn, các nước này được kết nối với nhau, vì các bên tham gia chính ở Syria là Ankara và Tehran. Vấn đề loại bỏ sự hiện diện của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là rất quan trọng đối với sự ổn định lâu dài của đất nước, cũng như đối với mối quan hệ giữa Ankara và Tehran với các nước Arập.

Thứ ba, các vấn đề ưu tiên của Nga luôn là an ninh khu vực ở Trung Đông và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Mối quan hệ của Nga với Iran cũng có thể được tận dụng để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu. Để đạt được điều này, cần phải nối lại đàm phán với Iran theo hình thức P5+1, cũng như khởi động lại nỗ lực hình thành hệ thống an ninh khu vực. Việc thiết lập hệ thống như vậy đòi hỏi quá trình phức tạp và lâu dài và sẽ không thể thực hiện được trong tương lai gần.

Thanh Bình
Bài viết cùng chủ đề: tình hình Trung Đông

Tin cùng chuyên mục

Chiến sự Nga-Ukraine tối 23/11: Nga sắp bao vây vùng chiến sự; Ukraine khẩn trương đối phó với vũ khí mới

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 23/11/2024: Tổng thống Ukraine thay đổi quan điểm về cuộc xung đột với Nga?

Tình báo Ukraine nói tên lửa Oreshnik của Nga bay hơn 13.000km/giờ

Trí tuệ nhân tạo AI được cho thử nghiệm tác chiến không quân

Việt Nam - Ấn Độ nâng cao khả năng phối hợp trong hoạt động gìn giữ hòa bình

Chiến sự Nga-Ukraine ngày 23/11/2024: Xung đột ở Ukraine đang bước vào giai đoạn quyết định; NATO-Ukraine tổ chức họp khẩn

EU và Trung Quốc tiến gần đến thỏa thuận xóa bỏ thuế quan đối với ô tô điện

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 23/11: Lính đánh thuê NATO thiệt mạng; Mỹ gửi loại mìn cấm cho Ukraine

Toàn cảnh thế giới 22/11: Nga hé lộ bí mật tên lửa siêu thanh; Israel nã pháo vào Beirut

Nga và OPEC hợp tác nhằm ổn định thị trường dầu mỏ

Chiến sự Nga-Ukraine tối 22/11: Nga tấn công ồ ạt vào Kurakhove; Ông Zelensky có động thái mới về Crimea

Hungary kêu gọi phương Tây nghiêm túc xem xét vụ phóng tên lửa Oreshnik của Nga

Phòng không Nga bắn hạ hai tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 22/11: Hứng ‘mưa tên lửa’ siêu thanh, Ukraine kêu gọi ứng phó ‘khẩn cấp’

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 22/11/2024: Ukraine có phải là mục tiêu thực sự của tên lửa siêu thanh Oreshnik?

Chiến sự Nga-Ukraine 22/11/2024: Ông Putin gửi tín hiệu tới phương Tây; Nga đạt tiến bộ đáng kể ở Donbass và Novorossiya

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominica đang mở ra nhiều triển vọng hợp tác

Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominica

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 22/11: Lính đánh thuê NATO thiệt mạng ở Kursk;tên lửa Storm Shadow tấn công sở chỉ huy Nga

Điện Kremlin cảnh báo xung đột 'leo thang' sau vụ phóng tên lửa Storm Shadow từ Ukraine