Chiến sự Nga-Ukraine tối 25/12: Nga đối mặt nguy cơ 'chảy máu' thiết giáp; Ukraine thất thủ trên toàn chiến tuyến?
Ukraine thất thủ trên toàn chiến tuyến?
Kênh Military Summary mới đây đưa tin về tình hình chiến sự Nga-Ukraine, quân đội Ukraine (AFU) chịu những thất bại liên tiếp trên toàn bộ chiến tuyến. Trong 24 giờ qua, các đợt tấn công dữ dội của Nga (RFAF) đã tạo nên hàng loạt đột phá chiến lược, đẩy Kiev vào tình thế nguy ngập.
Chiến sự Nga-Ukraine vẫn diễn ra ác liệt. Ảnh: GETTY IMAGES |
Sau khi RFAF giành quyền kiểm soát làng Storozheve, thành phố Velyka Novosilka của Ukraine hiện gần như bị bao vây hoàn toàn. Đây là bước ngoặt nguy hiểm khi tuyến phòng thủ tại khu vực này có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào, mở đường cho lực lượng vũ trang Nga tiến sâu hơn.
Trên hướng Pokrovsk, lực lượng Moscow đã tiến xa về phía tỉnh Dnepropetrovsk, với chỉ một vài ngôi làng mỏng manh ngăn cách họ và khu vực chiến lược này. RFAF được cho là đã kiểm soát làng Novoolenivka và đặt chân vào các vị trí đầu tiên tại hai ngôi làng khác.
Cùng lúc đó, tại Toretsk, Nga tiếp tục gây áp lực mạnh mẽ khi chiếm giữ Shcherbynivka và tiến về khu vực New York sau khi làm chủ một mỏ khoáng sản quan trọng. Mũi tấn công này đang khiến tình hình của Ukraine tại khu vực trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.
Ở Kupyansk, một video định vị địa lý vừa được công bố cho thấy RFAF có khả năng đã chiếm hoàn toàn làng Zahryzove. Đây là một trong những khu vực then chốt trên tuyến phòng thủ phía đông bắc của Ukraine.
Những mũi tấn công sắc bén của Nga trên nhiều mặt trận đã tạo ra một bức tranh ảm đạm cho Ukraine. Nếu không kịp thời củng cố lực lượng và điều chỉnh chiến lược, Kiev có thể sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến các vùng lãnh thổ quan trọng.
Nga đối mặt nguy cơ "chảy máu" thiết giáp
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), tổn thất xe bọc thép của Nga trong năm nay đang đạt mức báo động, đe dọa trực tiếp đến khả năng duy trì các chiến dịch tiến công trên chiến trường Ukraine.
Phân tích của ISW dựa trên hình ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng vũ trang Nga hiện chỉ còn khoảng 47% lượng xe tăng, 52% xe chiến đấu bộ binh, và 45% xe bọc thép chở quân so với thời điểm trước chiến sự. Đây là hệ quả của những tổn thất nặng nề trong các cuộc giao tranh ác liệt tại nhiều khu vực tiền tuyến.
Kể từ khi chiến sự nổ ra, Nga được cho là đã mất khoảng 20.000 xe bọc thép. Tại các khu vực nóng như Pokrovsk và Kurakhove, cường độ giao tranh khốc liệt đã làm gia tăng đáng kể số lượng thiết giáp bị phá hủy, khiến Nga buộc phải điều chỉnh chiến thuật tấn công.
ISW nhận định, với tổn thất lớn về phương tiện bọc thép, Nga đang chuyển từ các đợt tấn công cơ giới quy mô lớn sang chiến thuật nhóm nhỏ, nhằm phân tán lực lượng đối phương và giảm tổn thất. Tuy nhiên, chiến thuật này khó có thể duy trì hiệu quả khi mùa đông đến, địa hình trở nên bất lợi cho các cuộc tiến công.
Tại các khu vực ít giao tranh hơn như Siversk và Kupiansk, Nga vẫn thực hiện được các cuộc tấn công cơ giới cấp tiểu đoàn, cho thấy sự hiện diện của lượng xe bọc thép còn tương đối dồi dào. Trong khi đó, ở những điểm nóng, việc tổn thất thiết giáp đã trực tiếp kìm hãm đà tiến công của Nga.
Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng sự phát triển của công nghệ mới như UAV đã khiến xe tăng và thiết giáp ngày càng dễ tổn thương, ISW nhấn mạnh rằng các phương tiện này vẫn đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch giành lãnh thổ.
Dù dễ bị tổn thương hơn trước, xe bọc thép vẫn là nhân tố không thể thiếu, đặc biệt trong các cuộc tấn công cường độ cao. Tuy nhiên, việc phải sử dụng các dòng xe cũ như T-72, T-64/62, và thậm chí T-54/55 từ thời Liên Xô đang cho thấy sự kiệt quệ về nguồn lực của Nga, ngay cả khi họ tung vào chiến trường các mẫu xe tăng hiện đại như T-90 hay T-80.
Tổn thất xe bọc thép không chỉ ảnh hưởng đến sức mạnh quân sự mà còn gây áp lực lớn lên chiến lược tổng thể của Nga tại Ukraine. Trong khi đó, Ukraine ngày càng tận dụng tốt công nghệ tác chiến hiện đại để làm suy yếu các phương tiện tấn công của đối phương.
ISW cảnh báo, nếu không thể bổ sung và bảo vệ nguồn lực thiết giáp, Nga có nguy cơ đánh mất lợi thế trên chiến trường, nhất là khi mùa đông khắc nghiệt đẩy mọi cuộc tấn công vào thế khó khăn hơn.
UAV Ukraine phá huỷ căn cứ Millerovo
Forbes đưa tin, sáng sớm 23/12, bầu trời tỉnh Rostov (Nga) rực sáng khi quân Ukraine tung đợt tấn công dữ dội bằng máy bay không người lái (UAV) vào căn cứ không quân Millerovo. Những tiếng nổ lớn rung chuyển căn cứ, nơi đang là điểm đồn trú của các tiêm kích Sukhoi Su-25 – "át chủ bài" trong các cuộc không kích trên chiến trường Ukraine kéo dài suốt 34 tháng qua.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, mục tiêu phá hủy Su-25 hay các trang thiết bị quân sự không phải là điểm nhấn chính của chiến lược Ukraine. Theo Tatarigami, nhà sáng lập nhóm phân tích Ukraine Frontelligence Insight, các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga đang nhắm đến một mục tiêu lớn hơn là gieo rắc nỗi bất an, làm gián đoạn chuỗi vận hành quân sự và buộc Moscow phải trả giá đắt hơn trong cuộc chiến.
Chiến thuật này của Ukraine đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Trong những tháng gần đây, Nga đã buộc phải dịch chuyển các lực lượng và phương tiện chiến đấu quan trọng ra xa tiền tuyến để tránh tổn thất. Cụ thể, từ khi Ukraine sử dụng các vũ khí tấn công tầm xa như tên lửa ATACMS của Mỹ, tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh và Pháp, hay các UAV và tên lửa nội địa, Nga đã phải di chuyển hàng loạt máy bay chiến đấu ra khỏi tầm bắn.
Chỉ trong vòng 7 tháng, số lượng máy bay Nga đóng gần tiền tuyến, trong phạm vi 160km, đã giảm đáng kể. Tại Millerovo, nơi từng đồn trú hàng chục chiếc Su-25 và Su-30 vào năm ngoái, nay các vệ tinh thương mại chỉ ghi nhận sự hiện diện của một vài chiếc Su-25. Việc rút lui này tuy giúp Nga bảo vệ tài sản quý giá, nhưng cũng đồng thời làm suy giảm hiệu quả tác chiến của lực lượng không quân.
Thay vì xuất kích từ khoảng cách gần, các máy bay Nga giờ đây phải bay từ các căn cứ xa hơn, cách tiền tuyến tới 640km. Điều này không chỉ giảm tần suất xuất kích hàng tuần mà còn rút ngắn thời gian hiện diện của không quân Nga trên vùng chiến sự, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh không kích.
Các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa vào sâu trong lãnh thổ Nga đang giúp Ukraine từng bước thay đổi cán cân chiến lược. Bằng việc buộc Nga phải phòng thủ ở một "chiều sâu" chưa từng có, Ukraine không chỉ gây áp lực lớn lên khả năng hậu cần và tác chiến của đối phương mà còn làm tăng đáng kể chi phí chiến tranh của Moscow.